Hướng dẫn giải đề thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM môn Ngữ văn
Đề thi môn Ngữ văn được đánh giá là một đề hay, giúp học sinh phát huy được năng lực cảm thụ, khuyến khích được sự sáng tạo.
Thành phố Hồ Chí Minh luôn là đơn vị tiên phong trong việc đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng mở. Năm 2018 - 2019 sẽ là năm được dự báo có nhiều biến động trong công tác ra đề thi, trong đó riêng môn Ngữ văn yêu cầu đánh giá sự sáng tạo, trình bày quan điểm của thí sinh là một vấn đề được đặc biệt chú trọng.
So với đề thi năm ngoái, đề thi năm nay về hình thức và cấu trúc đề thi tương tự như đề thi năm 2017. Câu đọc hiểu vẫn đưa ra hai văn bản được tổng hợp từ các bài báo về chủ đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra. Câu nghị luận xã hội vẫn đưa ra các hình minh họa để gợi ý và tạo cảm hứng cho học sinh làm bài. Câu nghị luận văn học cho phép thí sinh chọn 1 trong 2 đề: cảm nhận về 1 đoạn trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính hoặc bàn luận về một vấn đề lí luận văn học là sức mạnh của các tác phẩm văn chương.
Cụ thể như sau:
Câu 1:
Đọc hiểu văn bản đề cập đến thực trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, đồng thời nêu lên những giải pháp, hành động để giải quyết vấn đề. Đây cũng là chủ đề của ngày Môi trường Thế giới năm nay. Đề vẫn gồm có 4 ý hỏi vừa kiểm tra được các kiến thức Tiếng Việt, kĩ năng đọc hiểu đồng thời có cả câu hỏi vận dụng yêu cầu học sinh phải có kiến thức thực tế và khả năng lập luận thuyết phục.
Câu 2:
Nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện nay. Đây là một vấn đề vừa gần gũi với các em học sinh đồng thời cũng có ý nghĩa xã hội sâu sắc, rộng lớn. Giống như năm ngoái, đề thi đưa ra ba hình ảnh minh họa vừa giúp học sinh dễ dàng định hướng vấn đề cần nghị luận cũng như gợi mở, tạo cảm hứng để các em làm bài.
Câu 3:
Cho phép thí sinh chọn 1 trong 2 đề: đề 1 là dạng bài rất quen thuộc, yêu cầu thí sinh nêu cảm nhận về hình ảnh người lính trong 1 đoạn thơ của Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Chỉ cần nắm chắc kiến thức về tác phẩm và có kĩ năng viết bài văn nghị luận là các em có thể hoàn thành tốt câu hỏi này.
Đề 2 là một đề mở, yêu cầu thí sinh nêu suy nghĩ về ý nghĩa, sức mạnh của các tác phẩm văn chương. Từ những trải nghiệm thực tế của mình trong quá trình đọc các tác phẩm, thí sinh được quyền tự do bộc lộ quan điểm và lựa chọn các dẫn chứng (không giới hạn ở các tác phẩm trong sách giáo khoa). Những bạn có kiến thức chắc về lí luận văn học, có vốn hiểu biết rộng về các tác phẩm văn chương, có khả năng phân tích, tổng hợp và cảm thụ văn học tốt mới nên chọn làm đề bài này.
Như vậy, đề thi môn Ngữ văn được đánh giá là một đề hay, giúp học sinh phát huy được năng lực cảm thụ, khuyến khích được sự sáng tạo. Với hướng ra đề như thế, để có được những bài viết thuyết phục, ngoài những kiến thức đã học trong chương trình sách giáo khoa, học sinh cần tích lũy những hiểu biết xã hội, cập nhật những vấn đề thời sự. Đây là một trong những xu hướng đổi mới đề thi tuyển sinh vào lớp 10 được sự đồng tình và đón nhận tích cực của các em học sinh, phụ huynh và các thầy cô.
*
* *
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO 10 NĂM 2018 - 2019
MÔN NGỮ VĂN – TP HỒ CHÍ MINH
Câu 1:
a. Dựa vào văn bản, tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống:
- Nhựa có hạn chế lớn là rất lâu phân hủy, đồng nghĩa với việc rác thải nhựa sẽ gây nên thảm họa mội trường nếu không có cách giải quyết.
- Rác thải nhựa ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái, làm ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước, gây nguy hại cho nguồn lợi thủy hải sản và tác động xấu đến sức khỏe con người.
b. Thành phần biệt lập được sử dụng trong đoạn cuối của văn bản 2:
- Thành phần tình thái: Chắc chắn.
c. Mối liên hệ về nội dung của hai văn bản trên:
Văn bản 1 nêu hiện trạng và những tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống. Còn văn bản 2 nêu kế hoạch hành động của các nước nhằm hạn chế việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Văn bản 1 nêu tác hại, văn bản hai nêu cách xử lí.
d. Học sinh tự do lựa chọn giải pháp và có cách giải thích phù hợp.
GỢI Ý:
- Cấm sản xuất, kinh doanh và sử dụng một số sản phẩm làm từ nhựa.
