Khi phụ huynh "ngậm bồ hòn..."

Cùng với mối lo sắm sửa hành trang cho con em vào năm học mới, nhiều phụ huynh học sinh không khỏi “đau đầu” vì một loạt khoản phí dồn dập. Dù bức xúc song các phụ huynh vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” trước tình trạng lạm thu được biến tấu muôn hình vạn trạng.

Theo quy định tại nhiều địa phương, khoản thu chính thức chỉ có tiền học phí, song trên thực tế, phụ huynh phải “cam kết tự nguyện” thêm vô vàn các “phụ phí”. Trong đó phần phụ nhiều khi còn cao hơn cả phần chính, từ bảo hiểm các loại, đến tiền đoàn đội, chữ thập đỏ, quỹ khuyến học, hỗ trợ bán trú, đồng phục, quỹ phụ huynh, sổ liên lạc điện tử... Mặc dù một số khoản thu chỉ vài chục nghìn đồng/học sinh, song cộng dồn lại, khoản đóng góp của mỗi gia đình lên tới tiền triệu. Và với sỹ số một vài nghìn học sinh/trường, những khoản “phụ phí” nhà trường thu về lên tới nhiều tỷ đồng, trong khi phụ huynh không thể nắm được những khoản thu này được quản lý, sử dụng ra sao. 

Bên cạnh đó, tình trạng lạm thu còn diễn ra dưới nhiều hình thức. Đó là yêu cầu học sinh phải sử dụng sách vở, đồ dùng học tập của một nhà cung cấp nhất định - được nhiều phụ huynh so sánh giống như tình trạng bác sỹ kê đơn thuốc cho bệnh nhân theo “quan hệ” với hãng dược phẩm; là mời gọi những khóa học bổ trợ, nâng cao - hình thức thì tự nguyện nhưng trên thực tế gây nhiều sức ép buộc học sinh phải tham gia; là những buổi sinh hoạt ngoại khóa, tham quan, du lịch với phí dịch vụ không hề thấp. 

Khi phụ huynh "ngậm bồ hòn..." - 1

Vở in hình Trường Tiểu học thị trấn Ái Tử (Quảng Trị) có giá 8.000 đồng/cuốn (Ảnh: Dân Việt)

Thủ quỹ một trường tiết lộ, với mỗi khoản thu, chị đều được các nhà cung cấp dịch vụ như bảo hiểm y tế, dịch vụ viễn thông, hãng lữ hành... trích tỷ lệ phần trăm hoa hồng và mọi khâu liên quan của trường đều có “phần” tương tự. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi các trường đều rất tích cực tuyên truyền, vận động học sinh đóng góp, tham gia các loại hình dịch vụ này.  

Thời gian qua, mức đầu tư cho giáo dục dù đã tăng, song vẫn ở mức thấp so với yêu cầu. Phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy lĩnh vực này là mong muốn của tất cả phụ huynh và xã hội. Muốn thực hiện được điều đó, ngành Giáo dục rất cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự đóng góp của nhiều nguồn lực, trong đó có gia đình các con em học sinh. Tuy nhiên, điều khiến cho nhiều phụ huynh băn khoăn, thậm chí bức xúc là, bên cạnh cách gây sức ép buộc họ phải tham gia đóng góp nhiều khoản phí bất hợp lý thì phương án quản lý, sử dụng các khoản thu đó có phần thiếu rõ ràng, sòng phẳng, minh bạch. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh lo ngại, nhiều khoản thu có thể rơi vào túi một bộ phận nhất định, thay vì đầu tư đổi mới chất lượng giáo dục, đào tạo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Nguyên (Giao thông Vận tải)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN