Không bắt buộc giáo viên phải ghi nhận xét tất cả học sinh hằng tháng
Đó là khẳng định của ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GDĐT) trước những băn khoăn của nhiều cán bộ quản lý, giáo viên bước đầu thực hiện thông tư 30/2014 về đánh giá học sinh tiểu học.
Bàn cụ thể về đánh giá học sinh, ông Định cho biết, nguyên tắc đánh giá là đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của học sinh, giúp học sinh phát huy nội lực, tiềm năng của mình, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh,...
Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GDĐT)
Nội dung sẽ đánh giá toàn diện quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của HS.
Cách đánh giá bao gồm đánh giá thường xuyên trong quá trình học (chỉ nhận xét, không dùng điểm số) và đánh giá định kì cuối học kỳ I và cuối năm học (dùng cả điểm số và nhận xét).
Theo ông Định, thông tư 30 coi trọng đánh giá ngay trong quá trình học tập của học sinh, biết được học sinh đạt kết quả bằng cách nào, vận dụng kết quả đó ra sao. Giáo viên sẽ tư vấn, hướng dẫn giúp đỡ để học sinh hoàn thành nội dung học tập và có phương pháp học tốt hơn.
Ngoài ra, cũng sẽ hướng dẫn học sinh biết tự đánh giá mình và nhận xét, góp ý bạn, khuyến khích cha mẹ cùng tham gia đánh giá học sinh.
Riêng về đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, trước những phàn nàn của giáo viên về khối lượng công việc cũng như việc ngày càng phải “gánh” thêm nhiều loại sổ sách, ông Định lưu ý hiện có một số điểm của thông tư mà nhiều giáo viên vẫn chưa hiểu đúng hoặc chưa được truyền đạt đúng.
Cụ thể, theo ông Định, thứ nhất, giáo viên cần hiểu được quyền chủ động vận dụng một cách linh hoạt, có thể bằng "lời nói" hoặc là “viết” phù hợp với học sinh và nhà trường.
Tuy nhiên, giáo viên cần dựa vào mục tiêu nội dung bài học, đối chiếu sản phẩm đạt được theo cách học của học sinh với chuẩn kiến thức, kĩ năng; xem xét, cân nhắc các đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh... của học sinh để có nhận xét xác đáng, kịp thời, khích lệ được và làm cho các em hứng thú học tập.
Đồng thời, giáo viên còn phải tư vấn, hướng dẫn giúp các em biết được những hạn chế và biết tự mình khắc phục.
Thứ hai, giáo viên được quyền chủ động viết nhận xét vào vở hoặc phiếu học tập, hoặc bài kiểm tra của học sinh sao cho thuận tiện trong việc phối hợp giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh cùng đánh giá, rút kinh nghiệm, hướng đến sự tiến bộ của các em.
Thứ ba, giáo viên được quyền chủ động viết vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục (sổ này thay thế sổ ghi điểm trước đây và cũng được coi như sổ nhật kí về đánh giá học sinh, chỉ dành cho giáo viên ghi nhận xét, theo dõi giúp đỡ học sinh).
Một giáo viên dạy một hay nhiều môn, có thể chỉ cần một cuốn sổ (sổ bằng giấy hoặc bằng sổ điện tử) theo dõi chất lượng giáo dục, do giáo viên quản lý sử dụng, có thể để tại lớp học hoặc tại trường hoặc mang về nhà tùy theo điều kiện cụ thể. Theo đó, không phải mỗi giáo viên phải thực hiện một số sổ sách quá lớn.
Ông Định cũng nhấn mạnh, Bộ GDĐT không bắt buộc phải ghi nhận xét tất cả học sinh hằng tháng. Mặc dù Thông tư 30 quy định, yêu cầu học sinh nào cũng được quan tâm đánh giá, giáo viên không được “quên” em nào, tuy nhiên, ông Định cho biết, giáo viên chỉ cần ghi những điểm nổi bật hoặc những điều cần thiết về học sinh để theo dõi và có biện pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ kịp thời.
Đối với học sinh chưa hoàn thành giáo viên sẽ giúp các em tự hoàn thành hoặc giúp những học sinh hoàn thành tốt hứng thú học tập hơn.
Ngoài ra, theo ông Định, việc sử dụng sổ theo dõi chất lượng giáo dục, giáo viên cũng được quyền chủ động linh hoạt. Cụ thể, như mẫu sổ theo dõi chất lượng giáo dục do Bộ GDĐT hướng dẫn chỉ là gợi ý, không bắt buộc giáo viên phải thực hiện theo mẫu đó. Mặt khác, giáo viên có thể dùng sổ điện tử thay cho sổ bằng giấy.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho các giáo viên, ông Định cũng cho biết, Bộ GDĐT cũng yêu cầu các Sở GDĐT thực hiện nghiêm chỉnh công văn số 68/BGDĐT-GDTH về việc chấn chỉnh lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường để giảm thủ tục hành chính cho giáo viên.