- Sử dụng các chất liệu thay thế, thân thiện môi trường.
- Tái chế rác thải nhựa thành những vật dụng có ích.
Câu 2:
Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện nay. Học sinh lựa chọn một trong ba hình ảnh (tương ứng với một biểu hiện cụ thể trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái).
- Đảm bảo yêu cầu về hình thức bài văn
Bài viết đầy đủ bố cục 3 phần mở bài, thân bài, kết bài.
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện nay.
- Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.
- Sáng tạo
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
* Về mặt nội dung
Hình ảnh 1:
+ Thể hiện mối quan hệ cha mẹ bảo bọc con cái tuyệt đối.
+ Thể hiện sự kiểm soát tuyệt đối của cha mẹ.
+ Trẻ mất đi tính độc lập, dễ ỷ lại.
Hình ảnh 2:
+ Thể hiện mối quan hệ sẻ chia, gắn bó giữa bố mẹ và con.
+ Thể hiện sự tôn trọng không gian riêng tư nhưng có sự đồng hành cùng con.
+ Trẻ có khả năng tự lập, có ý thức, trách nhiệm với cuộc sống của mình trêm sự định hướng của cha mẹ.
Hình ảnh 3:
+ Thể hiện mối quan hệ bình đẳng, độc lập giữa bố mẹ và con cái.
+ Thể hiện tin tưởng của bố mẹ và con cái, không cần có sự định hướng của cha mẹ.
+ Trẻ có khả năng tự lập nhưng khó khăn trong định hướng ở cuộc sống.
Câu 3:
Đề 1:
Nội dung:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích và vấn đề cần nghị luận
2. Cảm nhận về hình ảnh người lính trong hai khổ thơ
- Tư thế ung dung, hiên ngang:
+ Thái độ bình thản đối diện với hoàn cảnh khó khăn: câu thơ thứ nhất vang lên như một lời trần thuật giải thích cho hình dạng của những chiếc xe: bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi.
+ Người lính vẫn ung dung trong buồng lái. Từ ung dung thể hiện phong thái hiên ngang, điềm đạm, thoải mái của người lính.
- Thái độ bất chấp gian khổ, tình thần dũng cảm:
+ Điệp từ nhìn nhấn mạnh sự quả quyết của người lính mặc cho mọi khó khăn.
+ Cái nhìn thẳng thể hiện thái độ hiên ngang, không sợ hiểm nguy.
- Tinh thần lạc quan, yêu đời của người lính.
+ Hiện thực chiến đấu ác liệt, khó khăn nhưng trong tâm hồn người lính vẫn chứa đựng nét lãng mạn.
+ Hình ảnh cánh chim, ngôi sao sáng trên bầu trời được người lính cảm nhận thật thơ mộng và gần gũi.
- Niềm tin vào cuộc kháng chiến của dân tộc: Tuy khó khăn, gian khổ, người lính vẫn luôn tin tưởng vào công cuộc đấu tranh của dân tộc. Mọi khó khăn đều biến mất, chỉ còn con đường chạy thẳng vào tim.
3. Mở rộng, liên hệ
Học sinh có thể tự chọn một tác phẩm khác cùng viết về người lính để thấy được nét gặp gỡ của hai tác giả khi viết về đề tài này. Dưới đây là ví dụ:
Bên cạnh tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính của tác giả Phạm Tiến Duật, trong chương trình Ngữ văn 9, Chính Hữu cũng viết về đề tài người lính trong kháng chiến với tác phẩm Đồng chí. Người lính trong cả hai bài thơ đều có lí tưởng cao đẹp, sống và chiến đấu trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt. Ở họ chứa đựng sự gắn bó, yêu thương, luôn sẻ chia cùng nhau. Tuy sống và chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn nhưng những anh bộ đội cụ Hồ vẫn mang trong mình phong thái ung dung, tinh thần lạc quan, sự tin tưởng vào cuộc chiến đấu của dân tộc. Tuy chiến đấu ở hai thời kì lịch sử khác nhau nhưng ở những người lính vẫn nối tiếp dòng chảy của tinh thần yêu nước, gan dạ và đầy tình đồng chí đồng đội. Qua những nét giống nhau về hình tượng người lính, chúng ta đã nhận thấy sự gặp gỡ về đề tài thể hiện của hai nhà thơ Chính Hữu và Phạm Tiến Duật.
Học sinh có thể liên hệ với hình ảnh người chiến sĩ trong Những ngôi sao xa xôi: đều là những người lính trẻ trung, gan dạ, dũng cảm, có trách nhiệm với công việc, tuy chiến đấu trong hoàn cảnh khốc liệt nhưng ở họ vẫn có sự lạc quan và tinh thần của tuổi trẻ. Qua những nét giống nhau về người lính chống Mĩ, chúng ta thấy sự gặp gỡ về đề tài của nhà thơ Phạm Tiến Duật và nhà văn Lê Minh Khuê.
Hình thức:
- Bài viết có đầy đủ 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.
- Bài làm đúng kết cấu bài văn nghị luận, sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận.
