Khi cha mẹ quá kỳ vọng vào con cái

Sự kiện: Dạy con

Bất kỳ cha mẹ nào cũng có thể kỳ vọng vào con cái. Tuy nhiên, khi kỳ vọng thái quá, cha mẹ đã vô tình tạo áp lực tới trẻ.

Bất kỳ cha mẹ nào cũng có thể kỳ vọng vào con cái. Tuy nhiên, khi kỳ vọng thái quá, cha mẹ đã vô tình tạo áp lực tới trẻ. Thực tế cho thấy, nhiều trẻ ở tuổi vị thành niên mắc bệnh trầm cảm, tâm thần, thậm chí tự tử khi không đạt kết quả học tập như bố mẹ kỳ vọng, đặc biệt ở các kỳ thi quan trọng như thi vào cấp trung học phổ thông hay thi đại học, cao đẳng...

Sự kỳ vọng và những bài học lớn

Cháu Nguyễn Thanh H., đang là học sinh lớp 11 ở một trường có tiếng tại Nam Định. H. được sinh ra trong một gia đình khá giả. Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ H. là một người hoàn hảo khi được bố mẹ yêu thương lại học giỏi ở trường, giỏi cả đàn piano và vẽ. Nhưng thực tế, H. lại cảm thấy mình thật bất hạnh và khổ sở vì những kỳ vọng của bố mẹ. Với mục đích cho con đi du học nên bố mẹ H. không tiếc tiền đầu tư cho con gái học hành văn hóa và trang bị thêm cầm kỳ thi họa. Họ đặt mục tiêu cho con các môn học phải đạt từ điểm 9 trở lên, nếu bị điểm 8 thì sẽ bị mắng mỏ và phạt nặng. Do đó, H. phải gồng mình hết sức cho các kỳ thi để không bị điểm kém. Mỗi lần không được điểm như ý, H. rất lo sợ và không dám về nhà vì biết điều gì đang chờ đợi mình. H. không có bạn bè vì quá bận học nên cũng không có ai để tâm sự và giúp em thoát khỏi sự bế tắc này. Sự việc kéo dài khiến H. rơi vào trạng thái mệt mỏi triền miên, em dần tránh tiếp xúc và giao tiếp với người khác, sức học sa sút, nhiều khi còn thờ ơ, không chú ý đến bất cứ điều gì. Cha mẹ H. lo lắng đã đưa em đi khám thì lúc này mới nhận ra sai lầm của mình khi nghe bác sĩ chẩn đoán em bị chứng trầm cảm.

Khi cha mẹ quá kỳ vọng vào con cái - 1

Việc quá kỳ vọng vào con cái đã gây áp lực khiến nhiều em mắc bệnh tâm lý (ảnh có tính chất minh họa).

Không chỉ H. mà Đào Văn C. đang là sinh viên lớn tuổi gần nhất khoa Cầu đường- Đại học Xây dựng cũng là nạn nhân của sự kỳ vọng thái quá của cha mẹ. C. kể rằng, bố mẹ cậu rất mong muốn C. trở thành bác sĩ vì cho rằng có bác sĩ trong nhà thì sẽ yên tâm có người chăm sóc sức khỏe khi về già nên ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ đã hướng cậu vào học giỏi toán, lý, hóa. Khi C. lên cấp 3 thì sự kỳ vọng của bố mẹ càng lớn hơn, nhiều khi là ép buộc với những tuyên bố như không chu cấp tiền học hay nặng nề hơn là đuổi khỏi nhà. Chiều lòng bố mẹ, cuối năm cấp 3, C. đăng ký thi Đại học Y và đỗ. Sau 6 năm học hành vất vả, cầm tấm bằng bác sĩ về nhà, cậu trao cho mẹ và nói, con đã hoàn thành tâm nguyện của bố mẹ, giờ đây con sẽ đi con đường của con. Như vậy, chính cha mẹ C. đã cướp đi 6 năm tuổi trẻ của con bởi những kỳ vọng của bản thân mà quên mất ước mơ và hạnh phúc của chính con mình.

Vì sao bố mẹ có những kỳ vọng vào con cái?

