Học trò xứ Nghệ: Học giỏi để vượt khó
Năm nay là năm thứ hai liên tiếp Nghệ An có số học sinh đậu vào các trường đại học cao nhất cả nước. Trong số 22 ngàn tân sinh viên xứ Nghệ có nhiều em hoàn cảnh hết sức khó khăn. Có em mồ côi cả cha lẫn mẹ, có em suốt ngày phải cùng mẹ cha gồng lưng kiếm miếng cơm, manh áo... Khó khăn luôn hiện hữu, nhưng sự nỗ lực hết mình, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, bà con lối xóm đã chắp cánh cho các em đến giảng đường.
Nhịn đói đến trường vẫn đỗ thủ khoa
Được nghe thầy cô, bạn bè kể về hoàn cảnh của Hà Văn Tứ, ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An từ trước nhưng khi tận mắt chứng kiến gia cảnh của em, mắt tôi bỗng cay xè. Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ với vật dụng chẳng có gì để phục vụ việc học nhưng Tứ vẫn vượt nghèo để trở thành thủ khoa Đại học Quân y trong kỳ thi đại học vừa qua. Năm Tứ vào học lớp 10, mẹ bị tai nạn giao thông qua đời, anh trai Tứ đang học đại học ở Hà Nội phải nghỉ học về quê để cùng cha đỡ đần cuộc sống.
Hằng ngày, anh Hà Văn Đông (cha Tứ) lao động quần quật để nuôi con. Lao tâm, lao lực nhiều nên anh Đông sinh bệnh, từ đó hoàn cảnh của gia đình em Tứ càng khó khăn. Trời vào đông, rét cắt da cắt thịt vùng miền núi, Tứ đến trường phải mặc áo mưa cho đỡ rét. Nhiều sáng đến trường phải nhịn đói. "Thương cha nên phải cố học thật giỏi" - Tứ bảo vậy. Suốt 3 năm học phổ thông em đều đạt học sinh xuất sắc với điểm tổng kết 9,7 điểm.
Trước kỳ thi đại học, anh Đông hỏi Tứ: "Con thi trường mô?”. Tứ trả lời cha: "Con thi vào Đại học Quân y để ra trường có thể chữa bệnh cho nhiều người nghèo như cha con ta, mà trong quá trình học cha cũng khỏi phải lo tiền học cho con".
Rời Tân Kỳ, tôi ngược lên xã Long Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An gặp em Trần Văn Đức. Cậu học trò mồ côi cả cha lẫn mẹ cầm 2 giấy báo trúng tuyển Đại học Y Dược Huế và Đại học Kinh tế quốc dân mắt nhoà lệ đặt lên bàn thờ cha mẹ. Cha Đức, ông Trần Văn Tam từng là chiến sĩ lăn lộn khắp chiến trường miền Nam. Hoà bình, ông Tam về quê lấy vợ sinh con. Những trận đòn thù của địch khi ông bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo vẫn thường hành hạ ông khi trái gió trở trời. Năm 1994, ông Tam bạo bệnh qua đời khi Đức mới 5 tuổi.
UBND tỉnh Nghệ An trao thưởng cho thầy cô, học sinh đỗ điểm cao trong kỳ thi đại học.
Nỗi đau mất cha còn bỏng rát thì một năm sau mẹ Đức cũng qua đời. Từ đó 3 chị em Đức phải bọc lấy nhau để sống. Lúc mồ côi cha mẹ, chị cả học lớp 11, chị hai học lớp 9, còn Đức vào lớp 1. Khi mò cua, bắt cá, khi gặt lúa, cấy thuê, lao động quần quật suốt ngày nhưng chị em Đức đều học rất giỏi. Rồi 2 chị gái Đức cũng đã tốt nghiệp đại học. Còn Đức, em vẫn thường tự nhủ "học giỏi để xứng đáng công lao dưỡng dục của 2 chị".
Khi hỏi chọn trường nào để học, Đức trầm ngâm trả lời: “Giờ em phải học giỏi trường Y để ra trường còn có nhiều cơ hội đền đáp công ơn giúp đỡ của bà con, xóm làng. Bởi trong cuộc sống của 3 chị em nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, họ hàng, làng xóm thì chị em em dễ gì vượt qua được hoạn nạn, khó khăn".
Với tổng điểm 26,5 (Toán: 9, Lý: 8,5, Hóa: 9), Nguyễn Thị Ngọc, cô học trò nghèo ở xã Nam Xuân (Nam Đàn, Nghệ An) trở thành thủ khoa Trường Đại học Giao thông vận tải. Gia cảnh Ngọc hết sức khó khăn, nhà chỉ có vài sào ruộng, không có việc làm nên cha Ngọc phải vào tận Kiên Giang làm bảo vệ để kiếm tiền gửi về nhà lo việc học cho chị em Ngọc. Ngọc hiểu, mỗi đồng bạc của gia đình thấm đẫm bao mồ hôi, nước mắt của cha mẹ nên em học thật giỏi.
Học để vượt lên hoàn cảnh
Từ bao đời này, tích xưa về "cá gỗ" để nói đến những học trò xứ Nghệ nghèo đến nỗi phải dùng "cá gỗ". "Cá gỗ" thay cá thật để vừa tự khuyên chính bản thân phải thấy cái khổ để vươn tới cái sướng, vừa dùng để học trò bạn bè các tỉnh khỏi khinh khi chê nghèo đói. Tích xưa về "cá gỗ" ngày một phôi phai, song phải thừa nhận, cái nghèo, cái đói thì vẫn còn bủa vậy nhiều học trò xứ Nghệ ở các vùng quê. Song, mặc dù còn khó khăn, vất vả nhưng chính quyền địa phương xứ Nghệ luôn trăn trở với việc học tập của con em mình. Quả thật, chính sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương và các đoàn thể đã chắp cánh cho những học trò nghèo như Đức, như Ngọc, như Tứ... đến giảng đường đại học.
Khi đặt câu hỏi: Vì sao học trò xứ Nghệ học giỏi nhiều, đỗ đạt cao, chúng tôi đều nhận được câu trả lời kiểu như: "Không học thì biết mần chi"; "Không học chẳng lẽ lại đi cày như cha mẹ"; "Cả làng, cả nước họ lo học chứ chắc chi con mình"... Chính tư tưởng vượt nghèo, vượt khổ và "Thua trời một vạn không bằng thua bạn một ly" đã tạo cho vùng đất Nghệ An một phong trào học tập sâu rộng.
Kỳ thi đại học năm 2011, Nghệ An có lớp 12A1 Trường THPT Thanh Chương 1 có 100% em đỗ đại học, thì năm 2012, có hai lớp học ở Nghệ An có 100% em đỗ vào đại học. Với 22 ngàn em đỗ đại học, Nghệ An có số lượng học sinh đỗ đại học cao nhất cả nước. Trong đó có 9 em đỗ thủ khoa các trường đại học. Và hơn 1/2 trong số học sinh đỗ đại học chủ yếu vào các trường danh tiếng ở Hà Nội như Đại học Quân y, Y Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội...
Có lẽ chẳng có địa phương nào mà phong trào khuyến học lại sâu rộng như ở xứ Nghệ. Nơi đây, mỗi làng quê, mỗi dòng họ đều có hội khuyến học. Có những dòng họ ở vùng quê này, việc con em tốt nghiệp đại học, làm thạc sĩ, tiến sĩ để thành tài giống như một việc bắt buộc trước tổ tiên.
Mỗi làng quê, dòng họ đều thành lập quỹ khuyến học, phần thưởng cho con em trong họ nhiều khi chỉ là số tiền đủ chiếc vé xe, vé tàu đi nhập trường, nhưng em nào cũng cố gắng để giành được. Vì đó không chỉ là những đồng tiền đơn thuần mà các em đều muốn được thắp hương báo hiếu việc đỗ đạt trước bàn thờ họ.
Tôi thật bất ngờ và thán phục trước hoàn cảnh của anh Trần Đình Sơn ở xã Đồng Văn (Thanh Chương, Nghệ An). Suốt gần 30 năm anh nuôi vợ bị bạo bệnh, cày thuê cuốc mướn nhưng anh vẫn nuôi cả 4 con đều tốt nghiệp đại học. Giờ 4 đứa con đã trưởng thành. Khi hỏi về việc nuôi con anh nhẹ nhàng "cả cha con tui đều cố gắng". Được biết, hàng trăm đêm con miệt mài ngồi học, anh Sơn đều ngồi dùng quạt mo để đuổi muỗi cho con. Anh bảo "nếu mình đi ngủ sợ con cũng buồn ngủ theo". Ở xứ Nghệ, chuyện con ngồi học, cha mẹ ngồi chờ như anh Sơn là phổ biến.
Kết thúc phóng sự này, tôi xin mượn câu nói của nhiều bậc cao niên xứ Nghệ: "Học nhiều khi cũng chẳng phải để ông này, bà nọ, nhưng con cái học hành giỏi thì cha mẹ vui bởi chắc chắn hắn sẽ thành người có ích"
Tra cứu điểm thi, điểm chuẩn nhanh nhất tại diemthi.24h.com.vn Bạn muốn là người biết Điểm Chuẩn ĐH-CĐ 2012 Nhanh nhất, chính xác nhất! Hãy soạn tin: DC MÃTRƯỜNG NĂM gửi đến 8502 Ví Dụ: Để tra điểm chuẩn năm 2012 của trường ĐH Kinh tế quốc dân soạn tin: |