HS lớp 12 phân vân thi tốt nghiệp 4 hay 5 môn
Mặc dù rất hào hứng với dự thảo mới về đánh giá tốt nghiệp THPT của Bộ GD - ĐT, nhưng các học sinh lớp 12 vẫn đang tranh cãi nên lựa chọn phương án thi nào.
Sau khi dự thảo của Bộ GD - ĐT về đổi mới đánh giá tốt nghiệp THPT được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến dư luận, nhiều học sinh lớp 12 rất ủng hộ quan điểm này. Tuy nhiên, Bộ GD - ĐT lại đưa ra hai phương án thi tốt nghiệp, khiến các học sinh lớp 12 bàn luận sôi nổi.
Nhiều học sinh ủng hộ thi tốt nghiệp 4 môn
Hoàng Việt Trinh - học sinh lớp 12 Anh 1, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) chia sẻ: “Thay đổi này sẽ giúp chúng em ôn luyện tốt hơn cho kỳ thi đại học, không bị tốn nhiều thời gian cho việc học các môn khác và chắc chắn sẽ đạt điểm cao hơn”.
Khi được hỏi nếu được chọn một trong hai phương án, nữ sinh này cho rằng mặc dù Ngoại ngữ là môn học rất quan trọng nhưng Bộ GD - ĐT vẫn nên tổ chức thi 4 môn.
Việt Trinh chia sẻ: “Từ đầu năm học, các bạn học sinh đều ôn thi Ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm, không có kỹ năng về viết luận. Vì vậy, các bạn sẽ gặp khó khăn nếu thi 5 môn. Vì vậy, phương án một sẽ công bằng hơn đối với tất cả học sinh. Những bạn chuyên ngữ vẫn có thể tham gia thi để cộng điểm mà không ảnh hưởng đến kết quả chung”.
Hoàng Việt Trinh (học sinh lớp 12 Anh 1, THPT chuyên Lê Hồng Phong) ủng hộ phương án thi tốt nghiệp 4 môn
Đồng quan điểm, Nguyễn Cao Kỳ Duyên (lớp 12 Pháp, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) bày tỏ: "Theo mình, thi tốt nghiệp THPT chỉ cần 4 môn là đủ, vừa giảm áp lực thi cử, vừa giúp các học sinh có điều kiện ôn thi đại học tốt hơn".
Bên cạnh đó, nữ sinh này thắc mắc tại sao Bộ GD - ĐT không để Ngoại ngữ là một trong số những môn tự chọn. Như vậy sẽ công bằng hơn đối với các học sinh chuyên ngữ.
Tuy nhiên, một số học sinh lại cho rằng cần tổ chức kỳ thi theo phương án 5 môn trong đó ba môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, còn lại là hai môn tự chọn.
Tiêu biểu, Phạm Quốc Đạt - học sinh lớp 12 Toán trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP.Vũng Tàu chia sẻ: “Nước ta đang trong thời kỳ hội nhập nên Ngoại ngữ rất quan trọng. Vì vậy, Bộ GD - ĐT nên đưa môn này vào diện bắt buộc thay vì chỉ để cộng điểm. Như vậy các bạn cũng có ý thức hơn trong việc học Ngoại ngữ”.
Nam sinh chuyên Toán Phạm Quốc Đạt lại muốn Ngoại ngữ trở thành một trong ba môn bắt buộc
Cần thực hiện ngay từ năm 2014
Mặc dù chỉ còn vài tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra, nhưng đa số các bạn học sinh lớp 12 đều cảm thấy hào hứng với dự thảo này và hy vọng sẽ đưa vào thực hiện ngay từ năm nay.
“Em thấy thay đổi này là luồng gió mới của nền giáo dục, rất thiết thực với quyền lợi của học sinh. Điều đó sẽ giúp chúng em giảm áp lực trong học tập và thi cử hơn rất nhiều”, nam sinh chuyên Toán chia sẻ.
Còn Việt Trinh sau khi biết được thông tin này đã lập tức chọn được môn thi tốt nghiệp: “Nếu dự thảo được thực hiện, em sẽ chọn Địa lý và Sinh học. Ngoài ra, em sẽ thi thêm tiếng Anh để được cộng điểm”.
Ngoài ra, các học sinh đều băn khoăn về việc xét tốt nghiệp sẽ bao gồm kết quả năm học lớp 12 liệu có đảm bảo sự công bằng, bởi việc học, thi, điểm số của mỗi trường không thể đồng đều. Vì vậy, Bộ GD - ĐT cần xem xét kỹ lưỡng để đảo bảo quyền lợi của học sinh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, dự thảo này sẽ được soạn thảo thành quy chế thi và công nhận tốt nghiệp THPT và công bố chậm nhất vào tháng 4.
Sau khi tìm hiểu về dự thảo này, cô Bùi Nguyệt Hồng - giáo viên dạy Văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định - rất đồng tình với phương án thi 4 môn. Cô cho rằng: “Đây là tín hiệu vui đối với học sinh lớp 12 vừa giảm áp lực thi cử khi các em không phải học các môn trái ban, vừa đỡ tốn kém trong quá trình ôn thi”.
Mặc dù vậy, giáo viên này cũng tỏ ra băn khoăn về quy định miễn thi tốt nghiệp, cần có hướng dẫn cụ thể chặt chẽ để tránh tiêu cực.
Một giáo viên dạy Lịch sử tại Hà Nội cũng ủng hộ cách thi tốt nghiệp chỉ gồm 4 môn. Cô giáo này cho rằng, để thực hiện phương án mới, cần thay đổi nội dung giảng dạy, phân phối chương trình hợp lý giữa các môn bắt buộc và tự chọn. Vì hiện tại, các học sinh vẫn thường có tư duy thi gì học nấy.
Đứng trên phương diện một dạy Lịch sử, cô lại tỏ ra khá buồn và chia sẻ: “Nếu không phải là môn thi bắt buộc thì chắc chắn các em không bao giờ học Lịch sử”.