Khai giảng năm học mới: Lễ ít, hội nhiều

Chỉ còn ít ngày nữa, các trường trên toàn quốc sẽ đồng loạt tổ chức khai giảng năm học mới. Khác với mọi năm, năm nay phần lễ sẽ rất ngắn, tập trung vào phần hội để mang lại niềm vui, sự hứng khởi cho học sinh.

Khai giảng năm học mới: Lễ ít, hội nhiều - 1

 Phụ huynh phục vụ nước cho con uống vì phải đợi xếp hàng chờ khai giảng năm học 2014-2015 ở Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Bớt nhiêu khê

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie cho hay, thời điểm này công tác chuẩn bị cho ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường đã hoàn tất. Trường đặt nhiều hoa tươi về trang trí dọc lối đi, các lớp trang hoàng lại phòng học đẹp mắt, tạo không khí phấn khởi cho cả học sinh, giáo viên. Ông Khang cho hay, nhiều năm nay, trường đã tổ chức lễ khai giảng vì học sinh. Vì thế, trường không chủ động mời quan khách, lãnh đạo về dự.

“Phần lễ chưa năm nào trường tổ chức quá 30 phút, hiệu trưởng nhà trường phát biểu cũng chỉ nói vài dòng tuyên bố, đánh trống khai giảng sau đó xuống hàng hòa vào dòng học sinh để cùng thưởng thức phần hội”, ông Khang nói. Điểm nhấn của lễ khai giảng ở ngôi trường này là màn thả bóng bay gắn với ước mơ của học sinh. Mỗi học sinh ghi một điều ước, dán vào bóng bay và cùng tung lên trời để bày tỏ mong ước, quyết tâm cho một năm học mới. Sau đó là phần trình diễn văn nghệ, thể thao của học sinh các cấp.

“Tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, bớt phần nghi lễ thực sự giảm áp lực cho cả nhà trường, học sinh lẫn lãnh đạo. Lễ khai giảng năm học này, học sinh thực sự được hưởng trọn niềm vui ngày hội đến trường”.

PGS Văn Như Cương

Tương tự, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng Trường Lương Thế Vinh cũng thông tin, không đợi chỉ thị của Bộ GD&ĐT, lâu nay trường tổ chức ngày lễ khai giảng không rườm rà. Ông Cương cho hay, duy chỉ có một năm Thứ trưởng Bộ GD&ĐT về dự có phát biểu, ngoài ra trường chỉ tổ chức chào cờ, hát quốc ca, đọc thư chủ tịch nước và đánh trống khai giảng, sau đó học sinh tổ chức văn nghệ, vui chơi.

Theo ông Cương, học sinh thời nào cũng rất háo hức với ngày hội đến trường. Tuy nhiên, lâu nay chúng được mặc quần áo mới, cầm cờ đến xếp hàng chỉ để đợi lãnh đạo phát biểu. Chưa kể, mỗi trường, mỗi địa phương chọn nhiều ngày tổ chức khai giảng để lãnh đạo xếp được lịch đến dự rất rườm rà. Ông Cương cho rằng: “cách làm của bộ năm nay rất hợp lý, thực sự vì học sinh và nhà trường”.

Thực sự vì học sinh

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, đơn vị đã có công văn yêu cầu các trường triển khai lễ khai giảng trong thời gian từ 7h30 đến 8h30, gồm đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát quốc ca, nghe đọc thư chủ tịch nước, đánh trống khai giảng… “Ngày khai giảng các trường tổ chức theo tinh thần ngắn gọn, bớt lễ nghi”, ông Thống cho biết.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, với quy định khai giảng ngắn gọn như năm nay giảm được nhiều áp lực cho chính các trường và lãnh đạo đi dự khai giảng. Mọi năm, dù bận đến mấy các lãnh đạo vẫn phải xếp lịch đi dự khai giảng nhiều trường để động viên các cháu, năm nay chính vì tổ chức 1 ngày nên mỗi lãnh đạo chỉ đến một trường. “Hà Nội ưu tiên những trường có điều kiện khó khăn, vùng sâu vùng xa để đến động viên và không có phát biểu nào”, ông Thống cho hay.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho hay, đơn vị chỉ đạo các trường tổ chức phần lễ khai giảng không quá 30 phút. Chỉ đạo này được các trường hồ hởi đón nhận. Theo lãnh đạo đơn vị này, lâu nay đã nhận được nhiều ý kiến làm sao giảm áp lực trong ngày khai giảng cho học sinh để các em có được niềm vui trong ngày hội đến trường. “Vì thế, chỉ đạo của ngành năm nay thực sự được phụ huynh, học sinh, nhà trường rất ủng hộ”, lãnh đạo Sở này cho biết.

Chưa giảm tải áp lực sĩ số

Mặc dù, các quận, huyện tại thành phố Hà Nội năm qua đã  xây mới, sửa chữa nhiều trường, phòng học tuy nhiên đa số quận nội thành học sinh vẫn chịu cảnh 50-60 em/lớp.

Theo báo cáo, năm nay, Hà Nội xây mới 64 trường học với 2.057 phòng học hết gần 2.400 tỷ đồng, sửa chữa hơn 1.000 phòng học, mua sắm trang thiết bị phục vụ giáo dục hơn 570 tỷ đồng. Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho rằng: “với điều kiện tăng dân số quá nhanh, Hà Nội cần có lộ trình xây mới trường học chứ chưa thể cùng lúc giảm được sĩ số học sinh trong các lớp học”, ông Thống nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, nhiều năm nay, ngành giáo dục đã có chỉ thị mỗi lớp học không quá 30 em tuy nhiên ở một số địa phương vẫn còn tình trạng quá tải lớp học. Ông Hiển cũng cho biết, đã từng đề nghị đối với các địa phương chưa thể giảm tải áp lực sĩ số học sinh trong lớp học có thể tăng giáo viên từ 1 lên 2 người/lớp. Tuy nhiên, cũng chưa nhiều trường làm được việc này.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội lý giải, liên quan đến giáo viên, Hà Nội hiện có hơn 93.000 người chỉ đủ đứng các lớp học. “Muốn tuyển thêm còn vướng nhiều vấn đề cụ thể như biên chế. Hà Nội cũng nghĩ đến việc tăng cường 2 giáo viên/lớp tuy nhiên còn phụ thuộc vào lộ trình, đơn vị chưa thể triển khai ngay được”, lãnh đạo đơn vị này nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN