Khắc phục “bệnh” nói nhiều của giáo viên

Sau ba năm triển khai thí điểm, nhiều tỉnh/thành đã chủ động nhân rộng mô hình trường học mới - VNEN ở địa phương mình.

Đây là một mô hình tổ chức dạy học được đông đảo giáo viên cũng như cán bộ quản lý giáo dục đánh giá cao, tuy nhiên lại kén giáo viên. Để dạy học mô hình VNEN hiệu quả, giáo viên phải khắc phục “bệnh” nói nhiều.

Giáo viên phải đi... dép lê

Cô Lê Thị Thu Hiền là giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Đại Từ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Cách đây hai năm, Trường tiểu học thị trấn Đại Từ bắt đầu tham gia thí điểm tổ chức dạy học theo mô hình VNEN, cô Hiền là một trong số không nhiều giáo viên được nhà trường lựa chọn đi tập huấn ở tỉnh.

Năm học 2012 – 2013, cô trực tiếp dạy học sinh lớp 3, năm sau cô theo các em lên lớp 4 và năm học này, cô tiếp tục cùng các em lên lớp 5. Cô Hiền chia sẻ: “Lớp tập huấn đầu tiên chỉ giúp tôi hình thành bước đầu hình ảnh về một lớp học của mô hình trường học mới. Đại để đó là một môi trường học tập mà học sinh phải tự học, giáo viên thì không đóng vai trò thuyết giảng mà chủ yếu là hướng dẫn - hỗ trợ các em. Còn để thao tác một cách nhuần nhuyễn, thành thục như bây giờ tôi phải trải qua nhiều khóa tập huấn khác cộng với quá trình trải nghiệm thực tế. Hơn nữa, trong suốt quá trình dạy học tôi phải đọc và suy ngẫm nhiều sách vở - tài liệu tập huấn”.

Theo cô Hiền, để tổ chức dạy học theo mô hình trường học mới, giáo viên vất vả hơn rất nhiều so với mô hình trường học truyền thống. Điểm nổi bật của mô hình VNEN là đổi mới về cách thức tổ chức lớp học. Trong lớp, các em ngồi học theo nhóm, hướng mặt về nhau để cùng trao đổi và tự học.

Quản lý lớp học là “hội đồng tự quản học sinh” cùng các “ban” trong lớp, do tập thể lớp bầu ra. Học sinh tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm. “Hội đồng tự quản học sinh” là công cụ hữu hiệu, một biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập, giáo dục. Học sinh có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn các kĩ năng lãnh đạo, kĩ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động.

“Ban đầu nhiều cô giáo cứ thắc mắc, dạy thế thì học sinh làm sao hiểu được! Nhưng giờ thì các cô tự tin lắm rồi, vì so với học sinh của lớp truyền thống, học sinh VNEN rất chủ động, mạnh dạn, năng nổ, diễn đạt rất mạch lạc. Những em giỏi là giỏi thật sự, nhờ năng lực tự học của chính mình chứ không phải do được nhồi nhét”.

Cô giáo Lê Thị Thu Hiền, Trường Tiểu học thị trấn Đại Từ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên

Nhưng khi dạy theo VNEN thì giáo viên chỉ là người hướng dẫn để các em tự trải nghiệm, làm việc cá nhân, chia sẻ trong cặp đôi, thảo luận trong nhóm để tự làm việc với nhau, tự chiếm lĩnh kiến thức, rút ra bài học. Ban đầu triển khai, giáo viên nào cũng chỉ lo học sinh của mình không hiểu bài, nên dạy được vài bài lại quay về giảng giải theo cách cũ; thậm chí có giáo viên buổi sáng dạy theo VNEN, buổi chiều dạy theo truyền thống”.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Huệ, Trường Tiểu học Hùng Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, để chữa “bệnh” nói nhiều, giáo viên không còn cách nào khác là phải được thực hành mô hình VNEN.

“Tôi cũng như hầu hết các thầy cô khác, cứ lo học sinh không hiểu bài nên phải nói, nói thật nhiều! Nhưng qua thực tế ba năm làm VNEN, tôi rút ra được bài học quý giá: cứ để cho học sinh trải nghiệm, cứ để các em tự đúc kết, thì kiến thức thu được mới thực sự là của các em. Chỉ khi nào các em gặp khó khăn, tỏ ra không hiểu thì mới cần sự hỗ trợ, can thiệp của giáo viên. Quan trọng là giáo viên phải tìm ra cách gợi mở, giúp các em hình thành được kiến thức mới”, cô giáo Huệ nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quý Hiên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN