Học tiếng Đức, Nhật từ phổ thông để du học
Tiếng Nhật đã được giảng dạy từ năm 2005, còn tiếng Đức năm nay là năm đầu tiên triển khai ở cấp THCS tại TP.HCM nhưng số người học rất khan hiếm
Tiếng Đức và Nhật từ lâu được xem là khó và rất kén người học. nhưng bên cạnh ngoại ngữ chính là tiếng Anh, hiện hai thứ tiếng này được nhiều học sinh (HS) lựa chọn như một công cụ hỗ trợ cho hành trang du học.
Chủ yếu để du học
Xuất phát từ việc con rất thích đọc truyện tranh Nhật Bản và muốn sau này tìm học bổng du học Nhật, chị PB đã quyết định cho con theo học tiếng Nhật tại Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) từ lớp 6. “Thực sự chúng tôi không biết gì về tiếng Nhật nên không theo sát được việc học của con. Hiện tôi cho con học thêm tiếng Nhật ở trung tâm hai buổi/tuần và phải thuê gia sư dạy tiếng Anh tại nhà hai buổi/tuần để phòng hờ cho con thi cử về sau” - chị B. nói.
Một phụ huynh ở lớp 6 tiếng Đức của Trường THCS Lê Quý Đôn cũng cho hay gia đình xác định chỉ cho con học hết lớp 12 rồi đi du học Đức. “Lớp 6 chương trình cũng khá nhẹ, lúc nào con cũng khen thầy cô dạy dễ hiểu, giờ tôi chỉ lo không biết những năm sau chương trình có khác và khó nhiều không” - phụ huynh này nói. Trong khi đó, ông Sơn có con đang học lớp 11 Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết con gái học tiếng Anh rất giỏi nhưng vì cháu thích du học Đức khi xong lớp 12, rất tiếc nhà trường không có lớp dạy tiếng Đức nên phải theo học ở trung tâm.
Đầu vào khó tuyển
Trường THCS Lê Quý Đôn được đánh giá triển khai thành công chương trình giảng dạy tiếng Nhật từ 10 năm nay, mỗi năm tuyển mới hai lớp. Ông Vũ Vạn Xuân, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết tuy tiếng Nhật đã đưa vào giảng dạy hơn 10 năm theo chương trình hợp tác giữa hai chính phủ, HS học tiếng Nhật được miễn phí nhưng số em chọn để theo học lớp này không nhiều và gần đây có xu hướng giảm.
Một giờ học ngoại ngữ của HS lớp 4 tại Trường Tiểu học Lương Định Của, quận 3. Ảnh: PHẠM ANH
Đây cũng là trường đầu tiên và duy nhất tại TP.HCM mở được một lớp tiếng Đức là ngoại ngữ 1 ở lớp 6 trong năm học 2015-2016 với 42 HS. Trước đó, Trường Võ Trường Toản cũng được chọn đưa tiếng Đức vào giảng dạy nhưng do số lượng HS đăng ký quá ít, không thể mở lớp. Theo ông Xuân, có một thuận lợi là HS học tiếng Nhật và Đức là ngoại ngữ 1 thì sẽ được học thêm tiếng Anh là ngoại ngữ 2. Nhà trường cố gắng để các em không học lệch, vẫn duy trì được vốn tiếng Anh để khi tuyển sinh vào lớp 10, nếu không theo được lớp tiếng Nhật nữa thì các em vẫn có vốn tiếng Anh nhất định để theo học lên. Để làm được điều này, từ lớp 6, nhà trường yêu cầu các em phải có chứng chỉ A2 tiếng Anh mới được học. Ngoài ra, về tiếng Nhật, ngoài học 2-3 tiết/tuần theo khung của Bộ GD&ĐT, nhà trường kết hợp với các đơn vị bên ngoài đưa giáo viên bản ngữ vào dạy tăng cường để việc học của các em tốt hơn. Còn lớp tiếng Đức, các em học 4 tiết/tuần, được hỗ trợ về giáo trình, học hoàn toàn với người Đức cùng với giáo viên người Việt trợ giảng do tổ chức giáo dục phổ thông Đức ở nước ngoài (ZFA) hỗ trợ. Mỗi em chỉ phải đóng 140.000 đồng/tháng để trả lương thêm cho giáo viên. Mỗi lớp 42 HS nhưng đến giờ học tiếng Đức sẽ được chia thành hai lớp. Nhìn chung các em làm quen khá nhanh vì ngữ pháp, từ vựng... cũng khá giống tiếng Anh.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Vạn Xuân, những trường triển khai các ngoại ngữ này đều là trường tốp đầu nhưng để học nó lại quá khó. Để duy trì được những lớp này, nhà trường phải làm công tác tư tưởng cho phụ huynh rất nhiều và phải tìm cách để thu hút HS, duy trì sĩ số đến hết cấp.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết cái khó hiện nay là việc triển khai tiếng Nhật làm ngoại ngữ 1 ở bậc THCS vì các em theo học tiếng Anh trước đó rồi. Sở cũng đang tính toán để mở rộng tiếng Nhật là ngoại ngữ 2 ở một số trường trung học hoặc mở rộng ngoại ngữ 1 ở một số trường tiểu học để thuận lợi cho HS hơn. Thời gian tới, Sở sẽ thống kê đầu ra của các em học những ngoại ngữ này sau THPT, các em đi đâu, làm gì để có cơ sở đánh giá hiệu quả của chương trình.
15 trường dạy tiếng Pháp Tại TP.HCM hiện có năm quận triển khai dạy tiếng Pháp, mỗi quận có một trường tiểu học và một trường THCS. Mỗi trường tuyển 1-3 lớp/năm cho lớp 1 và lớp 6. HS học tiếng Pháp 10 tiết/tuần, tiếng Anh là ngoại ngữ 2. Ở THCS, các trường tuyển HS ở những trường tiểu học có dạy tiếng Pháp dựa vào điểm thi môn toán, tiếng Việt và tiếng Pháp cuối lớp 5. Các em học hai môn bắt buộc là tiếng Pháp (bảy tiết/tuần), toán bằng tiếng Pháp (hai tiết/tuần) và một môn tự chọn vật lý bằng tiếng Pháp (hai tiết/tuần) hoặc tiếng Anh (hai tiết/tuần). Hết lớp 9, HS phải dự kỳ thi tốt nghiệp THCS theo cấp quốc gia với hai môn tiếng Pháp (120 phút) và toán bằng tiếng Pháp (60 phút). Ở THPT, các trường THPT Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Marie Curie, Trần Đại Nghĩa và Phan Đăng Lưu dạy tiếng Pháp theo ba hình thức chương trình song ngữ, ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2 . Chuộng học ngoại ngữ 2 ở THPT Sau ba năm triển khai dạy tiếng Đức làm ngoại ngữ 2, hầu hết các trường THPT được chọn thực hiện đều khá thành công và thu hút được HS theo học như Nguyễn Thượng Hiền, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai... Ông Võ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, cho hay năm nay là năm thứ hai trường triển khai dạy tiếng Đức là ngoại ngữ 2. Trường chỉ được mở một lớp 35 học sinh nhưng sau khi thông báo thì có đến 170 em đăng ký. Trường phải lọc để chọn 35 em. Hè vừa qua có ba HS của trường đã vượt qua kỳ kiểm tra và được tổ chức nước ngoài cấp học bổng qua Đức du học trong ba tháng hè. Vì năm nay số lượng HS đăng ký tiếp tục tăng, trường phải chọn những em nào giỏi tiếng Anh nhất mới được học. Các em chỉ học ba tiết/tuần với giáo viên nước ngoài và chỉ phải đóng 150.000 đồng/tháng cho giáo viên Việt trợ giảng. |