Khâm phục cô giáo ung thư, con dị tật bẩm sinh vẫn dạy 11 lớp

Sự kiện: Giáo dục

Con trai bị bệnh câm điếc bẩm sinh, bản thân đang điều trị căn bệnh ung thư nhưng cô Nông Thị Tuyến (SN 1984, dân tộc Tày, giáo viên Trường Tiểu học Minh Cầm, xã Đội Bình, Yên Sơn, Tuyên Quang) vẫn đội tóc giả đến trường, dạy thể dục cho các học sinh...

Quên bệnh ung thư hết mình vì sự nghiệp trồng người

Cô giáo Nông Thị Tuyến là một trong 63 gương mặt thầy cô giáo tiêu biểu đến từ 26 dân tộc thiểu số vừa được tôn vinh trong Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc phối hợp tổ chức.

Mang trong mình sự đau đớn của bệnh ung thư, thế nhưng điều mà ai cũng vô cùng khâm phục ở cô Tuyến là nghị lực vượt lên bệnh tật để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nơi vùng sâu, vùng xa. Ngay từ khi còn nhỏ, cô Tuyến đã luôn ý thức việc học là con đường thoát nghèo. Sau 3 năm theo học tại khoa Giáo dục thể chất, Trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang, ước mơ trở thành cô giáo của cô Tuyến đã thành hiện thực.

Cô Nông Thị Tuyến tại buổi lễ tuyên dương “Chia sẻ cùng thầy cô 2020”. Ảnh: P.T

Cô Nông Thị Tuyến tại buổi lễ tuyên dương “Chia sẻ cùng thầy cô 2020”. Ảnh: P.T

Xây dựng gia đình vào tháng 10/2008, không lâu sau, vợ chồng cô Tuyến vui mừng đón con đầu lòng và nhận quyết định trúng tuyển viên chức ngành Giáo dục ở địa phương. Thế nhưng niềm vui chưa được bao lâu, bác sĩ phát hiện cháu bị teo thực quản bẩm sinh. Hai ngày tuổi, con trai cô phải phẫu thuật ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Ít ngày sau, cháu lại bị vàng da nhân nên kéo theo câm điếc bẩm sinh.

Bệnh tật, ốm đau liên miên khiến con trai của cô dù 2 tuổi vẫn không thể tự cất cổ. Thời điểm đó, cô công tác xa nhà 50km. Để tiện cho việc chăm sóc con nhỏ, cô xin chuyển công tác về làm việc tại Trường tiểu học Minh Cầm cách nhà 10km. Ngoài thời gian lên lớp, mỗi ngày cô lại đưa đón con đến Trung tâm Phục hồi chức năng tỉnh để luyện tập. Sự kiên trì của cô đã được đền đáp khi con trai dần biết tự cất được cổ và tập đi lúc 3 tuổi.

Trong thời gian đó, chồng cô vẫn đang học ở Hà Nội nên mọi công việc gia đình và chăm sóc hai con nhỏ cô đều gánh.

Cô Nông Thị Tuyến.

Cô Nông Thị Tuyến.

Năm 2015, cô phát hiện mắc căn bệnh ung thư vú. Đúng ngày 20/11 năm đó, cô phải vào viện phẫu thuật, điều trị hóa chất. Từ một người khỏe mạnh 51kg, sau khi hoàn thành 6 đợt truyền hóa chất, cô xuống còn 44kg, da xanh xao, người gầy vẫn phải tự chăm sóc bản thân và lo cho con nhỏ. Tuy vậy, cô luôn cố gắng để thi đại học liên thông và thậm chí đã đội tóc giả nhận bằng tốt nghiệp.

Tuy nhiên, sau những đợt chạy hóa chất và điều trị bằng phác đồ ở Bệnh viện K (Hà Nội), cô lại trở về và tiếp tục công việc của mình. Cả trường chỉ có một giáo viên thể dục dạy cho 11 lớp (từ lớp 1 đến lớp 5) nên cô gần như không có lúc nào được nghỉ. Tuy nhiên, cô chưa bao giờ làm ảnh hưởng đến công việc, lúc nào cũng tham gia đầy đủ các tiết dạy trên lớp.

Qua những năm giảng dạy thể dục ở trường, cô nhận thấy từng khối lớp đều có các đối tượng học sinh khác nhau về thể lực, chiều cao, cân nặng… Vì vậy mà trong từng tiết học cô luôn sáng tạo cho các em được vận động tốt nhất.

Hơn 11 năm gắn bó với công tác giáo dục, trong đó có 9 năm công tác tại Trường Tiểu học Minh Cầm, cô giáo Nông Thị Tuyến đã vinh dự nhận danh hiệu "Lao động tiên tiến" nhiều năm liền, "Chiến sĩ thi đua" cấp huyện…

"Gieo chữ" trên vùng đất khát nước

Cô Lan đang dạy học sinh.

Cô Lan đang dạy học sinh.

Bản thân là người dân tộc ít người Bố Y, cô Lồ Thị Lan (SN 1990) đã 9 năm làm giáo viên "cắm bản" ở vùng đất Dìn Chin còn nhiều khó khăn của huyện Mường Khương, Lào Cai.

Vùng đất Dìn Chin thiếu thốn đủ bề, đặc biệt là nước sinh hoạt. Nhớ lại thời gian đầu đến Dìn Chin công tác, cô Lan chia sẻ: "Dù mình cũng là người dân tộc thiểu số nhưng khi đến điểm trường công tác vẫn thấy vô cùng hoang mang vì nơi đây còn thiếu thốn hơn ở nhà. Nước không có, mọi người phải đi lấy nước mà thực tế là đi hứng từng giọt. Nhiều khi các cô phải tận dụng dùng nước vo gạo để rửa rau, rồi lại dùng nước đó rửa bát... Sau rồi thấy mọi người vẫn sinh sống ở đó, nhất là học sinh đang đói chữ nên chẳng nỡ rời xa".

Không chỉ thiếu thốn vật chất, việc dạy học trò của cô Lan cũng phải nỗ lực hơn, bởi các em ở đây phần nhiều chưa biết nói tiếng phổ thông. Để dạy tốt, cô vừa làm bạn, vừa học tiếng của các em để trò chuyện. Khi hiểu được học sinh, cô khuyến khích, động viên và hướng dẫn cho các em được tốt hơn.

Cô Lan đi hứng nước đêm. Ảnh: Lâm Hải

Cô Lan đi hứng nước đêm. Ảnh: Lâm Hải

9 năm gắn bó với những điểm trường sau khi tốt nghiệp đại học, cô Lan nhận thấy rằng, những đứa trẻ nơi đây cũng chính là hình ảnh của cô năm xưa. Cô Lan hiểu rằng học vấn, kiến thức là con đường duy nhất để các em không bị mù chữ, lớn lên không phải suốt đời làm nương, làm rẫy mà vẫn bị đói nghèo đeo đẳng.

Dẫu vất vả là thế, cô giáo người Bố Y này chưa khi nào có ý định bỏ dở ước mơ "gieo chữ" nơi rẻo cao. Cô Lan bảo, điều cô sợ nhất trong quá trình giảng dạy của mình chính là các em bỏ học. Không ít lần cô đã phải tới tận nhà vận động đồng bào cho trẻ đi học. Khi huy động đủ số lượng tới lớp, cô lại phải làm đủ cách để giữ chân các em không bỏ học giữa chừng, theo bố mẹ lên nương. Mỗi buổi đi vận động phụ huynh cho con em tới trường ấy lại thêm một lần cô Lan hun đúc thêm quyết tâm dạy dỗ học sinh nên người.

Cô Lan chia sẻ: "Niềm vui đối với tôi và cũng là món quà quý giá nhất của những người đứng trên bục giảng là các em không bỏ trường, bỏ lớp. Thầy cô nào cũng vậy, sẽ thật hạnh phúc và cảm thấy ấm áp khi các em biết đọc, biết viết, biết tính toán, trở thành người tử tế".

Tay múa dẻo như chim công, hát líu lo, thầy nuôi dạy trẻ ở Kon Tum xóa tan mọi định kiến

Nói đến nuôi dạy trẻ, ai cũng sẽ nghĩ đây là nghề chỉ dành cho nữ giới. Thế nhưng, trên địa bàn tỉnh vùng cao biên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thuận ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN