Khâu sai sót khiến gần 3.000 bài thi lớp 10 bị nhầm điểm
Sau quá trình khớp phách bằng tay ngẫu nhiên, Giám đốc Sở Giáo dục Thái Bình đã biết nhiều bài bị lệch song không xử lý rốt ráo, thanh tra vào cuộc phát hiện gần 3.000 bài thi bị sai điểm.
Tại họp báo về kết quả thanh tra kỳ thi vào lớp 10 công lập sáng 20/8, UBND tỉnh Thái Bình cho biết khâu "hồi phách bài thi tự luận" đã không được thực hiện đúng quy định.
Ông Đặng Xuân Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho hay sau khi hết giờ làm bài, tất cả bài làm của học sinh được tập kết về hội đồng thi. Những bài thi trắc nghiệm (không phải làm phách) sẽ được chuyển cho ban chấm thi trắc nghiệm. Các bài tự luận được ban làm phách tiếp nhận và xử lý.
Hiện hầu hết tỉnh, thành áp dụng quy trình làm phách gần tương tự quy chế thi tốt nghiệp THPT, gồm gieo phách và đánh phách (số phách được gieo ngẫu nhiên từ phần mềm máy tính, rồi được viết vào ô quy định trên tờ giấy thi. Mỗi bài thi chỉ có một mã phách); Rọc phách; Chuyển bài thi đã rọc phách đến tổ chấm; Ghép phách (hồi phách).
Khâu hồi phách ở Thái Bình, theo kết luận của thanh tra, diễn ra như sau:
- Thực hiện sau khi hoàn thành việc chấm thi và nhập điểm vào phần mềm.
- Khớp phách trên phần mềm: Ghép toàn bộ dữ liệu nhập điểm bài thi tự luận với dữ liệu thông tin của thí sinh kèm số phách (do Ban làm phách cung cấp sau khi hoàn thành việc nhập điểm).
- Kiểm tra việc khớp phách: Sau khi khớp phách thành công trên phần mềm, cán bộ in biểu kiểm dò từ phần mềm để Ban thư ký Hội đồng thi khớp phách bằng tay ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận. Nếu có sai sót phải lập biên bản, báo cáo Chủ tịch Hội đồng để xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục.
- Niêm phong lại các túi bài thi được mở và sử dụng trong quá trình khớp phách; trên nhãn niêm phong của các túi bài phải có chữ ký của những người trực tiếp thực hiện.
Ông Đặng Xuân Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình, tại họp báo sáng 20/8. Ảnh: Lê Tân
Đoàn thanh tra cho biết trong tổng số 42.105 bài thi tự luận, chỉ 302 bài được khớp phách lại bằng tay, chiếm tỷ lệ khoảng 0,7%, thấp hơn quy định (20%).
Trong quá trình này, Ban thư ký Hội đồng thi phát hiện nhiều trường hợp sai sót, như cùng một số phách nhưng trên bài làm và trên phiếu kiểm tra lại mang tên thí sinh khác nhau. Tuy nhiên, họ không lập biên bản mà chỉ ghi lại thông tin, chuyển cho ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi. Ông này đã bị đình chỉ công tác hôm 30/7.
Đoàn thanh tra đã thực hiện lại khâu khớp phách bằng tay, với tất cả bài thi tự luận. Kết quả, 2.997 bài bị lệch phách. Tổng điểm xét tuyển của 1.589 em bị sai, chiếm 7,75% tổng số thí sinh. Trong số này, khoảng 260 em từ đỗ thành trượt.
Ông Phạm Văn Nghiêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá sự việc ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội, uy tín của ngành giáo dục và các em học sinh.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đặng Xuân Phong xin lỗi học sinh, phụ huynh và nhân dân trong tỉnh. Song, theo ông "những sai sót trên không bắt nguồn từ nguyên nhân nào có yếu tố tiêu cực trong tổ chức kỳ thi".
Theo một cán bộ khảo thí ở Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình, việc nhầm lẫn có thể xảy ra ở nhiều khâu, chủ yếu do yếu tố con người.
"Chẳng hạn, sau khi máy tính gieo phách, bài thi của thí sinh có 6 ký tự AB0032 nhưng cán bộ làm phách lại chép vào giấy thi là AB0033", ông này ví dụ. Vì thế, các khâu thường phải triển khai đúng quy trình và rất chậm.
Khi lên điểm xong, nơi nào có số bài thi ít, Hội đồng thi ở đó có thể ghép lại phách bằng tay tất cả, hạn chế chuyện sai sót. Quy chế hiện nay yêu cầu ghép bằng tay tối thiểu 20% nên sai sót vẫn có thể xảy ra.
Còn một cán bộ quản lý khác nhận định khâu khớp phách bằng tay chỉ để kiểm tra lại kết quả một cách ngẫu nhiên. Sai sót có thể đã xảy ra ở những khâu trước đó, chẳng hạn như khâu nhập điểm từ phiếu chấm.
"Sai sót có thể tránh được khi khâu chấm thi, làm phách được thực hiện cẩn thận, đúng quy trình", cán bộ khảo thí ở Hòa Bình nói.
Công an, thanh niên tình nguyện hỗ trợ thí sinh thi lớp 10 tại trường THPT Quỳnh Côi, Thái Bình. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh
Kỳ thi vào lớp 10 ở Thái Bình diễn ra ngày 6-7/6 với 20.500 thí sinh. Các môn thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Khoảng 1.100 em thi thêm môn chuyên để lấy điểm xét tuyển vào trường chuyên Thái Bình.
Kết quả công bố sau đó 10 ngày, gần 16.300 em trúng tuyển, đạt 90% chỉ tiêu.
Sự cố được phát hiện sau khi một số phụ huynh tố cáo kỳ thi có "bất thường" hồi cuối tháng 7. Nhiều thí sinh được tăng điểm sau phúc khảo, với mức tăng khoảng 1,25-5,75.
Nguồn: [Link nguồn]
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã có quyết định gia hạn thời gian tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình.