Khập khiễng nhận xét và cho điểm học sinh tiểu học

Sau gần một học kỳ triển khai Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá bằng nhận xét đối với học sinh tiểu học, giáo viên các trường vẫn còn lúng túng, nhất là khâu đánh giá cuối năm

Nhiều biện pháp giảm tải cho giáo viên (GV) sau khi thực hiện Thông tư 30 đã được áp dụng, giúp GV và học sinh (HS) quen dần với cách đánh giá mới này. Tuy nhiên, việc kiểm tra cuối kỳ lại quay về bài thi lấy điểm số khiến GV và HS đều lúng túng.

Còn tâm lý thích cho điểm

Bà Võ Ngọc Thu - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận 5, TP HCM - cho biết các trường vừa tổ chức sơ kết việc thực hiện Thông tư 30 để đúc kết những mặt thuận lợi và khó khăn đối với GV.

Khập khiễng nhận xét và cho điểm học sinh tiểu học - 1

Giáo viên đánh giá học sinh tiểu học qua nhận xét thay vì chấm điểm như trước đây Ảnh: TẤN THẠNH

Theo phản ánh của GV, trước đây, khi mới triển khai thông tư, nhiều thầy cô, nhất là GV bộ môn, bị “choáng” bởi nhiều loại sổ sách do phải nhận xét tất cả HS ở nhiều khối lớp. Khi thực hiện, các trường đã triển khai nhiều biện pháp giảm tải, như GV được quyền đánh giá bằng nhận xét theo tổ, tức là tuần này đánh giá tổ này thì tuần sau sẽ đánh giá tổ khác. GV bộ môn thì được sao chép danh sách từ GV chủ nhiệm, nghĩa là được quyền in danh sách HS, dán vào sổ bộ môn rồi mới nhận xét; trong khi trước đây thì mỗi lớp một quyển, GV phải ghi đầy đủ họ tên, lý lịch của HS nên rất nhiêu khê.

Theo bà Thu, dù GV đã làm hết trách nhiệm nhưng vẫn không khỏi băn khoăn vì thật ra, HS vẫn chưa quen với cách đánh giá bằng nhận xét, vẫn thích được cho điểm. “Trong khi đó, quận 5 là địa bàn có nhiều HS người Hoa đi học, GV đánh giá bằng những từ ngữ chuyên môn thì phụ huynh không thể nào hiểu hết được” - bà Thu cho biết.

Việc cắt, dán danh sách HS là cách làm của nhiều trường để GV bớt công đoạn ghi chép. Ông Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận 1, TP HCM - cho rằng GV không cần phê hết hằng tháng mà nên nhận xét theo thời gian linh hoạt.

“GV vẫn cực ở chỗ khi nhận xét HS làm một bài toán thì phải bám vào mục đích bài. Nếu chỉ nhận xét đơn thuần là đạt hay không thì dễ nhưng GV còn phải nhận xét cách làm, sai - đúng chỗ nào, phương pháp ra sao để các em hiểu. Đối với môn tiếng Việt, GV nhận xét câu, ngữ pháp... Nói chung, tôi luôn dặn GV của mình là thoát khỏi tâm lý nặng nề đi thì mới thoải mái nhận xét và nhận xét có tâm được” - ông Long bày tỏ.

Vẫn cần xếp loại để phấn đấu

Việc thực hiện Thông tư 30 vẫn còn nhiều lấn cấn, nhất là khâu đánh giá cuối năm. “Cả GV và HS đang quen với các đánh giá mới nhưng đến cuối kỳ lại quay về kiểu bài thi lấy điểm số. Kết quả được tính bằng điểm số nhưng cả quá trình học, HS đều được đánh giá bằng nhận xét thì rất khập khiễng. Nếu đã nhận xét thì sao không nhận xét cả học kỳ, cả năm? GV nhận xét thì thấy được quá trình phấn đấu của HS nhưng cuối năm lại quay về điểm, mà điểm số sẽ không thể hiện hết khả năng của HS. Hơn nữa, hiện nay đã bỏ danh hiệu thi đua ở cuối năm, các mức khen thưởng do hiệu trưởng quy định khiến tâm lý HS, phụ huynh vẫn khó thích nghi vì ở lứa tuổi còn nhỏ, các em rất thích có danh hiệu để làm động lực phấn đấu” - bà Võ Ngọc Thu trăn trở.

Cô Hồ Thụy Bích Vân - GV Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận 7, TP HCM - cho biết lâu nay, phụ huynh quen với việc nhìn điểm để biết con mình đang ở mức độ nào nhưng giờ chỉ được biết qua nhận xét. Nếu GV nào nhận xét qua loa thì phụ huynh càng mông lung hơn. Nhiều GV trong trường đã thử tổ chức cho HS làm các bài thi lấy điểm trước khi kiểm tra cuối kỳ nhưng các em không quen. Đến cuối kỳ lại quay về cách làm bài để lấy điểm, gây khó khăn, thiệt thòi cho các em.

“Băn khoăn lớn nhất là chúng tôi vẫn chưa biết giải thích với phụ huynh thế nào về tuyển sinh đầu cấp vào lớp 6 vì tuyển sinh vào bậc học này ở nhiều trường yêu cầu điểm toán, tiếng Việt cuối năm lớp 5. Yêu cầu này dễ dẫn đến thiệt thòi cho HS. Có thể các em được đánh giá tốt ở các mặt cả năm nhưng làm bài thi lấy điểm thì không tốt vì sự không thống nhất giữa nhận xét và cho điểm” - cô Vân lo lắng.

Sổ liên lạc cũng phải nhận xét, đánh giá

Cô Hồ Thụy Bích Vân cho biết khi Thông tư 30 mới triển khai, nhiều GV phát hoảng vì sổ sách. Bộ GD-ĐT có điều chỉnh bằng việc giảm bớt công đoạn ghi chép cho GV.

“Nhưng mới đây, GV chủ nhiệm lại tiếp nhận thêm cuốn sổ, gọi là sổ liên lạc của từng HS. Hiện vẫn chưa có quy định sử dụng, ghi chép sổ như thế nào nhưng quyển sổ rất dày, GV vẫn phải ghi lý lịch HS giống đánh giá thường xuyên và mỗi tháng vẫn phải nhận xét HS theo 3 phần. Phần 1 gồm các môn học gọi là đánh giá chung, phần 2 là nhận xét về năng lực, phần 3 nhận xét về phẩm chất. Như vậy, tính ra GV chủ nhiệm vẫn quá tải nếu nhận xét hết tất cả HS trong từng tháng với đầy đủ các phần như yêu cầu trong sổ” - cô Vân nhìn nhận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN