Hút giáo viên mầm non, chuyện không hề dễ
Nhiều trường đào tạo ngành sư phạm cho hay, ‘giáo sinh’ mầm non chưa học xong đã được tuyển hết. Song thực tế thì sao?
Tại “Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp và Giới thiệu việc làm năm 2018” vừa được trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức trung tuần tháng 5 vừa qua, lãnh đạo nhiều trường cho biết sinh viên năm cuối ngành mầm non, ngành tiểu học thường đã có các trường đến để tuyển dụng. Thậm chí đào tạo còn không đủ phục vụ nhu cầu của các trường phổ thông, mầm non.
Phó hiệu trưởng trường ĐH Thủ Đô, Đỗ Hồng Cường cũng cho biết, hiện nay nhu cầu tuyển dụng giáo viên mầm non trên địa bàn Hà Nội là rất lớn. Giáo sinh chưa ra trường đã có người đến xin tuyển dụng. Theo ông Cường, khối trường mầm non ngoài công lập hiện nay đang rất thiếu giáo viên.
Không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương khác cũng đang khát giáo viên mầm non và tiểu học.
Số liệu Bộ GD&ĐT năm nay cho biết, tổng số chỉ tiêu đăng ký vào ĐH, CĐ sư phạm khoảng 35.000. Số nguyện vọng đăng ký vào nhóm ngành sư phạm khoảng 130.000 nguyện vọng. Trong đó, số lượng nguyện vọng 1 là khoảng 43.000.
Mức lương của giáo viên mầm non, tiểu học hiện đang thấp hơn mức lương tối thiểu vùng I.
Tuy nhiên, các con số mà ngành giáo dục TP.HCM đưa ra thật đáng quan ngại, trong 3 năm học gần đây, mỗi năm có hơn 1.000 giáo viên mầm non xin ra khỏi hệ thống trường mầm non. Hiện thành phố này đang thiếu 7.695 giáo viên mầm non so với quy định của Bộ GD-ĐT.
Lãnh đạo nhiều Sở GD&ĐT cho hay, địa phương thiếu hàng ngàn giáo viên mầm non. Trong đó, Thanh Hóa thiếu nhiều nhất. Cụ thể, tỉnh này hiện thiếu khoảng 2.500 giáo viên mầm non và gần 400 giáo viên bậc tiểu học.
Trước đó, Tỉnh này đã phải thực hiện điều chuyển giáo viên THCS sang dạy ở bậc mầm non. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp'chống cháy' bởi lẽ dạy học ở bậc mầm non khác với cách dạy ở các bậc học khác. Ngoài việc đòi hỏi giáo viên không chỉ được trang bị các kiến thức ở bậc học này, còn đòi hỏi giáo viên phải chịu được áp lực và có cái tâm trong sáng với trẻ.
Số liệu của Bộ GD&ĐT năm trước cũng cho thấy, bậc mầm non thiếu 32.641 người và bậc tiểu học thiếu 7.824 và trong năm nay con số này cũng không được cải thiện nhiều.
Nhu cầu nhân lực và 'nỗi khát nhân lực' trong ngành mầm non là quá rõ ràng, tuy nhiên mức thu nhập và áp lực cho giáo bậc học mầm non hiện ra sao?
Thực tế hiện nay giáo viên mầm non làm việc trung bình 10-12 tiếng mỗi ngày nhưng đang nhận mức lương thấp nhất.
Với hệ số 1,86, nhiều giáo viên trẻ mới ra trường chỉ có mức lương hơn 3,2 triệu đồng, còn giáo viên sắp nghỉ hưu cũng chỉ nhận được hơn 5 triệu đồng/tháng.
Theo văn bản Bộ GD&ĐT gửi Bộ Nội Vụ và Bộ Lao động Thương binh Xã hội về tổng hợp quỹ tiền lương của ngành tính đến ngày 31/12/2016 cho thấy, mức lương của giáo viên thấp nhất hiện nay là 3,2 triệu đồng, tập trung nhiều vào số giáo viên trẻ mới ra trường.
Giáo viên mầm non, tiểu học có hệ số lương khởi điểm thấp nhất là 1,86%, phụ cấp đứng lớp 35%. Giáo viên có thâm niên 15-25 năm cũng chỉ nhận mức lương từ 7-8 triệu đồng, không có trợ cấp gì thêm.
Như vậy mức lương của giáo viên mầm non, tiểu học hiện đang thấp hơn mức lương tối thiểu vùng I (3.750.000 đồng), tương đương mức lương tối thiểu vùng II (3.320.000 đồng).
Bên cạnh đó, phải thấy các thí sinh không muốn vào ngành sư phạm đã hiện hữu. Không phải ngẫu nhiên khi giới chuyên gia nói ‘chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm’.
Việc mấy năm gần đây, đặc biệt mùa tuyển sinh 2017, trái ngược với các ngành công an, quân đội, hay kinh tế... điểm chuẩn đầu vào cao ngất ngưởng thì các trường sư phạm, nơi đào tạo các thế hệ thầy cô tương lai lại có điểm chuẩn “chạm đáy”.
Trên thực tế có sinh viên có điểm đầu vào thấp vì lý do này, lý do khác nhưng nếu họ là những sinh viên yêu nghề, yêu trẻ, có năng lực sư phạm thật sự thì ngành giáo dục cần có chương trình để đào tạo họ đảm bảo yêu cầu đạt chuẩn.
Trong khi đó, theo các chuyên gia giáo dục, muốn có giáo viên giỏi thì cần có quá trình đào tạo, bồi dưỡng, chọn lọc rồi đánh giá, đãi ngộ. Vậy nhưng hiện nay còn khoảng 40% giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo mới.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội nhận định: “Ở các nước, giáo dục bậc mầm non, tiểu học rất được quan tâm vì họ quan niệm cấp học đầu tiên là cực kỳ quan trọng đối với quá trình phát triển của một con người nên quá trình tuyển chọn rất cẩn thận và giáo viên ở 2 cấp học này không được phép sai lầm.
Hơn nữa, hiện nay ở Hàn Quốc, Hà Lan… họ yêu cầu giáo viên tiểu học phải có trình độ thạc sĩ chứ không chỉ là trình độ cử nhân. Do đó, việc nâng chuẩn chất lượng giáo viên tiểu học ở nước ta hiện nay dù muộn nhưng vẫn là cần thiết”.
Song trên hết, nếu không có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng, không giảm áp lực cho giáo viên mầm non nói riêng và giáo viên nói chung thì nỗi ám ảnh thiếu nhân lực của ngành sư phạm sẽ khó bề giải quyết.
Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2018, khối các trường đào tạo sư phạm tiếp tục “tụt dốc” khi số lượng thí sinh giảm sút mạnh...