Kỳ vọng của cha mẹ có thể xuất phát từ tình yêu thương và đều hướng đến mục tiêu mang đến cho con một tương lai tốt đẹp hơn. Theo TS. Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học- Đại học quốc gia cho biết, còn một số nguyên nhân khác khiến cha mẹ kỳ vọng vào con:

Bản thân cha mẹ không hài lòng về cuộc đời của họ: Khi họ mong muốn, ước mơ nhưng không thực hiện được thì họ dành ước mơ đó cho con. Họ truyền những đam mê của chính mình cho con. Có những ông bố bà mẹ rất thích được chơi đàn nhưng do điều kiện sống không cho phép nên họ ép trẻ học đàn theo sở thích của mình. Tuy nhiên, ước mơ của họ không bao giờ trùng hoặc rất ít khi trùng với ước mơ của con. Điều này sẽ gây áp lực cho trẻ.

Bản thân cha mẹ có sức học tốt: Điều này khiến họ đưa ra câu hỏi, con tôi đi học đương nhiên phải học giỏi, tại sao lại học dốt. Con tôi có gen di truyền tốt thì chắc chắn con tôi phải học giỏi sao lại học kém? Nếu nó không học tốt thì rõ ràng do nó lười. Từ đó gây áp lực cho con phải học chăm, học giỏi hơn.

Bản thân cha mẹ bị áp lực từ bên ngoài nên quay trở lại kỳ vọng vào con: Điều này thể hiện rõ nhất trong những lời hỏi han thường xuyên của người ngoài hoặc người trong gia đình về việc học của con, chẳng hạn như con học trường nào, học giỏi không, xếp thứ mấy… hay so sánh con với bạn hàng xóm hay anh em họ hàng. Có thể ban đầu, họ chưa có kỳ vọng vào con nhưng do bị tác động bởi những lời hỏi han này lại khiến họ kỳ vọng vào con cái mình.

Do cha mẹ quá lo lắng cho tương lai của con: Lo sợ con có cuộc sống vất vả, lam lũ hay không vượt lên được trong một xã hội cạnh tranh nên nhiều cha mẹ tạo áp lực học hành lớn cho con như ngoài việc học các môn trên lớp còn học thêm suốt tuần hay học thêm các môn vẽ, đàn, hát…

Biểu hiện của quá kỳ vọng...

Cha mẹ quá kỳ vọng thường tạo áp lực cho con cái, điều này thể hiện ngay trong những lời nói, việc làm hàng ngày với mức độ quá thường xuyên, liên tục.

Không cho con làm việc nhà: Cha mẹ kỳ vọng vào con cái học giỏi sẽ không cho con làm việc nhà mà dành hết thời gian cho con học.

Liên tục giục hay nhắc nhở con học bài: Cha mẹ luôn lo lắng con sao nhãng việc học nên liên tục giục giã hay nhắc nhở con học bài. Bên cạnh đó còn hay hỏi thăm bạn bè con học thế nào, kiểm tra con đã ôn kiến thức này, luyện kiến thức kia chưa… Ngoài ra, cha mẹ cũng liên tục chọn lớp học thêm, mua sách và bắt con phải theo.

Quan tâm quá mức đến việc học của con: Thời gian biểu một ngày của trẻ ngoài việc học tập còn có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn như phụ giúp việc nhà (quét nhà, lau dọn bàn ghế, nấu cơm)… Tuy nhiên, khi cha mẹ kỳ vọng quá vào con thì thời gian này họ cũng biến thành thời gian học của con. Chẳng hạn đang cùng con nấu cơm mà vẫn trao đổi việc học như bài toán vừa rồi mẹ tìm được cách giải hay hơn đấy… hay gặng hỏi liệu câu này được mấy điểm, tại sao lại không làm được…

So sánh với trẻ khác: Nhiều cha mẹ so sánh con trực tiếp với bạn bè cùng lớp hay bạn hàng xóm nhưng nhiều cha mẹ ý tứ hơn thì so sánh xa xôi với một người nào đó mà con chưa từng biết đến. Đây cũng là một cách thể hiện sự kỳ vọng của cha mẹ vào con cái với mong muốn con hãy giống với người bạn đó chẳng hạn như đạt điểm cao, học giỏi, đàn hay…

... Và hậu quả

Áp lực đứa trẻ nhận được từ sự kỳ vọng vô cùng lớn. TS. Hương cho biết, trước tiên trẻ phải đối diện với sở thích không phải của mình, thiếu tự tin, ghét bỏ những người xung quanh, đặc biệt là người được so sánh với mình mặc dù có thể không biết đó là ai. Việc quan tâm đến điểm số có nhiều hệ lụy như khiến trẻ phải quay cóp hay học lệch. Ngoài ra, điều đáng nói hơn cả là trẻ hoàn toàn không nhận thức được tầm quan trọng của việc học hành và luôn cảm thấy mệt mỏi, chán nản, chỉ mong đến ngày được nghỉ học, đi chơi… Thực tế cho thấy, nhiều học sinh học rất giỏi theo đúng kỳ vọng của cha mẹ nhưng khi đi du học thì thất bại ngay lập tức vì không có người nhắc nhở, xây dựng kế hoạch hay mục tiêu thực hiện. Bên cạnh đó là những trường hợp trẻ nói dối, đánh bạn, xé vở hay mắc chứng trầm cảm, hoảng loạn, hoang tưởng, thậm chí tự tử do những kỳ vọng không hợp lý của cha mẹ hay do áp lực thi cử.

Đối với phụ huynh, những kỳ vọng vào con cái cũng khiến họ mệt mỏi như luôn phải xây dựng kế hoạch hay mục tiêu cho con, dõi theo xem con có học hành cẩn thận không, tìm kiếm các lớp học thêm cho con, thậm chí bản thân họ cũng sẽ căng thẳng khi con bị điểm kém hay bị chê bai ở trường…

Làm thế nào để vượt qua sự kỳ vọng và cho con tâm lý thi cử tốt nhất?

Ở Nhật Bản đang nổi lên hiện tượng “Kikikomori”, là một bệnh sinh ra từ nền giáo dục hay sức ép của xã hội. Mầm mống của căn bệnh này có thể là sau một lần hỏng thi, bị bắt nạt, không kiếm được công việc như ý… Những người bị căn bệnh này thường nhốt mình trong nhà, khóa trái cửa và cho rằng đó là nơi an toàn, thậm chí có người đã tìm đến cái chết. Do vậy, đối với phụ huynh, kỳ vọng vào con là điều hoàn toàn có thể nhưng mỗi người phải tự kìm nén cái tôi của bản thân, kìm nén băn khoăn, lo lắng để trẻ được sinh hoạt, học tập trong môi trường tốt nhất. Bên cạnh đó, cha mẹ cần phải có tầm nhìn dài hơn, nên quan tâm đến tính cách, kỹ năng, suy nghĩ, hành động, cách ứng xử với các tình huống xảy ra trong cuộc sống hơn là điểm số ở trường.

Đối với những gia đình có con thi vào hay tốt nghiệp THPT cần thể hiện sự quan tâm đúng mức như chăm sóc về ăn uống, ngủ nghỉ… nhưng không nên tạo áp lực cho con phải thi đỗ vào trường điểm hay đại học đang nổi vì sẽ gây tâm lý căng thẳng cho con. TS. Vũ Thu Hương cho rằng, không nên quá chú ý đến kết quả thi cử của con vì nếu con trượt năm nay có thể thi lại năm sau. Thực tế chứng minh rằng, đứa trẻ đỗ ngay năm đầu hay phải mất một, hai năm sau thì đều có kết cục là thành công hay thất bại trong cuộc sống và không có một công thức nào hay mẫu số nào chung nhất cho người đỗ năm đầu với người đỗ năm sau. Do đó, cha mẹ không nên quá quan tâm đến điểm số của kỳ thi mà can thiệp vào việc lựa chọn của con, hãy để con tự quyết định thi môn gì, học trường nào... Nếu trẻ thất bại thì có thể khuyên nhủ cho đến khi con hiểu ra và tiếp tục học để đạt mục tiêu, ước mơ của mình. Áp lực tốt nhất dành cho con là bản thân tự đặt áp lực cho chính mình để quyết tâm vươn lên và đạt mục đích.

Những trận đòn ảnh hưởng tới con đáng sợ hơn nhiều so với suy nghĩ của cha mẹ

Nhiều phụ huynh cho rằng phạt con bằng đòn roi chỉ là một biện pháp răn đe phổ biến, nhưng thực chất chúng ảnh hưởng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Thu Lương (Sức Khỏe & Đời Sống)
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN