Khai giảng năm học mới 2022-2023: Trăm nỗi trăn trở của phụ huynh khi con vào lớp 1

Sự kiện: Giáo dục

Lớp 1 được xem là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời con trẻ, đánh dấu một bước phát triển mới của bé và tất nhiên kèm theo đó là nỗi băn khoăn, lo lắng của những bậc cha mẹ.

Chia sẻ với PV Tạp chí Đời sống & Pháp luật, chị Lục Thanh Hà (31 tuổi, Quảng Ninh) cho biết: “Nhà tôi có 2 bé trai, bé lớn năm nay 6 tuổi, chuẩn bị bước vào lớp 1. Tôi rất lo lắng khi đây là năm đầu tiên con bước vào môi trường hoàn toàn khác so với mẫu giáo.

Ở trường mẫu giáo, con vừa học, vừa chơi, được thường xuyên tương tác với bạn bè, cô giáo. Con bước đầu đi vào nề nếp sinh hoạt tập thể nhưng vẫn được thoải mái đi lại trong lớp, tự do cười nói, thể hiện suy nghĩ và cảm xúc trên hành trình khám phá. Trong khi đó, khi vào lớp 1, con bắt đầu tiếp xúc với việc học tập các môn học cụ thể và tham gia hoạt động giáo dục bắt buộc. Con sẽ không chơi trò chơi nhiều như trước mà cần ngồi nghiêm túc trong khoảng thời gian liên tục. Con cần hoàn thành bài tập về nhà và làm các bài kiểm tra để đánh giá về kết quả học tập. Môi trường tiểu học với nhiều nội quy mới đòi hỏi con tính kỷ luật và sự tập trung cao hơn môi trường mẫu giáo. Hơn hết, sự tương tác của con với bạn bè, thầy cô cũng không còn gắn kết như trước. Cô dành nhiều thời gian cho hoạt động giảng dạy nên việc quan tâm, trò chuyện sẽ không nhiều như ở mẫu giáo. Sự khác biệt giữa môi trường mầm non và tiểu học là một bậc thang mới khiến con nhất thời chưa thể thích nghi nhanh chóng”.

Các em học sinh lớp 1. Ảnh minh hoạ

Các em học sinh lớp 1. Ảnh minh hoạ

Để con không bị “sốc” khi bước vào môi trường mới, chị Hà tiết lộ gia đình đã quyết định cho con trai tham gia lớp tiền tiểu học để bé tập làm quen với môi trường học tập mới, rèn tính kỷ luật, tính tự giác và sự tập trung.

“Tuy thời gian ngắn nhưng những giờ học này đã giúp con làm quen với bảng chữ cái, bảng vần, bảng số, làm quen với việc ngồi nghiêm túc từ 30 - 40 phút để tham gia 1 môn học nào đó, góp phần giúp con giảm sốc văn hoá bằng chính sức mạnh tư duy của mình.”

Bên cạnh đó, ngay từ sớm, tôi đã chuẩn bị cho con đầy đủ đồ dùng học tập theo chương trình lớp 1 để con tập làm quen dần và cách sử dụng cặp sách, hộp bút, bút chì, tẩy, gọt bút,…

Gia đình đã tìm hiểu và quyết định cho con theo học tại trường công lập gần nhà để tiện đưa đón, môi trường học tập cũng được đánh giá cao, giáo viên nhiệt tình, thân thiện. Tôi đã dẫn con sang thăm quan trường, lớp học và giới thiệu một số hoạt động học tập, hoạt động ngoại khóa ở trường”, chị Hà chia sẻ, đồng thời cho rằng ngoài việc chuẩn bị cho con, bản thân các bậc phụ huỳnh cũng cần chuẩn bị tâm lý thoải mái nhất, tin tưởng và không đặt áp lực điểm số hay thành tích cho con, để con có thể phát huy tài năng, vui vẻ học tập trong môi trường mới.

Khác với các lứa chuẩn bị vào lớp 1 những năm trước đó, vừa qua các trường mầm non có giai đoạn đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, khiến lứa trẻ bước vào lớp 1 năm nay khó tránh bị "ù lì" khi phải ở trong nhà suốt thời gian dài. Do đó, lớp tiền tiểu học càng nhận được quan tâm hơn từ các bậc phụ huynh.

