Hôm nay, học sinh trở lại trường học: An toàn là trên hết

Sự kiện: Giáo dục

Hôm nay (7/2), các địa phương trên toàn quốc cho học sinh tới trường học trực tiếp. Các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục khuyến cáo phụ huynh cần chuẩn bị kỹ tâm lý cho học sinh, không kỳ thị F0 trong trường học.

Trường học sẵn sàng

Theo Bộ GD&ĐT, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã hoàn tất kế hoạch cho học sinh THCS -THPT đi học trực tiếp từ ngày 7-14/2. Hầu hết các địa phương cũng cho học sinh tiểu học, trẻ mầm non đi học trở lại trong tháng 2.

Đặc biệt, TPHCM có kế hoạch cho cả trẻ mầm non, học sinh tiểu học đến trường từ ngày 14/2; học sinh lớp 7-12 đi học từ ngày 7/2.

Toàn bộ học sinh TPHCM đến trường từ 14/2

Hôm nay 7/2 (tức mồng 7 Tết), tại TP HCM, hàng trăm ngàn học sinh từ khối 7-12 trở lại trường học tập trực tiếp như kế hoạch đã thực hiện trước đó. Dự kiến đến ngày 14/2, tất cả học sinh ở địa phương này sẽ mở cửa trường học đón các em đến học trực tiếp bình thường. Theo UBND TPHCM, trẻ mầm non, tiểu học và lớp 6 học trực tiếp từ ngày 7/2 trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ trẻ, người chăm sóc và học sinh, lộ trình như sau: Từ 7/2, cơ sở giáo dục thực hiện công tác chuẩn bị đón trẻ và học sinh đi học trực tiếp; Từ 10- 13/2, cơ sở giáo dục tổ chức họp phụ huynh học sinh triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc trẻ, tập huấn công tác chống dịch COVID-19; Từ 14/2, tổ chức đón trẻ mầm non và tiểu học đến trường, trường hợp cha mẹ học sinh chưa đồng thuận thì học sinh tiếp tục học trên môi trường internet, trên truyền hình...

Nguyễn Dũng

Sở GD&ĐT Hà Nội thông báo các trường học cho học sinh từ lớp 7-12 trên toàn TP đến trường ngay sau kỳ nghỉ Tết. Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện, thị xã ngoại thành đi học trở lại từ ngày 10/2. Học sinh từ lớp 1-6 của 12 quận tiếp tục học trực tuyến. Trẻ mầm non ở nhà.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết để việc tổ chức dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn, trước đó Hà Nội đã ban hành hướng dẫn liên ngành Giáo dục - Y tế để các trường có căn cứ thực hiện; các trường chỉ tổ chức dạy học trực tiếp tại các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2. Học sinh cư trú tại địa bàn có mức độ dịch mức độ 3, mức độ 4 ở nhà học trực tuyến.

Ngoài ra, trường học phải đạt yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 mới được mở cửa dạy trực tiếp. "Mở cửa trường học để học sinh được học tập trực tiếp, tương tác với thầy cô, bạn bè và nhiều hoạt động có ý nghĩa khác. Do đó, tôi mong phụ huynh học sinh cùng đồng hành với nhà trường và ngành Giáo dục thủ đô cùng thực hiện nghiêm quy tắc 5K, cùng giám sát và thực hiện một cung đường 2 điểm đến đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường", ông Cương nói.

Một cung đường hai điểm đến

Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT Ba Vì (Hà Nội), cho biết địa phương cho học sinh lớp 9 đi học trực tiếp từ đầu tháng 11 đến nay chưa có trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong trường học. Để đạt được điều đó, các lớp học phải tuân thủ quy tắc 5K, học sinh đeo khẩu trang suốt thời gian đi học, trong lớp học, khi về nhà.

Ông Oanh nói rằng, để chuẩn bị cho học sinh lớp 1 đến lớp 12 tới trường, Phòng GD&ĐT yêu cầu các trường lưu ý phụ huynh theo dõi sát yếu tố dịch tễ, tình trạng tiếp xúc của học sinh. Nếu ở nhà con đã có tiếp xúc với F0, có biểu hiện bất thường như nhiệt độ cao, ho, sốt... phụ huynh để con ở nhà theo dõi, không đưa đến trường, tránh lây nhiễm cho các bạn. "Các trường THCS đã có kinh nghiệm trong tổ chức dạy học lớp 9 từ nhiều tháng nay. Qua khảo sát có gần 100% phụ huynh mong muốn cho con tới trường học trực tiếp. Riêng bậc tiểu học, các trường cũng được yêu cầu thực hiện nghiêm 5K, tổ chức dạy 1 buổi/ ngày. Ví dụ khối 1-4 học buổi sáng; khối 2-3 học buổi chiều. Các lớp học được bố trí cách nhau và mỗi lớp không quá 35 học sinh", ông Oanh nói.

