Không cấm dạy thêm nhưng cần có quy định rõ ràng
Vấn đề dạy thêm, học thêm tiếp tục gây chú ý khi mới đây Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải trình một số vấn đề tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự Luật Nhà giáo có nêu chủ trương không cấm việc dạy thêm.
Bộ GD&ĐT chủ trương không cấm dạy thêm
Trong khuôn khổ Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo, có nhiều ý kiến quan tâm đến vấn đề quy định dạy thêm. Trong đó, có ý kiến cho rằng, cần có chính sách đáp ứng nhu cầu được học thêm của học sinh, phụ huynh.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) cho rằng, việc dạy thêm, học thêm cũng có những mặt tích cực, không phải giáo viên nào cũng xấu, ép học sinh học thêm. Do đó, cần tránh tình trạng không quản được thì cấm. Ông Khánh cũng đề nghị Bộ GD&ĐT, sau khi Luật Nhà giáo được thông qua, cần phối hợp với các bộ, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành thông tư hướng dẫn xem xét thấu đáo việc này.
Làm rõ ý kiến của nhiều đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, Bộ chủ trương không cấm dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo, nguyên tắc chuyên môn, ví dụ như ép buộc học sinh".
Mặc dù thực tế, học thêm xuất phát từ nhu cầu của nhiều học sinh, tuy nhiên chủ trương không cấm dạy thêm của Bộ GD&ĐT dấy lên lo ngại về việc dạy thêm, học thêm sẽ tiếp tục bị biến tướng, trở thành gánh nặng của nhiều gia đình. Nhất là sau thời gian Chương trình GDPT 2018 được triển khai, việc dạy thêm, học thêm vẫn khó có thể hạn chế được.
Cần có quy định rõ ràng về dạy thêm, học thêm
Dưới góc nhìn chuyên gia, chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ThS. Nguyễn Diệp Ngọc - giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho rằng, tuy dạy thêm, học thêm có những mặt tích cực nhưng cũng đem lại các hệ lụy không mong muốn, đòi hỏi cần có giải pháp quản lý hiệu quả. Một trong những mặt trái dễ thấy nhất của tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan là áp lực học tập đè nặng lên học sinh.
Theo ThS. Nguyễn Diệp Ngọc, tại Chương trình giáo dục ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT có nêu rõ thời lượng giáo dục cấp tiểu học như sau: Thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút. Khi lịch học chính khóa dày đặc, việc tham gia các lớp học thêm vào buổi tối khiến trẻ gần như không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. "Một vấn đề nữa là không phải gia đình nào cũng có điều kiện tài chính và thời gian để đưa đón con em tham gia các lớp học thêm ngoài nhà trường. Điều này vô hình chung tạo ra sự chênh lệch về cơ hội học tập giữa học sinh. Những em không có điều kiện học thêm có thể sẽ cảm thấy tự ti, thua kém so với các bạn cùng trang lứa, làm giảm động lực học tập".
Bộ GD&ĐT chủ trương không cấm dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo. Ảnh minh hoạ.
Theo điều 4, dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm quy định: Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp THCS, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp THPT. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu của phụ huynh, học sinh tập trung quá nhiều vào các môn chính để chuẩn bị cho các kỳ thi lớn, kỳ thi cuối cấp khiến những môn học khác bị bỏ quên hoặc ít được quan tâm, dẫn đến tình trạng học lệch. Vì thế, không đạt được sự phát triển hài hòa trong mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất ở người học. Bởi học sinh không còn thời gian để khám phá, phát triển các kỹ năng và sở thích khác, làm giảm sự sáng tạo và niềm vui trong học tập.
Việc giáo viên đứng lớp dạy thêm cho học sinh mình đang phụ trách trong giờ học chính khóa cũng gây lo ngại về tác động tiêu cực đến môi trường giáo dục, đặc biệt là vấn đề nhạy cảm trong kiểm tra, đánh giá. "Do vậy, cần có các quy định rõ ràng về dạy thêm, học thêm với từng đối tượng cụ thể để bảo đảm tính minh bạch và công bằng. Tăng cường giám sát hoạt động dạy thêm, tránh tình trạng lợi dụng dạy thêm để trục lợi cá nhân.
Các lớp học thêm cần được tổ chức theo nhu cầu thực tế, không ép buộc học sinh phải tham gia. Đối với các nhà quản lý, chính sách cần có những biện pháp cải thiện nguồn lương, thu nhập cho giáo viên đủ để đảm bảo trang trải cuộc sống, để họ toàn tâm, gắn bó với nghề; Tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại trao đổi lắng nghe tâm tư nguyện vọng của giáo viên, phụ huynh với ban giám hiệu nhà trường.
Ở phía giáo viên cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng môi trường học đường lành mạnh, công bằng và đáng tin cậy. Hơn ai hết phụ huynh cũng cần hiểu học thêm không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công và không đặt quá nhiều áp lực cũng như kỳ vọng lên kết quả học tập của con.
"Thiết nghĩ nâng cao chất lượng dạy học trong giờ chính khóa, đổi mới phương pháp dạy học đa dạng, khơi gợi sự hứng thú học tập ở học sinh khi đó học sinh sẽ không cần dựa vào các lớp học thêm để bổ sung kiến thức.
Để làm được điều này cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cũng như cải thiện chương trình giảng dạy sao cho phù hợp với nhu cầu và khả năng của học sinh. Khi giáo dục chính khóa được nâng cao, nhu cầu dạy thêm sẽ giảm đi, từ đó giảm bớt áp lực cho học sinh và những tiêu cực trong giáo dục", ThS. Nguyễn Diệp Ngọc nêu quan điểm.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, sẽ không có gì đáng bàn cãi nếu dạy thêm, học thêm đúng hướng.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, để không xảy ra tiêu cực thì đầu tiên cần phải giáo dục đạo đức cho người thầy. Thứ hai, làm thế nào để đời sống của người thầy tương đối để họ có thể sống được với nghề. Thứ ba, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cha mẹ học sinh, đừng ép buộc con mình quá mức về việc học. Cuối cùng là xem lại toàn bộ hệ thống chương trình, nội dung sách giáo khoa hiện nay.
Nguồn: [Link nguồn]
Quy định không cấm dạy thêm học thêm ở các cấp học đang có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều người đồng tình, ủng hộ nhưng băn khoăn tự nguyện hay ép buộc...