Không có kiểm tra, không bài tập về nhà: Đây là cách giáo dục Phần Lan đứng top đầu thế giới
Mô hình giáo dục ở Phần Lan rất đặc biệt, khiến cho học sinh được tự do phát triển bản thân và không bao giờ sợ tới trường.
Phần Lan đứng thứ 3 trong danh sách các quốc gia có hệ thống giáo dục phát triển nhất thế giới. Khi nhìn vào phương pháp giáo dục của họ, mọi người hiểu ngay được tại sao học sinh đất nước này chưa bao giờ chịu áp lực thi cử và thích đi học đến vậy.
“Một nền giáo dục chất lượng cho chúng ta khả năng chiến đấu chống lại sự thiếu hiểu biết và nghèo đói", Charles Range – cựu thành viên hạ viện Mỹ nói.
Sự độc đáo của mô hình giáo dục Phần Lan nằm ở chỗ giáo viên không giao bài tập về nhà cho học sinh mỗi ngày, không có các bài kiểm tra thường xuyên. Thay vào đó, giáo viên sẽ lắng nghe những gì học sinh nói và đối xử với các em như những người có suy nghĩ độc lập.
Ở Phần Lan, mục đích học tập là để học sinh hạnh phúc, tôn trọng bản thân và những người khác. Khác với Ấn Độ hay Mỹ, Phần Lan không có các kỳ thi kiểm tra theo tiêu chuẩn toàn quốc, nơi điểm số quyết định một người có vào trường tốt hay không. Người Phần Lan dạy con cái phải biết đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống chứ không phải cố đạt điểm cao trong kỳ thi.
Học sinh ở Phần Lan được xếp loại dựa trên thành tích cá nhân và các tiêu chí đánh giá do chính giáo viên quyết định. Chính phủ tập trung vào việc biến trường học thành một nơi an toàn, bình đẳng và trẻ em có thể học hỏi nhiều thứ.
Từ những năm 1980, tất cả các trường học ở Phần Lan cung cấp các bữa ăn miễn phí tại trường, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tối tân, chú trọng đến sức khỏe tâm thần thông qua tư vấn tâm lý cho học sinh, tổ chức nhiều buổi hướng dẫn để học sinh hiểu rõ được bản thân mình muốn gì.
Giáo dục ở Phần Lan không chú trọng về điểm số hay thứ hạng mà là tạo ra một bầu không khí xã hội bình đẳng, hài hòa và hạnh phúc để học sinh dễ dàng trải nghiệm học tập.
Hầu hết các học sinh dành nửa giờ ở nhà sau giờ học để làm các yêu cầu giáo viên trên lớp đưa ra. Các em hầu như hoàn thành mọi việc trong thời gian ở trường vì chỉ có một vài lớp học mỗi ngày. Học sinh được nghỉ khoảng 15-20 phút để ăn uống, giải trí, thư giãn và làm các công việc khác. Không có thời gian biểu cứng nhắc, do đó học sinh ít căng thẳng hơn.
Các học sinh đều bình đẳng, hợp tác, không cạnh tranh. Các trường không gây áp lực trong việc xếp hạng học sinh, họ tin người chiến thắng không phải đạt điểm số cao mà giúp những người khác đạt đến trình độ ngang hàng với nhau.
Chủ nghĩa cá nhân được đề cao trong quá trình đánh giá dựa trên nhu cầu của mỗi học sinh, nhưng tính tập thể và thúc đẩy sự hợp tác giữa học sinh và giáo viên được coi là rất quan trọng.
Giáo viên tin rằng, học sinh là những đứa trẻ cần được vui vẻ khi đến trường để học tập và cống hiến hết mình. Trọng tâm được đặt vào việc dạy học sinh trở thành những người có tư duy, biết cống hiến cho xã hội, tự quyết những việc mình muốn.
Ở nhiều trường khác nhau tại Phần Lan, sân chơi được tạo ra bởi ý kiến đóng góp của học sinh khi kiến trúc sư nói chuyện với các em về những gì chúng muốn.
Trẻ em Phần Lan 6 tuổi mới tới trường, thay vì độ tuổi đi học mẫu giáo là 3 – 4 tuổi như nhiều quốc gia khác. Tuổi thơ của những đứa trẻ không bị gò bó trong trường, chúng được tự do giao tiếp và tham gia vào các hoạt động xã hội.
Tất cả các trường học ở Phần Lan đều miễn học phí vì không có trường tư thục nào. Vì vậy, giáo dục không được coi là một doanh nghiệp. Ngay cả việc dạy thêm bên ngoài trường học cũng bị cấm.
