Học sư phạm không thuộc diện đặt hàng có được miễn học phí, hỗ trợ chi phí đào tạo?
Bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, hàng loạt chính sách mới có tác động đến sinh viên theo học ngành sư phạm như ngoài miễn học phí, được hỗ trợ sinh hoạt phí, đào tạo theo đặt hàng của các địa phương. Vì vậy, rất nhiều thí sinh lo lắng những chính sách này sẽ tác động cụ thể khi sinh viên vào học như thế nào.
SV trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong lễ khai giảng năm học 2020 - 2021. Ảnh: Như Ý
Em Nguyễn Hoàng Minh ở Quảng Bình hỏi: Học sư phạm không thuộc diện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu có được miễn học phí và hỗ trợ chi phí đào tạo không?
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết sinh viên ngành sư phạm đều được miễn học phí và nhận trợ cấp. Nghị định 116/2020/NĐ-CP hỗ trợ sinh hoạt cho sinh viên sư phạm thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác đào tạo giáo viên hiện nay. Theo đó, từ năm học 2021-2022, không những tiếp tục được miễn học phí, sinh viên sư phạm còn nhận được hỗ trợ 3,63 triệu đồng sinh hoạt phí.
Có thí sinh băn khoăn học ngành sư phạm được hỗ trợ sinh hoạt phí vậy ra trường có phải phụ thuộc vào sự phân công của ngành giáo dục không?
PGS. Nguyễn Đức Sơn thông tin hai năm kể từ khi có quyết định tốt nghiệp sinh viên sẽ được phân công và làm việc trong ngành giáo dục.
Trong khi đó, thí sinh khác đặt câu hỏi các ngành ngoài sư phạm của trường ĐH sư phạm Hà Nội có được hưởng chế độ miễn học phí không? Em không chắc chắn đỗ vào các ngành sư phạm của trường nên dự định đăng ký ngành ngoài sư phạm. Nếu sau này em muốn theo nghề sư phạm thì có được chuyển tiếp hay phải học thêm gì để đảm bảo yêu cầu?
PGS. Nguyễn Đức Sơn khẳng định các ngành ngoài sư phạm của trường không được miễn học phí. Sinh viên các ngành ngoài sư phạm khi học tập tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sẽ phải đóng học phí là 300.000 đồng/ tín chỉ đối với các ngành khoa học xã hội, và 360.000 đồng/tín chỉ đối với các ngành khoa học tự nhiên.
Về vấn đề muốn theo nghề sư phạm dù học ngành ngoài, PGS. Nguyễn Đức Sơn cho hay có hai giải pháp, thứ nhất, có thể đăng ký học văn bằng 2 sau khi học hết kỳ 1 của năm nhất, chọn văn bằng 2 là ngành sư phạm. Thứ hai, có thể đăng ký học chương trình nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS, THPT. Do đó, chỉ cần đỗ vào trường thì cơ hội trở thành giáo viên sẽ rất rộng mở.
Thí sinh thuộc diện đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào...
Nguồn: [Link nguồn]