"Có giai đoạn trường mầm non đóng cửa suốt, các con thường xuyên ở nhà, xem máy tính, điện thoại và tivi khiến tôi vô cùng lo lắng về về sức học cũng như khả năng tập trung của con", chị Trần Thị Thoa (35 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) bày tỏ.

Chị Thoa cho biết, để con không bị bỡ ngỡ cũng như có thể theo kịp chương trình học trong môi trường mới, chị quyết định cho con học thêm khoảng hai tháng trước khi vào lớp 1 để con tập làm quen với các con số và chữ cái.

Theo chị Thoa, tại lớp tiền tiều học, các con được  học các kỹ năng như tư thế ngồi học, tác phong, khả năng tập trung, cách làm việc nhóm, cách giao tiếp và tinh thần tự giác học tập...

Cùng quan điểm với chị Thoa, chị Kim Dung (37 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Các con đã phải ở nhà nhiều tháng, không được tiếp xúc với thầy cô, bạn bè sẽ ảnh hưởng nhiều đến phát triển ngôn ngữ, cảm xúc. Sau khi chia sẻ với các phụ huynh khác, mọi người gợi ý là nên cho con đi học, để cô rèn vào nếp, hai vợ chồng tôi bàn bạc mãi mới quyết định cho con đi học tiền lớp 1.

Mất khoảng 3 tháng, tôi thấy con tiến bộ hơn nhiều. Thay vì ở nhà được bố mẹ nuông chiều, xem tivi, điện thoại, không mấy kỷ luật thì nay con bắt đầu biết cầm bút viết chữ, học hết bảng chữ cái và đang tập đánh vần".

Cũng rất lo lắng về việc chuẩn bị những gì cho con gái khi vào lớp, có nên học chữ trước hay không, vào lớp thầy cô nào tốt nhất cho con,... anh Đặng Thuận (Nghĩa Hưng, Nam Định) cuối cùng quyết định không cho học thêm lớp tiền tiểu học mà chủ yếu chuẩn bị giúp con tâm lý tốt nhất khi bước vào môi trường mới.

"Để giúp con có tinh thần thoải mái, vui vẻ và háo hức đến trường, gia đình tôi thống nhất không tạo áp lực quá nhiều cho con trong việc học. Chủ yếu, bố mẹ giúp con chuẩn bị tâm lý tốt để con tự tin và tự lập khi bước vào một môi trường mới, không còn bỡ ngỡ và lo lắng mỗi khi bước vào lớp học. Ngoài ra, tôi cũng dạy con về những việc được làm, không được làm trên lớp để con có thể tuân thủ các nội quy trong lớp và tự ý thức trong học tập", anh Thuận chia sẻ.

Không chỉ riêng các bậc phụ huynh có con vào lớp 1, những cha mẹ có con chuyển cấp cũng tránh khỏi những băn khoăn cùng lo ngại về thành tích học tập cũng như tâm sinh lý khi con bước sang một giai đoạn mới.

Chia sẻ về tâm trạng khi con bước vào lớp 6, chị Trần Kim Anh (37 tuổi, Quảng Ninh) cho biết: “Háo hức vui vẻ vì con có bước phát triển mới, bước vào môi trường chững chạc hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn hồi hộp, lo lắng vì THCS có rất nhiều điểm khác so với bâc tiểu học, không biết liệu bé có thể hòa nhập và làm quen ngay được không hay sẽ bỡ ngỡ, xa lạ rồi làm ảnh hưởng đến kết quả học tập. Dù vậy, tôi tin thầy cô và bạn bè tại THCS sẽ giúp bé trưởng thành hơn rất nhiều trong những năm tới”.

Trong thời gian nghỉ hè, chị Kim Anh đã giành nhiều ngày để tìm hiểu những môn học mà sắp tới bé sẽ được giảng dạy. “Tôi nói cho con biết những môn nào là môn phát triển thêm của các môn trong tiểu học, những môn nào là mới và sự cần thiết của những môn học đó. Tôi cũng giúp con chuẩn bị những yêu cầu của nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để con tự tin và có tâm thế thoải mái, sẵn sàng bước vào năm học mới.

Những ngày này, tôi cũng giành nhiều thời gian để ở cạnh con nhiều hơn. Nhờ vậy, đến giờ phút này, bạn ấy đã biết được trước những thay đổi sẽ gặp và cảm thấy hoàn toàn thoải mái để ‘chiến đấu’ với những năm trung học”.

Theo kế hoạch năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên được Bộ GD&ĐT ban hành ngày 5/8, khai giảng năm học mới diễn ra vào ngày 5/9 như mọi năm. Ngày khai giảng năm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi đây là chương trình khai giảng đầu tiên được tổ chức trực tiếp sau gần 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành.

Trước không khí vô cùng hân hoan ấy, cô Hoàng Yến, người đang tham gia giảng dạy tại một trường THCS ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: “Đây là buổi khai giảng đầu tiên sau COVID-19 nên thầy trò chúng tôi đều vô cùng vui mừng, hân hoan vì sắp được đồng hành cùng nhau trên một chặng đường mới. Năm học trước, các em phải tham gia học cũng như khai giảng trực tuyến, vì vậy ngày 5/9 sắp tới chắc chắn sẽ rất ý nghĩa với cả giáo viên và học sinh”

Đối với các em học sinh lớp 6, cô Yên cho rằng dù không phải lần đầu đi học nhưng ngày lễ khai giảng sắp tới cũng đánh dấu một sự kiện quan trọng trong quãng thời gian học sinh của các em: “Sau khi rời ghế tiểu học, các em sẽ trở thành học sinh THCS với các nền nếp, kỹ năng, môi trường sẽ khác hoàn toàn so với trước đây. Do đó, các thầy cô cần cố gắng hết sức để động viên, tạo điều kiện cho các em cảm nhận được sự đồng hành, thân thiện của nhà trường”.

Cũng bởi ngày khai giảng năm nay có ý nghĩa đặc biệt hơn, nên các thầy cô giáo cũng khó tránh tâm trạng lo lắng.

"Giáo viên chúng tôi cũng còn lo lắng vì sau 2 năm ảnh hưởng của dịch, nhiều em học sinh ko đc rèn nếp từ mẫu giáo nên có thể sẽ bắt nhịp vào lớp 1 chậm hơn. Theo đó, tổ chúng tôi đã cùng nhau trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, tìm biện pháp khắc phục khó khăn, thiết kế bài giảng điện tử hấp dẫn trẻ, có nhiều hình thức dạy học phong phú giúp trẻ học mà chơi, chơi mà học, phát triển trí tuệ, hình thành năng lực, phẩm chất cho trẻ, giúp trẻ yêu thích học và thật sự cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui", cô Thị Nguyễn Phương Anh, giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hà Nội), chia sẻ.

Theo cô Phương Anh, trước khi vào lớp 1 trẻ cần được học nhưng học ở đây là học hỏi, học kĩ năng, học giao tiếp và thói quen tốt... Bên cạnh đó, phụ huynh cần rèn cho các con khả năng tập trung. Bởi khác với trường mầm non, các con chủ yếu chơi nhiều hơn học, còn ở tiểu học, các con phải học thời lượng nhiều hơn nên có thể làm cho các con cảm thấy chán... Để rèn được tính tập trung thì hàng ngày phụ huynh có thể cùng con tham gia một số trò chơi học tập có giao ước về thời gian cụ thể.

Cô Phương Anh cũng nhấn mạnh "tính vừa sức", bởi mỗi trẻ có khả năng tiếp thu khác nhau, có bạn tiếp thu nhanh nhưng cũng có bạn thì chậm hơn. Do đó, phụ huynh cần để ý khả năng của con mình để hướng dẫn con theo các cách khác nhau. Nếu con có nhận thức chưa thực sự nhanh nhạy, thì bố mẹ tìm cách tiếp cận nhẹ nhàng, vui vẻ, miễn sao phải vừa sức và phù hợp với con.

Nguồn: [Link nguồn]

Quá tải trường lớp - Nỗi lo cũ trước năm học mới

Quy mô dân số tăng nhanh trong những năm qua khiến nhiều trường học quá tải, tỷ lệ học sinh trên lớp cao, có nơi lên tới 60 em/lớp. Thực trạng này đang tạo áp lực khiến nhiều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN