Khó với tới chuẩn quốc gia trường ĐH
Quy định mới về chuẩn quốc gia đối với các trường ĐH sẽ khiến nhiều trường lâm vào thế khó bao giờ đạt chuẩn
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga, các cơ sở ĐH được xác định đạt chuẩn dựa trên 6 tiêu chí. Sáu tiêu chí này là: đất đai, cơ sở vật chất và thiết bị; đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ quản lý; chương trình đào tạo và hoạt động đào tạo; hoạt động khoa học - công nghệ, hợp tác quốc tế, tài chính; kiểm định chất lượng giáo dục; sự hài lòng của sinh viên (SV), của người sử dụng lao động và kết quả xếp hạng.
70% SV tốt nghiệp có việc làm ngay
Cụ thể, trong khoảng thời gian 12 tháng tính đến thời điểm các trường nộp hồ sơ đăng ký công nhận đạt chuẩn quốc gia, 70% SV tốt nghiệp có việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo sau 1 năm kể từ khi tốt nghiệp. 80% SV năm cuối hài lòng về chương trình đào tạo và môi trường học tập, nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục ĐH.
Sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học trong giờ học Ảnh: TẤN THẠNH
Ngoài ra, 80% cựu SV được lấy ý kiến của 3 khóa tốt nghiệp gần nhất hài lòng về tính thực tiễn của chương trình đào tạo, khả năng thích nghi của SV tốt nghiệp và môi trường công tác; số mẫu lấy ý kiến ít nhất là 10% số lượng SV tốt nghiệp và không ít hơn 50 phiếu cho mỗi khóa đào tạo. 70% người sử dụng lao động có tuyển dụng SV tốt nghiệp trong 3 năm gần nhất hài lòng về chất lượng số SV này.
Một nội dung mới cũng được quan tâm là các trường đạt chuẩn phải bảo đảm giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy ít nhất 80% khối lượng kiến thức của mỗi chương trình đào tạo. Tỉ lệ SV/giảng viên cơ hữu xác định theo ngành đào tạo, bảo đảm không quá 10 SV/giảng viên đối với nhóm ngành nghệ thuật, thể dục thể thao; 15 SV/giảng viên với nhóm ngành y - dược và 20 SV/giảng viên với các nhóm ngành khác.
Giảng viên cơ hữu và nghiên cứu viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ phải chiếm ít nhất 40% tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu đối với cơ sở giáo dục ĐH định hướng nghiên cứu, 25% với cơ sở giáo dục ĐH định hướng ứng dụng và 10% với cơ sở giáo dục ĐH định hướng thực hành.
Đối với cơ sở giáo dục ĐH định hướng nghiên cứu, tỉ lệ giảng viên, nghiên cứu viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư trong tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ chiếm ít nhất 30%. Đồng thời, phải có ít nhất 30% tổng số chương trình đào tạo được kiểm định bởi một tổ chức kiểm định của Việt Nam hoặc một tổ chức kiểm định quốc tế được Bộ GD-ĐT công nhận.
Quá khó!
Những quy định nêu trên có thể sẽ khiến các trường lâm vào thế khó và không biết khi nào mới đạt chuẩn. PGS Lê Hữu Lập, Học viện Bưu chính Viễn thông, cho biết Bộ GD-ĐT căn cứ vào chuẩn quốc tế để đánh giá các trường. Điều này rất hay, có điều ở Việt Nam thì chất lượng đào tạo chưa bảo đảm để làm. “Nói một cách nghiêm túc thì chuẩn này rất khó đạt. Tôi nghĩ rằng chính xác hơn, đó là mục tiêu để các trường phấn đấu” - ông nhận xét.
PGS Lê Hữu Lập phân tích: Trong 7 tháng đầu năm 2015, số thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp đã lên đến gần 280.000 người. So với quý IV/2014, số lao động trình độ ĐH, sau ĐH thất nghiệp tăng từ hơn 165.000 lên gần 178.000 người; lao động tốt nghiệp CĐ thất nghiệp tăng từ 75.000 người lên hơn 100.000. Những con số này cho thấy để có 70% SV tốt nghiệp có việc làm ngay trong năm đầu tiên là rất khó. “Đó là chưa nói đến quy định 70% người sử dụng lao động có tuyển dụng SV tốt nghiệp trong 3 năm gần nhất hài lòng về chất lượng các SV này. Sẽ có ít trường bảo đảm được tiêu chí ấy” - ông Lập nhấn mạnh.
Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, TS Hoàng Minh Sơn, tuy có cái nhìn lạc quan hơn về tỉ lệ 70% SV tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay trong năm đầu tiên nhưng cũng thừa nhận việc bảo đảm 80% SV năm cuối hài lòng về chương trình đào tạo và môi trường học tập, nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục ĐH là không phải dễ.
“Tiêu chí này không chỉ yêu cầu về chương trình mà còn là môi trường đào tạo, cơ sở vật chất. Trong khi đó, ai cũng thấy cơ sở vật chất của các trường rất thiếu thốn, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Đó là chưa nói đến kết quả khảo sát về mức độ hài lòng của người sử dụng lao động, nó là câu chuyện rất khó và dài” - ông Sơn nhận định.