Giờ học ở Phần Lan không bắt đầu từ sáng sớm lúc 6h hay 7h mà từ 9h30 sáng. Trong một nghiên cứu được phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã chỉ ra rằng, giờ học bắt đầu quá sớm có hại cho sức khỏe và sự trưởng thành của trẻ. Giờ tan học là 2h chiều.
Ở Phần Lan không có bài tập về nhà hay bài kiểm tra bất ngờ nào dành cho học sinh. Giáo viên tin rằng, thời gian lãng phí làm bài tập có thể được sử dụng để thực hiện các sở thích, nghệ thuật, thể thao hoặc nấu ăn. Điều này có thể dạy những bài học cuộc sống và có tác dụng giảm căng thẳng cho trẻ em.
Hệ thống giáo dục ở Phần Lan chia thành 3 giai đoạn chính:
- Giáo dục mầm non
Giáo dục mầm non ở Phần Lan không bắt buộc nhưng được hầu hết mọi người cho con theo học. Đây là giai đoạn rất quan trọng để phát triển kỹ năng hợp tác, giao tiếp, tạo nền tảng cho trẻ đi học cả đời. Giai đoạn chuẩn bị này kéo dài đến năm 7 tuổi.
Thành phố cũng trả tiền cho những bà mẹ muốn dạy con tại nhà trong 3 năm đầu tiên. Trong một số trường hợp, nhân viên địa phương sẽ thỉnh thoảng tới thăm để xem môi trường học tập tại nhà có phù hợp với trẻ không. Tại các trường tập trung, đối với nhóm trẻ từ 3 tuổi trở xuống sẽ có 3 người lớn (1 giáo viên và 2 y tá) phụ trách 12 học sinh, đối với nhóm trẻ 3 – 6 tuổi sẽ có 20 học sinh trong một lớp học.
- Giáo dục toàn diện cơ bản
Chương trình giáo dục toàn diện cơ bản kéo dài 9 năm, từ lớp 1 tới lớp 9. Lớp học nhỏ, hiếm khi có hơn 20 học sinh. Ngay từ đầu, học sinh phải học 2 ngôn ngữ khác ngoài tiếng Phần Lan hoặc tiếng Thụy Điển. Học sinh từ lớp 1 –tới lớp 9 dành 4 ~11 tiết mỗi tuần để học các lớp nghệ thuật, âm nhạc, nấu ăn, mộc, kim loại, dệt may.
Bài tập về nhà rất ít để nhường chỗ cho các hoạt động ngoại khóa. Ví dụ, ngoài học nhạc ở trường, học sinh còn theo học các trường âm nhạc chuyên biệt do nhà nước trợ cấp sau giờ học với 1 khoản phí nhỏ. Học sinh có thể chơi một loại nhạc cụ theo sở thích.
Việc đọc sách để giải trí được khuyến khích mạnh mẽ. Phần Lan xuất bản sách thiếu nhi nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Trong những năm đầu tiên của chương trình giáo dục toàn diện, việc chấm điểm chỉ dựa trên việc đánh giá bằng lời nói hơn là cho điểm cụ thể. Không có bất kỳ bài kiểm tra nào.
- Giáo dục trung học phổ thông
Giáo dục trung học phổ thông bắt đầu từ 15 hoặc 16 tuổi, kéo dài 3 đến 4 năm. Chương trình này trước đây là tùy chọn nhưng sau đó trở thành bắt buộc kể từ tháng 9/2021.
Học sinh trung học phổ thông ở Phần Lan có thể chọn học nghề hoặc chuẩn bị cho các kỳ thi vào trường đại học, các môn học tùy theo từng ngành. Việc tuyển sinh cấp 3 dựa vào điểm trung bình, một số trường hợp có thể áp dụng các bài kiểm tra và phỏng vấn. Năm 2007, 51% số học sinh học tiếp cấp 3.
Tuy nhiên, chương trình học này không cứng nhắc, học sinh tốt nghiệp trường nghề vẫn có đủ điều kiện để vào một trường đại học khác. Cá biệt có những học sinh theo học cả 2 trường cùng lúc, vừa học nghề vừa học văn hóa. Học phí đều miễn phí, học sinh được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bữa trưa, sách vở, phương tiện đi lại để đến trường.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, học sinh tốt nghiệp trường nghề sẽ nhận chứng chỉ của trường nghề, số còn lại sẽ nhận được bằng cấp 3 và tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học cấp quốc gia.
Nguồn: [Link nguồn]
Trên bàn ăn, có một số chi tiết có thể phơi bày tính cách của một người. Vì thế, cha mẹ cần chú trọng tới việc dạy con mình nên ăn uống như thế nào.