- Bài viết không mắc lỗi đặt câu, diễn đạt và chính tả.
- Bài làm sáng tạo và giàu cảm xúc.
Đề 2: Những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách
Nội dung:
a. Xác định vấn đề nghị luận:
Những bài học về động lực sống được rút ra từ quá trình đọc sách.
b. Triển khai vấn đề:
1. Giải thích vấn đề:
Những ngọn lửa là hình ảnh ẩn dụ cho những bài học, kinh nghiệm sống giàu ý nghĩa, tiếp thêm cho con người động lực và sức mạnh trong cuộc sống được rút ra từ tác phẩm văn học. Qua việc trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, người đọc có thể rút ra cho riêng mình những động lực và sức mạnh đầy nhiệt huyết.
2. Bình luận, chứng minh
- Những tác phẩm văn chương đem đến cho người đọc sự đồng cảm sâu sắc hơn với những con người được hình tượng hóa qua nhân vật, người đọc có cảm nhận và sự thấu hiểu nhiều hơn với vẻ đẹp của những con người ấy.
Dẫn chứng: Người đọc biết cảm phục, ca ngợi trước những con người có lẽ sống đẹp trong những tác phẩm văn chương mình đã được đọc. Từ "ngọn lửa" trong phẩm chất mỗi nhân vật đến "ngọn lửa" trong trái tim người đọc sẽ tạo thành một "ngọn lửa lớn", bùng lên mạnh mẽ để người đọc nhìn lại, phản tỉnh bản thân mình.
- Những tác phẩm văn chương thật sự có giá trị khi nó giúp người đọc nhận ra ý nghĩa trong đời sống để họ hướng đến và theo đuổi. Mỗi trang sách là một trải nghiệm sống của thời đại, của con người được tác giả gửi gắm:
+ Nó tái hiện những năm tháng hào hùng của lịch sử dân tộc với những con người biết gác lại vấn đề riêng tư để cống hiến hết mình cho Tổ quốc:
Dẫn chứng: Tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Những ngôi sao xa xôi,... tiếp "lửa" cho mỗi người đọc về khao khát được sống có ích, sống trọn vẹn tuổi thanh xuân cho lí tưởng, cho đất nước. Đọc những tác phẩm ấy, người đọc hiểu nếu được sống hết mình cho Tổ quốc, chúng ta sẽ có phẩm chất dũng cảm, dám hi sinh, không ngại khó, không ngại khổ.
+ Nó làm sáng lên phẩm chất những con người ngày đêm lao động, cống hiến cho đất nước.
Dẫn chứng: Tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá, Lặng lẽ Sa Pa, Mùa xuân nho nhỏ,... tiếp "lửa" cho mỗi người đọc về khát khao được cống hiến. Người đọc hiểu cống hiến cho đất nước không cứ là vào chiến trường, là chiến đấu gian khổ, là hi sinh mà cuộc sống có ý nghĩa ngay cả trong việc con người lao động hăng say, hết mình với công việc của mình. Qua đó mỗi người đọc xác định được cho mình lí tưởng sống, sống có ý thức và trách nhiệm. Khi tất cả đều sống trọn vẹn với trách nhiệm thì cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
+ Tác phẩm chứa những "ngọn lửa" ấm nóng của tình yêu thương, tình cảm giữa con người với con người, con người với quê hương đất nước.
Dẫn chứng: Tác phẩm Bếp lửa, Con cò, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ,... tiếp lửa cho con người về một lẽ sống giàu tình cảm, bao dung, biết gắn kết với quê hương đất nước và những người xung quanh.
- Để nhận ra "ngọn lửa" trong mỗi trang đọc, người đọc cần phải đọc sách với tình cảm say mê, hào hứng, biết đặt mình vào nhân vật để suy tư, chiêm nghiệm. Khi đó, lẽ sống đẹp trong từng trang sách mới chạm được đến trái tim mỗi người đọc, không còn hiện tượng thờ ơ với sách.
3. Đánh giá nhan đề
- Ý kiến bàn về "ngọn lửa"- tình yêu, niềm khao khát được sống có ích được nhóm lên từ trang sách đã cho người đọc thấy được mối quan hệ giữa người đọc và tác phẩm.
- Một tác phẩm chân chính sẽ khơi gợi nơi người đọc những ý nghĩa sâu sắc để cuộc sống con người hoàn chỉnh và trọn vẹn hơn.
- Một người đọc chân chính sẽ biết đúc rút những kinh nghiệm, những bài học từ trang sách để hướng mình đến những chân giá trị của cuộc sống.
Hình thức:
- Bài viết có đầy đủ 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.
- Bài làm đúng kết cấu bài văn nghị luận, sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận.
- Bài viết không mắc lỗi đặt câu, diễn đạt và chính tả.
- Bài làm sáng tạo và giàu cảm xúc.
Nguồn: Hệ thống giáo dục HOCMAI
Thầy Nguyễn Cao Cường, giáo viên dạy Toán của trường THCS Thái Thịnh, Hà Nội cho rằng, những ngày cuối học sinh không...