Không có đề minh họa thi THPT 2020: Chuyên gia đồng tình, giáo viên, học sinh "đứng ngồi không yên"

Sự kiện: Giáo dục

Bộ GD&ĐT lý giải năm nay không công bố đề thi minh họa cho kỳ thi THPT Quốc gia để tránh làm “xáo trộn” học sinh.

Đề minh họa không cần thiết?

Cụ thể, các năm trước, vào thời điểm này, bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo (hay còn gọi đề thi minh họa) kỳ thi THPT Quốc gia của năm kế tiếp, để giúp học sinh ôn tập, cũng như giáo viên các trường THPT có định hướng, xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh. Tuy nhiên, năm nay, đến thời điểm này, đề thi tham khảo của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 vẫn chưa được bộ GD&ĐT công bố.

Bộ GD&ĐT lý giải, đề thi THPT Quốc gia sẽ cơ bản giữ ổn định như đề thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Giáo viên, học sinh có thể căn cứ vào đề thi tham khảo kỳ thi vừa rồi do bộ GD&ĐT ban hành ngày 6/12/2018 để chuẩn bị cho kỳ thi năm 2020.

Theo đó, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 có 5 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (gồm ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (gồm ba môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trong đó, chỉ có môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn thi, bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Đề thi THPT Quốc gia năm 2019 có nội dung chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, ngoài ra có một số nội dung ở chương trình lớp 11. Các câu hỏi trong đề tăng dần độ khó để đảm bảo tính phân hoá khi các trường xét tuyển vào đại học, học viện.

Bộ GD&ĐT sẽ không công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020

Bộ GD&ĐT sẽ không công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020

Tuy nhiên, theo Thông tư mới nhất số 03/2019/TT-BGDĐT của bộ GD&ĐT thì đã có một chút thay đổi: “Nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12”. Tức là, cũng có khả năng có những câu hỏi có nội dung thuộc chương trình lớp 10, 11.

Trước thông tin này, ThS. Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: “Nếu có đề minh họa thì cũng rất tốt cho kế hoạch ôn tập trước kỳ thi. Tuy nhiên, về cơ bản, hình thức thi, nội dung, mức độ cũng như cấu trúc các đề thi THPT Quốc gia năm 2020 giữ ổn định như năm 2019. Theo đó, các trường THPT có thể căn cứ vào đề minh họa cũng như các đề chính thức của năm 2019 để đưa ra kế hoạch ôn tập cho học sinh.

Vì vậy, theo đánh giá cá nhân, việc bộ GD&ĐT không đưa ra đề minh họa cho kỳ thi THPT Quốc gia 2020 cũng không gây ra nhiều áp lực hơn cho giáo viên và học sinh so với những năm trước”.

Bày tỏ sự ủng hộ với quyết định không công khai đề thi minh họa của bộ GD&ĐT, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương cũng cho rằng: “Việc hay không có đề minh họa cũng đâu ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch ôn tập của các thí sinh. Chưa kể, nhiều năm, khi đề thi chính thức có chút khác biệt với đề thi minh họa, nhiều thí sinh lại “đổ lỗi” cho bộ GD&ĐT.

Nhưng nếu không “xê dịch” thì có khác nào tạo điều kiện cho thí sinh “học tủ”, học để thi, theo một mô-típ rập khuôn, không phát huy được sự chủ động, sáng tạo của thí sinh. Theo tôi, việc không có đề minh họa càng tạo cơ hội cho học sinh chủ động tìm hiểu, trau dồi và tiếp thu kiến thức một cách dàn trải, toàn diện hơn”.

Giáo viên, học sinh “nhấp nhổm”

Bên cạnh sự bình tĩnh của các chuyên gia giáo dục, vẫn có không ít giáo viên và học sinh đang tỏ ra hoang mang, lo lắng trước một mùa thi không có đề minh họa cụ thể.

Cô N.T.M.T., giáo viên một trường THPT tại Lào Cai bày tỏ sự lo lắng: “Năm nay, Bộ không công bố đề thi minh họa, nên giáo viên và học sinh chỉ có thể dựa trên những đề thi của các năm trước để định hướng và giới hạn ôn thi cho học sinh.

Nếu căn cứ vào đề thi năm trước, Bộ phải đảm bảo sẽ giữ nguyên toàn bộ cấu trúc đề thi, phạm vi, nội dung kiến thức, mức độ phân hóa cho những thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp với thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, học viện...

Nếu có sự “sai lệch”, tức là thay đổi mà không được báo trước, thì chính là “đánh đố” học sinh, trước lượng kiến thức quá dàn trải, giáo viên cũng không biết phải định hướng ôn tập, “khoanh vùng” trọng tâm ra sao trong thời gian ôn thi ngắn như thế này...”.

Nguyễn Ngọc Quỳnh Chi, học sinh một trường THPT tại Hà Nội cho biết: “Chúng em cảm thấy rất hoang mang, bởi đề thi minh họa sẽ giúp học sinh “khoanh vùng” kiến thức. Nếu cứ “áp” theo đề minh họa của năm trước, liệu có đảm bảo phạm vi kiến thức không “biến động”? Theo em được biết, đề năm trước được giới hạn chủ yếu kiến thức trong chương trình lớp 12, và chúng em đang lo lắng, trong đề thi năm nay, có xuất hiện những câu hỏi thuộc chương trình lớp 10 và 11 hay không”.

Nữ sinh trường THPT Thăng Long (Hà Nội), bạn Yến Anh chia sẻ: “Em cảm thấy khá áp lực nếu không có đề minh họa cụ thể, không thể giới hạn, bám sát kiến thức. Nếu như không có đề minh họa cụ thể từng năm, chỉ dựa vào một đề thi minh họa và chính thức của năm trước, được khẳng định là không thay đổi, thì phải chăng, cấu trúc và mức độ đề thi sẽ được “ấn định”, không biến đổi qua các năm.

Trong khi, bộ GD&ĐT cũng đang hướng đến cải cách, đổi mới trong các kỳ thi, nên nếu giữ nguyên như đề thi năm trước, có vẻ chưa thực sự phù hợp chăng?!

Bởi vậy, cũng cần cân nhắc, đề thi của năm trước đã đảm bảo phân bổ kiến thức, độ khó chưa, đã đảm bảo tính phân hóa chọn lọc thí sinh chưa, nếu có một thay đổi bất ngờ thì thí sinh “trở tay không kịp” mất”.

Kế hoạch chuẩn bị “ứng chiến”

Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) việc bộ GD&ĐT không công bố đề thi minh họa sẽ không làm ảnh hưởng đến quá trình ôn tập, thi THPT Quốc gia năm nay của học sinh.

“Trường Yên Hòa đã chủ động ngày từ lớp 10, sau khi làm công tác định hướng nghề nghiệp, chúng tôi bố trí phân ban theo nguyện vọng của học sinh. Từ đó, các em đã có sự chủ động trong kế hoạch phấn đấu của mình. Học sinh lớp 12 của chúng tôi, 1 năm được tập dượt với 5 kỳ thì (Thi học kỳ, thi thử) được tổ chức như kỳ thi THPT Quốc gia. Theo tôi nghĩ quan trọng nhất là kiến thức nền tảng của học sinh”, bà Nhiếp chia sẻ.

Đánh giá lại đề thi 2019, bà Nhiếp cho rằng, đây là đề thi giúp phân loại được học sinh, nên việc tiếp tục duy trì trong kỳ thi tới sẽ giúp cho thầy và trò có sự ổn định cũng như sự chủ động trong ôn luyện.

Chia sẻ về kế hoạch bồi dưỡng, trang bị kiến thức cho học sinh qua các giai đoạn, ThS. Hà Xuân Nhâm cho biết: “Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa có đặc thù riêng là học sinh được học cả ngày, thời lượng dành cho các môn học cũng nhiều hơn. Việc ôn tập cho học sinh khối 12 đáp ứng kỳ thi THPT Quốc gia cũng được diễn ra trong suốt năm học nên nhà trường không có kế hoạch riêng cho việc này ở diện rộng.

Trường được phép thiết kế kế hoạch giáo dục nhà trường để đảm bảo chương trình của Bộ đồng thời xây dựng các chuyên đề để củng cố, khắc sâu và nâng cao kiến thức cho học sinh”.

“Bên cạnh đó, nhà trường cũng chỉ đạo các tổ chuyên môn thường xuyên ra các đề minh họa giúp học sinh tự ôn tập trong từng giai đoạn. Khai thác triệt để hệ thống công nghệ thông tin của nhà trường trong việc chia sẻ tài liệu, kiểm tra đánh giá cũng như tương tác kịp thời với học sinh trong quá trình học tập.

Hết học kỳ I tới đây, trường sẽ rà soát kết quả qua lần khảo sát chất lượng học kỳ I, để có những kế hoạch phụ đạo cho những học sinh còn yếu kém ở từng bộ môn”, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa tiết lộ thêm.

Nhiều học sinh cũng đã bắt đầu ôn luyện cho kỳ thi sắp tới, học sinh Yến Anh, trường THPT Thăng Long cho biết: “Em vẫn đang duy trì kế hoạch ôn thi, để nắm vững các kiến thức trong chương trình lớp 12. Bên cạnh đó, vì không có đề thi minh họa riêng của năm nay, nên em sẽ dành thêm thời gian “dò lại” kiến thức trong chương trình lớp 10 và 11 để đề phòng trường hợp có sự thay đổi bất ngờ”.

“Năm sau, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2021, các em học sinh sinh năm 2003 sẽ thi trên máy tính, có nhiều thay đổi, vì vậy, em chỉ mong bộ GD&ĐT sẽ xây dựng và công bố đề thi minh họa để định hướng giúp các em”, nữ sinh Nguyễn Ngọc Quỳnh Chi chia sẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ GD-ĐT lý giải vì sao không công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020?

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT lý giải vì sao Bộ GD-ĐT không công bố đề thi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cẩm Mịch ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN