Hơn 1 triệu thí sinh cả nước hồi hộp làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT 2024
Chiều 26/6, hơn 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế thi. Đây cũng là lứa học sinh cuối cùng học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Kỳ thi năm nay vẫn được tổ chức trên phạm vi cả nước, giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023 với quy mô hơn 1 triệu thí sinh dự thi.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 lưu ý: Với một kỳ thi trên diện rộng, vốn phức tạp và nhạy cảm như Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các địa phương không được lơ là, chủ quan để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.
“Chỉ dựa vào kinh nghiệm dễ gây chủ quan và dẫn tới sai sót. Do đó, các địa phương cần rà soát kỹ lưỡng các điều kiện, nội dung, nhiệm vụ và đặc biệt là có kịch bản dự phòng, để trong bất kỳ tình huống nào cũng không bị động”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.
Học sinh Lan Uyên cùng bạn tại điểm thi Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: Thạch Thảo
Năm nay, Hà Nội có hơn 108.500 thí sinh đăng ký dự thi tại gần 200 điểm. Để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, thành phố đã điều động khoảng 15.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi.
Ban Chỉ đạo thi TP Hà Nội quyết tâm không để xảy ra sai sót. 100% điểm thi tốt nghiệp THPT được kiểm tra kỹ lưỡng, không bỏ sót bất kể khâu nào.
Thí sinh xem thông tin tại điểm thi Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: Thạch Thảo
13h30 tại điểm thi Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, nhiều học sinh có mặt sớm trong ngày làm thủ tục nhận phòng thi. Học sinh Lan Uyên bày tỏ: “Suốt một tuần qua, em khá hồi hộp cho kỳ thi quan trọng này. Tuy nhiên, đến hôm nay, em đã lấy lại bình tĩnh”. Nữ sinh đặt kỳ vọng nhiều vào môn Hóa học vì đó là môn chuyên của mình.
Ông Hoàng Khởi Lai, Trưởng điểm thi Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, cho biết điểm thi có 31 phòng với 744 thí sinh. Trong chiều nay, thí sinh đã đến nhận phòng thi và lắng nghe quy chế. Trước đó, các cán bộ coi thi cũng đã được tập huấn để nhận biết, nhận dạng các thiết bị gian lận nhằm quay chụp, thu phát thông tin.
"Để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, suôn sẻ, điểm thi cũng bố trí 2 công an vào vòng trong, số lượng công an vòng ngoài được bố trí tùy theo sự sắp xếp của quận", ông Lai nói.
Học sinh Nguyễn Xuân Khánh (Trường THPT Trí Đức) cho biết: “Em đến điểm thi ở quận Nam Từ Liêm từ khá sớm vì nhà ở Thanh Xuân nên đi xa sợ tắc đường. Mục đích của kỳ thi vừa để tốt nghiệp THPT vừa dùng kết quả xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội nên em hơi hồi hộp. Em dự thi khối A0, năm ngoái lấy điểm chuẩn 24 nên em sẽ cố gắng hết sức".
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Quang Trung (Hà Nội) chờ nghe các giám thị thông báo quy chế. Ảnh: Phạm Hải
Em Nguyễn Chí Minh Tâm (Trường THPT Marie Curie) khá tự tin: “Em dùng kết quả xét tuyển vào ĐHQG Hà Nội, khối D1. Em khá thoải mái, không lo lắng gì vì đã chuẩn bị kỹ càng về mặt kiến thức. Hơn nữa, bố mẹ không áp lực cho em phải đạt điểm cao hay trúng tuyển trường này, trường khác. Em kỳ vọng được khoảng 24 điểm khối D1 để vào trường mơ ước”.
Hà Kiên Trung (Trường THPT Nhân Chính) bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với tâm thế không quá áp lực. Trung đã đủ điểm trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm vào ngành Kinh tế của Trường ĐH Thương mại và ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội. Do đó, Trung chỉ cần đủ điểm đỗ tốt nghiệp THPT là hoàn thành nhiệm vụ. Tuy vậy nam sinh vẫn đặt quyết tâm đạt điểm cao nhất có thể.
Tại điểm thi Trường THCS Thanh Xuân (Hà Nội), những thùng để đồ dùng, vật dụng cá nhân của thí sinh được bố trí đầy đủ, nghiêm ngắn. Ảnh: Thanh Hùng
Sau 14h, các thí sinh được gọi vào phòng, ổn định chỗ ngồi và lắng nghe quy chế. Ảnh: Thạch Thảo
Các em có thể đưa ra câu hỏi về quy chế để yên tâm bước vào kỳ thi. Ảnh: Phạm Hải
Các thí sinh tập trung tìm hiểu, kiểm tra thông tin. Ảnh: Thạch Thảo
Nếu phát hiện sai sót thông tin, thí sinh có thể báo với các thầy cô tại điểm thi để điều chỉnh kịp thời. Ảnh: Thạch Thảo
Tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội). Video: Xuân Quý
Tại tỉnh Nam Định, gần 22.000 thí sinh đăng ký dự thi, tăng khoảng 1.500 so với năm trước. Toàn tỉnh có 36 điểm thi với 931 phòng; số lượng cán bộ thực hiện công tác trông thi gần 2.800 người; số lượng công an, bảo vệ, phục vụ, y tế… khoảng 650 người.
Các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Trần Văn Lan (Nam Định). Ảnh: Phạm Tùng
Trước đó, Sở GD&ĐT Nam Định đã tổ chức 2 đợt thi thử tốt nghiệp THPT vào các ngày 16-17/5 và 14-15/6 giúp các trường cùng các em học sinh đánh giá và điều chỉnh kế hoạch ôn tập tốt nhất cho kỳ thi.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện, thực hiện đúng quy định, quy chế tổ chức thi để xử lý linh hoạt, hiệu quả những vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
Trong khi đó, TP.HCM có hơn 90.000 thí sinh dự thi tại 162 điểm với tổng số 3.800 phòng. Thành phố huy động 15.900 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia phục vụ kỳ thi. Trước khi diễn ra kỳ thi 1 tuần, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức các đoàn kiểm tra cơ sở vật chất và công tác chuẩn bị ở tất cả các khâu, đảm bảo công tác phối hợp an toàn, thông suốt. Sở cũng đã xây dựng các phương án, tình huống có thể xảy ra trong quá trình thi để chủ động ngay từ đầu.
Nhiều thí sinh có mặt tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) để làm thủ tục thi. Ảnh: Nguyễn Huế
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, nếu quên giấy tờ, thẻ dự thi, thí sinh có thể vào trình bày với trưởng điểm thi để được giải quyết. Việc chạy về lấy giấy tờ sẽ gây ra tâm trạng căng thẳng, áp lực không đáng có khiến các em không thể làm tốt bài thi.
Ông Hiếu lưu ý thí sinh nhớ 6 vấn đề:
Thứ nhất, không được phép mang những vật dụng gồm giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn, vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.
Thứ hai, đem theo thẻ dự thi để trình cho cán bộ trông thi; ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh của mình.
Thứ ba, trước khi làm bài thi, thí sinh phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin của mình vào đề thi, giấy thi, phiếu TLTN, giấy nháp.
Thứ 4, trong thời gian ở phòng thi phải giữ trật tự; báo cáo ngay cho cán bộ trông thi khi người khác chép bài của mình hoặc cố ý can thiệp vào bài của mình.
Thứ 5, không được rời khỏi phòng thi đến khi hết thời gian làm bài trắc nghiệm; đối với thi tự luận, thí sinh được ra khỏi phòng thi và khu vực thi khi hết 2/3 thời gian, phải nộp bài thi kèm đề, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi.
Thứ 6, có hiệu lệnh hết giờ làm bài, ngừng làm bài ngay. Khi nộp bài thi tự luận, phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi.
“Thầy chúc tất cả các em sẽ có được một kết quả mà mình mong muốn trong kỳ thi này", Giám đốc Sở GD- ĐT TPHCM chúc thí sinh.
Các thí sinh được hướng dẫn xếp hàng gửi đồ tại khu vực cách các phòng thi 50m. Ảnh: Nguyễn Huế
Thí sinh mang theo căn cước công dân, giấy báo, kiểm tra và nghe phổ biến quy chế thi, nhận giấy dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Nguyễn Huế
Thí sinh cần rà soát toàn bộ thông tin trên thẻ dự thi, trong đó chú ý thông tin cá nhân và phần đăng ký môn thi, bài thi. Ảnh: Nguyễn Huế
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, có 3 thí sinh thuộc trường hợp đặc biệt. Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, 1 thí sinh phải nằm dự thi do viêm tủy. Tại điểm thi Trường THPT Thủ Đức, 1 thí sinh bị bỏng độ 2, không thể viết bài thi tự luận. Điểm thi Trường THPT Củ Chi có 1 thí sinh bị gãy tay. Những thí sinh này được bố trí thi ở phòng dự trữ. Điểm thi cử cán bộ trông thi thực hiện chép bài thay thí sinh. Phòng thi có gắn camera giám sát.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 27/6 với môn thi Ngữ văn kéo dài 120 phút. Buổi chiều cùng ngày, thí sinh tiếp tục làm bài thi môn Toán. Ngày 28/6, buổi sáng, thí sinh làm bài thi Khoa học Xã hội hoặc Khoa học Tự nhiên, buổi chiều làm bài thi môn Ngoại ngữ.
Năm nay, chỉ 37% thí sinh chọn bài thi Khoa học Tự nhiên, còn lại 63% chọn bài thi Khoa học Xã hội. So với năm ngoái, số thí sinh chọn bài thi Khoa học Xã hội tăng và cao nhất kể từ năm 2017 năm trở lại đây.
Đa phần các thí sinh đều có tâm lý thoải mái trong chiều làm thủ tục, chuẩn bị cho kỳ thi bắt đầu vào ngày mai. Ảnh: Phạm Tùng
Ảnh: Phạm Hải
Ảnh: Thạch Thảo
Ảnh: Nguyễn Huế
Gần 100 thí sinh Quảng Ninh hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ ăn, nghỉ tại điểm thi. Theo đó, Chủ tịch UBND huyện Hải Hà, Quảng Ninh ông Hồ Đức Quang cho biết, trên địa bàn huyện có 97 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa điểm thi nên được hỗ trợ ăn, nghỉ tại điểm trường THPT Quảng Hà. Theo đó, Huyện đoàn Hải Hà đã tổ chức xin hỗ trợ 408 suất cơm để phục vụ các bữa chính trong 3 ngày thi cho những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, các trường trên địa bàn bố trí chỗ nghỉ, các thôn bản, khu phố, hội cha mẹ học sinh sẽ hỗ trợ xe đưa đón thí sinh.
97 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Hải Hà được hỗ trợ ăn, nghỉ trong kỳ thi. Ảnh: Đ.X "Là một huyện có nhiều con em là đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương đang dành sự quan tâm đặc biệt nhất cho các sĩ tử này để không có thí sinh nào phải ở lại phía sau”, ông Quang cho biết. Trong kỳ thì này, Tỉnh đoàn Quảng Ninh thành lập 64 đội hình thanh niên tình nguyện tham gia chương trình tiếp sức mùa thi, cùng với đó là hàng trăm suất ăn miễn phí cho sĩ tử có hoàn cảnh khó khăn. Hơn 2.000 Đoàn viên, thanh niên của 64 đội hình thanh niên tình nguyện đã triển khai chương trình tiếp sức mùa thi hỗ trợ thí sinh và phụ huynh tại 37 điểm thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Quảng Ninh có 18.000 thí sinh đăng ký dự thi, tăng 1.979 thí sinh so với năm trước. Phạm Công |
Thí sinh đến điểm thi muộn, nhưng vẫn còn trong khung thời gian cho phép thì các điểm thi vẫn phải cho các em vào dự thi bình thường. Thí sinh nếu có lỡ quên giấy tờ tùy thân, thẻ dự thi thì không nên quay về nhà để lấy.
Nguồn: [Link nguồn]