Không đạt kiểm định, không tăng chỉ tiêu
Việc xác định chỉ tiêu sẽ dựa trên nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, ngành đào tạo và địa chỉ sử dụng nhân lực sau khi đào tạo của địa phương và các tổ chức giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa hoàn thành dự thảo thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, CĐ các ngành đào tạo giáo viên (GV); trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ.
Kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh
Theo dự thảo, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sẽ căn cứ trên các tiêu chí là số sinh viên chính quy/giảng viên quy đổi theo từng khối ngành; diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo/sinh viên chính quy; yêu cầu về chủng loại và số lượng học liệu, trang thiết bị tối thiểu của các hạng mục công trình theo yêu cầu của chương trình đào tạo.
Bộ GD-ĐT cũng bổ sung tiêu chí kiểm định vào để kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh. Đó là các cơ sở giáo dục chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định thì không tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước liền kề (trừ ngành đào tạo mới được mở ngành trong năm tuyển sinh).
Riêng đối với các ngành đào tạo GV, việc xác định chỉ tiêu sẽ dựa trên nhu cầu tuyển dụng GV theo trình độ, ngành đào tạo và địa chỉ sử dụng nhân lực sau khi đào tạo của địa phương, của các tổ chức giáo dục, có các minh chứng kèm theo. Bên cạnh đó là các điều kiện bảo đảm chất lượng và năng lực các ngành đào tạo GV của cơ sở giáo dục. Bộ GD-ĐT sẽ phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành đào tạo GV của cơ sở giáo dục theo trình độ đào tạo, sau đó là điều kiện bảo đảm chất lượng đầu vào.
Chỉ tiêu tuyển sinh sẽ được siết chặt để bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH Ảnh: Hoàng Triều
Đánh giá về quy định này, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, cho rằng việc xác định nhu cầu tuyển dụng GV sau 4 năm nữa khá khó khăn đối với một trường ĐH để dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh, nhất là tính đến các yếu tố đổi mới chương trình, sách giáo khoa, GV tuổi cao khó học thêm kỹ năng mới phải cho nghỉ sớm chưa xác định được. Bên cạnh đó, biên chế mỗi lớp cần sắp xếp lại (phần lớn là giảm số học sinh/lớp) để thực hiện chương trình mới...
Nếu con số trên xác định được thì việc đưa ra minh chứng xác định chỉ tiêu GV có ý nghĩa thực tế hơn. Ngoài ra, 4 năm nữa, tình hình thị trường lao động có biến động ở cả các khu vực ngành nghề khác, số sinh viên vào ngành sư phạm có thể bị ảnh hưởng cũng cần tính đến.
Theo ông Vinh, khi cung vượt quá cầu về GV, nhà nước rất cần sử dụng công cụ điều tiết vĩ mô như xác lập tiêu chuẩn sinh viên/giảng viên. Ở ngành nào thuộc sư phạm đang thừa thì tỉ lệ sinh viên/giảng viên giảm mạnh và ngược lại. Ông Vinh nhấn mạnh Bộ GD-ĐT cần khẳng định trách nhiệm của người học để biết có lựa chọn học sư phạm hay không…
Thêm tiêu chí giảng viên thỉnh giảng
Cũng theo dự thảo thông tư nêu trên, ngoài giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng sẽ được tính quy đổi xác định chỉ tiêu (trừ các ngành đào tạo GV). Số lượng giảng viên thỉnh giảng quy đổi xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo khối ngành như sau: ngành khoa học giáo dục tối đa bằng 5% tổng số giảng viên cơ hữu quy đổi. Tỉ lệ 5% này cũng được áp dụng cho hầu hết các khối ngành còn lại, riêng khối ngành nghệ thuật là 30%.
Trước thay đổi này của Bộ GD-ĐT, lãnh đạo các trường đều cho rằng đây là quy định rất hợp lý. Hầu như trường ĐH nào cũng mời giảng viên thỉnh giảng và tỉ lệ tính quy đổi giảng viên cơ hữu như dự thảo 5% là phù hợp. Thực tế, trước đây, các trường khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh đã tính đến giảng viên thỉnh giảng. Tuy nhiên, quy định này đã dừng lại sau khi nảy sinh một số bất cập, như: một giảng viên đi thỉnh giảng ở nhiều trường, làm giảng viên cơ hữu ở một trường khác khiến chất lượng không được kiểm soát.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho rằng giảng viên thỉnh giảng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên, ký hợp đồng thỉnh giảng theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH… Như vậy, không phải giảng viên thỉnh giảng nào cũng được tham gia xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Trước băn khoăn liệu quy định này có khiến các trường tăng quy mô tuyển sinh hay không, bà Phụng khẳng định từ năm 2015 trở lại đây, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các cơ sở đào tạo bảo đảm giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo.
Tập trung nâng cao chất lượng Theo thống kê hằng năm, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy tăng không quá 10% so với năm trước. Việc tăng này là tăng chỉ tiêu của các trường mới được nâng cấp, thành lập, các trường đã tuyển dụng thêm đội ngũ giảng viên, xây dựng cơ sở vật chất và mở thêm các ngành đào tạo mới. "Dự thảo cũng quy định cơ sở giáo dục chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định thì không tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước. Như vậy, các trường chưa được kiểm định vẫn phải giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh để tập trung nâng cao chất lượng" - bà Phụng nhấn mạnh. |
Đến ngày 8-1, hàng loạt trường ĐH tại TP HCM đã công bố đề án tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2018.