Phó trưởng Phòng GD&ĐT Sóc Sơn (Hà Nội) Tống Minh Kiều cũng nói các trường đã gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất; phòng y tế; phòng cách li đầy đủ thiết bị... đồng thời diễn tập các tình huống đón học sinh, phân luồng, phát hiện, xử lý F0... Giáo viên đề nghị cha mẹ phối hợp nhà trường quản lý chặt chẽ để tổ chức và quản lý học sinh học ở trường, ở nhà cũng như đi lại hàng ngày từ nhà đến trường và từ trường về nhà đảm bảo an toàn, không la cà, tiếp xúc nhiều nơi.

Bà Đỗ Thị Hương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Việt Yên (Bắc Giang) cho hay để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, các trường đều phối hợp cơ sở y tế lấy mẫu xét nghiệm tầm soát, có nơi xét nghiệm 100% cho cán bộ, giáo viên, học sinh. Phụ huynh cũng được yêu cầu lưu ý thực hiện quy tắc 5K và một cung đường 2 điểm đến đối với học sinh.

TP Thanh Hóa: 166 F0 là giáo viên, học sinh

Tính đến trưa 6/2, có 11 giáo viên và 155 học sinh tại các trường học trên địa bàn thành phố Thanh Hoá nhiễm virus SARS-CoV-2. Các trường hợp này đang được cách ly điều trị tại nhà hoặc các cơ sở y tế. Ngoài ra, toàn thành phố có 853 học sinh là F1 đang được cách ly y tế tại nhà. Các nhà trường đang tổ chức test nhanh tầm soát COVID-19 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh hoặc tuyên truyền, vận động phụ huynh chủ động xét nghiệm tầm soát cho con em mình trước khi học sinh trở lại trường học để tránh làm lây lan dịch bệnh. Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa, ngày 6/2, tỉnh này ghi nhận 300 bệnh nhân mắc COVID-19 mới.

Hoàng Lam

TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa các Khoa học giáo dục (ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) nói, tâm thế của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến con. Nếu con đi học, cha mẹ luôn lo lắng, bực tức con cũng sẽ lo lắng, áp lực khi đến trường. Ngược lại, nếu cha mẹ bình tĩnh, tự tin, tích cực con cũng sẽ tự tin, sẵn sàng quay lại trường học. Tuy nhiên, cha mẹ cần trang bị cho con đủ thông tin về dịch bệnh hiện nay, về hoạt động trường học, tái thiết lịch trình ăn ngủ, học tập của các con, đồng thời giảm bớt các hoạt động online của con...

TS Nam khẳng định, trong giai đoạn này học sinh, phụ huynh không tránh khỏi tâm lý lo lắng về dịch bệnh. Do đó, cần truyền thông một cách rõ ràng về tình trạng dịch, chúng ta đã tiêm chủng tỉ lệ cao, hướng tới đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, khi đến trường sẽ vẫn có tình trạng 1-2 ca nhiễm nhưng cần ứng xử như bệnh cúm, không kỳ thị học sinh nhiễm bệnh. Ngay cả phụ huynh cũng cần hiểu rõ thực tế, tránh tình trạng gây áp lực với giáo viên, trường học khi xuất hiện ca nhiễm.

Ngoài ra, thời điểm này các trường học cần kích hoạt các buổi nói chuyện, lắng nghe, thấu hiểu học sinh xem các em cần gì, khó khăn ra sao để tư vấn kịp thời. Hiện nay, không phải trường học nào cũng có tổ tư vấn tâm lý học đường, cần cập nhật các bài nói chuyện dưới dạng học liệu số; kết nối chuyên gia nói chuyện, hỗ trợ tâm lý học sinh để các em đến trường không gặp khó khăn, rào cản về mặt tâm lý.

Nguồn: [Link nguồn]

Học sinh Hà Nội đến trường sau một năm học ở nhà, phụ huynh cần chuẩn bị những gì?

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình Sơn, Hội tâm lý học Giáo dục Hà Nội cho rằng sau gần một năm học sinh Hà Nội ở nhà, học...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN