Hội chứng cô đơn giữa gia đình: Nguyên nhân gây rối nhiễu tâm lý ở trẻ từ trong gia đình
Theo các chuyên gia, từ sự cô đơn của xã hội hiện đại dẫn đến căn bệnh trầm cảm chỉ cách một bước chân. Khi nghiên cứu chứng bệnh trầm cảm và rối nhiễu tâm lý ở trẻ em, các chuyên gia phát hiện một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ sự cô đơn của trẻ trong gia đình.
Theo các chuyên gia, môi trường gia đình là môi trường sống gần gũi nhất đối với đứa trẻ. Đây là cái nôi ươm mầm hạt giống và tưới tắm cây xanh lý tưởng nhất nhưng cũng là là nơi khiến trẻ dễ bị tổn thương nhất.
Các chuyên gia đã chỉ ra một số yếu tố mang tính chất nguy cơ cao từ trong gia đình như vị trí của trẻ trong gia đình, sự thiếu hụt tình cảm do trẻ không đủ quan hệ tương tác với bố mẹ, gián đoạn quan hệ mẹ con hoặc người mẹ gặp bất thường về mặt tâm lý tình cảm...
Cẩu thả trong quan hệ với con trẻ cũng được coi là một hình thức ngược đãi trẻ em. Ảnh minh họa
Ngày nay, vấn đề trẻ thiếu hụt tình cảm của mẹ rất được quan tâm và giữ vị trí ưu tiên hàng đầu. Ngoại trừ những hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ ly dị hay do vắng mẹ, do mồ côi ...thì nguyên nhân bố mẹ ít quan hệ giao tiếp tương tác được coi là phổ biến và đáng báo động nhất.
Không ít cha mẹ vì quá coi trọng công việc cá nhân mà họ quên đi trách nhiệm giáo dục con trẻ, đơn giản chỉ là giao tiếp hàng ngày. Với suy nghĩ rằng, chỉ cần nhiều tiền thì con họ sẽ đáp ứng được mọi thứ của cuộc sống. Vì vậy mà có những đứa trẻ ấy cứ cảm thấy cô đơn, chán nản, buồn phiền thậm chí là mất niềm tin vào cha mẹ.
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, đây là một hiện tượng cần báo động trong cuộc sống gấp gáp của xã hội hôm nay. Nhiều ông bố bà mẹ vì mải tìm kiếm những cái lợi trước mắt mà quên mất thứ tài sản đáng giá nhất đó chính là những đứa con. Nếu một người ở đỉnh cao của sự thành đạt, hoặc giàu có nhà lầu xe hơi...nhưng con cái hư hỏng, gia đình thiếu hạnh phúc thì cuối cùng những thứ đó cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Theo các chuyên gia tâm lý, một hiện tượng đáng báo động hiện nay đó là cách nuôi dạy con của các bậc cha mẹ đang có vấn đề. Họ quá chú trọng đến dưỡng chất mà bỏ quên đời sống tinh thần của con trẻ. Hệ quả là, những đứa trẻ thừa dưỡng chất, thiếu yêu thương sẽ phát triển không hoàn thiện, thậm chí méo mó về tâm hồn, lệch lạc trong nhận thức. Họ không hay biết rằng, việc cha mẹ quan tâm, chăm sóc, trò chuyện với con hàng ngày mới chính là thứ “dưỡng chất” tuyệt vời nhất để đứa trẻ phát triển hoàn thiện.
Nhìn vào mặt bản chất thì tình trạng bố mẹ để trẻ rơi vào trạng thái cô đơn giữa gia đình là một hình thức bỏ rơi trẻ. Ở đây là bỏ rơi về mặt tinh thần. Thực tế có những gia đình không quan tâm đầy đủ, cẩu thả trong quan hệ với trẻ, dẫn tới trẻ cô đơn trong gia đình một thời gian dài không được phát hiện.
Ở một số nước tiên tiến, nơi mà trẻ em được bảo vệ một cách nghiêm ngặt, họ quan niệm rằng, trẻ bị thiếu hụt tình cảm và cô đơn trong gia đình được xem là một hình thức ngược đãi trẻ em, đòi hỏi những can thiệp y tế – xã hội thích hợp.
Gia đình chính là điểm tựa vũng chắc, là nền móng cho sự hình thành và phát triển nhân cách, tâm hồn. Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia, gia đình chính là điểm tựa vững chắc, nền móng cho sự hình thành và phát triển những phẩm chất nhân cách cần thiết. Nếu như các em ít được giao tiếp thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của trẻ. Mỗi đứa trẻ khi sinh ra thì gia đình chính là cái nôi đầu tiên để hình thành nên những giá trị.
Sự giao tiếp giữa cha mẹ và con cái ở mọi lứa tuổi trong gia đình đều rất quan trọng. Đối với trẻ em, giao tiếp chính là yếu tố quyết định nhân cách. Thông qua giao tiếp các em sẽ cảm thấy cha mẹ chính là điểm tựa, là niềm vui và bảo đảm cho sự an toàn của mỗi cá nhân. Thông qua giao tiếp mà ngôn ngữ các em được phát triển tốt, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được kết dính bền vững. Ngược lại, các em sẽ cảm thấy cô đơn và chán chường với chính người thân của mình, thậm chí là trẻ mất niềm tin.
Bởi vậy, theo các chuyên gia, dù bận rộn thế nào đi nữa, người lớn có thể kiếm nhiều tiền nhưng con cái không nghe lời, chống đối cha mẹ thì cũng đều là thất bại. Mỗi ngày, chúng ta dành cho còn trẻ một thời gian nhất định và cho con những niềm vui để con được tận hưởng cảm xúc hạnh phúc, vui vẻ trong gia đình. Mỗi ngày chúng ta không giao tiếp với con thì chúng ta đang nới rộng khoảng cách trong gia đình và đó là nguy cơ mà người lớn phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, giao tiếp còn để phát huy sở trường con trẻ, định hướng cho con những bài học giá trị, là điều kiện để cha mẹ rút kinh nghiệm cho bản thân mình trong nuôi dạy trẻ. Cha mẹ hãy cùng học, cùng chơi với con, đối thoại với con, lắng nghe con nói, tạo ra những hoạt động hấp dẫn, tươi vui trong bầu không khí tâm lý ấm cúng của gia đình. Hãy thường xuyên quan tâm, động viên, hỏi han con cái mỗi ngày, ở mọi thời điểm, bằng các phương tiện. Giao tiếp luôn là nhân tố quyết định cho sự hình phát triển nhân cách, là nền tảng để hình thành những phẩm chất cần thiết cho trẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Những kinh nghiệm nuôi con thực tế được chia sẻ từ các bà mẹ ở Mỹ sẽ khiến cho "cuộc chiến" nuôi con trở nên...