Học sinh trượt lớp 10 sẽ học tiếp ở đâu?
Dự kiến, khoảng hơn 20.000 học sinh lớp 9 sẽ không trúng tuyển vào lớp 10 công lập tại TP HCM năm nay, vậy các em sẽ được phân luồng vào đâu?
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, toàn thành phố có trên 107.000 học sinh (HS) tốt nghiệp THCS, trong khi tổng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập là 72.800. Tuy nhiên, ngoài các trường công lập, hệ thống các trường tuyển sinh sau THCS lên tới gần 50.000 chỉ tiêu.
Gần 50.000 chỉ tiêu ngoài công lập
Sở GD-ĐT TP HCM vừa công bố hệ thống trường, lớp tuyển sinh trung học năm học 2022-2023. Trong số các trường này, ngoài gần 73.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm nay, hệ thống các trường ngoài công lập, trung tâm GDTX, TCCN… tại thành phố tuyển sinh đến gần 50.000 chỉ tiêu; nâng tổng số chỉ tiêu tuyển sinh sau THCS lên tới gần 123.000.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết thành phố có hơn 107.000 HS tốt nghiệp THCS, trong khi số đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 đến nay dự kiến là 93.790 em. Như vậy, khoảng 13% HS đã tự lựa chọn hướng đi sau THCS mà không thi tuyển vào lớp 10 công lập.
Theo ông Minh, dù lựa chọn loại hình đào tạo nào thì quan trọng nhất là HS cần xác định năng lực học của mình đến đâu. Chẳng hạn, chương trình của hệ GDTX khá nhẹ nhàng, những em nào cảm thấy chương trình văn hóa ở các loại hình học tập khác nặng thì có thể chuyển sang đây.
"HS cũng có thể học nghề, đi làm, sau đó học liên thông ở trường CĐ, ĐH. TP HCM luôn bảo đảm đủ chỗ học cho HS, tùy theo lựa chọn của các em. Dù HS chọn bất kỳ hướng đi nào, thành phố đều bảo đảm tính công bằng trong giáo dục, hướng các em đến sự phát triển phẩm chất, năng lực" - ông Minh khẳng định.
Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP HCM cho biết tất cả các trường THCS hiện nay đều thực hiện công tác tư vấn, hướng nghiệp kỹ càng, phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp của HS. Riêng đối với HS lựa chọn thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập, các em cần chọn những trường gần nhà để bảo đảm yêu cầu đi lại. Tránh trường hợp có những năm do lựa chọn trường ở xa nơi cư trú, HS không thể theo học. "Đối với những trường hợp HS lựa chọn trường xa nơi cư trú, hiệu trưởng trường THCS phải giải trình lý do" - ông Minh nói.
Tìm hiểu kỹ mức học phí
Theo công bố của Sở GD-ĐT TP HCM, ngoài việc công khai chỉ tiêu tuyển sinh, hệ thống các trường ngoài công lập, trung tâm GDTX, TCCN, trường nghề… cũng đồng thời công bố mức học phí để phụ huynh lựa chọn.
Thông báo học phí của các loại hình đào tạo này cho thấy mức học phí trường tư thục trên địa bàn TP HCM năm học 2022-2023 dao động từ dưới 1 triệu đồng đến 53 triệu đồng/tháng; mức học phí trung bình từ 2-4 triệu đồng/tháng. Đơn cử, Trường THPT Lý Thái Tổ (quận Gò Vấp) là trường tư thục có mức học phí thấp nhất TP HCM, với học phí 1 buổi là 850.000 đồng/tháng, dự kiến tuyển sinh 350 chỉ tiêu lớp 10. Trong khi đó, Trường Tiểu học - THCS - THPT Quốc tế Bắc Mỹ (huyện Bình Chánh) là trường có mức học phí cao nhất với 53 triệu đồng/tháng, phí nội trú 10 triệu đồng/tháng, phí bán trú 1,8 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, nhiều trường tư thục có mức học phí dưới 2 triệu đồng/tháng. Chẳng hạn, Trường THCS-THPT Hoa Sen có học phí 1,75 triệu đồng/tháng, dự kiến tuyển sinh 900 chỉ tiêu lớp 10; Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (quận 6) - đang sửa chữa, cải tạo - dự kiến tuyển sinh 100 chỉ tiêu lớp 10 với mức học phí 1,69 triệu đồng/tháng, phí nội trú 6,09 triệu đồng/tháng, phí bán trú 2,89 triệu đồng/tháng…
Ông Hồ Tấn Minh cho rằng đối với các trường tư thục, việc lựa chọn học tập của HS cũng tức là lựa chọn nơi cung cấp dịch vụ giáo dục tùy theo nhu cầu, khả năng của cha mẹ các em. Ở góc độ quản lý, đối với các cơ sở giáo dục tư thục, ngoài công lập, trường có vốn đầu tư nước ngoài, để có thể được giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, giảng dạy…, được Sở GD-ĐT thẩm định, xem xét thì mới được cấp phép hoạt động, do đó bảo đảm chất lượng GD-ĐT.
Theo hiệu trưởng một trường THPT tư thục tại quận Tân Phú, hiện nay, các trường tư thục được khá nhiều phụ huynh lựa chọn. Lý do là các trường này có tổ chức bán trú, nội trú cho HS. Môi trường nội trú tại các trường này cũng là nơi rèn luyện cho HS đạo đức và nhiều kỹ năng, thể chất.
"Vì thế, những trường tư thục có cơ sở vật chất tốt, có nội trú, bán trú, chương trình giảng dạy không nặng nề, HS không phải đi học thêm... được các bậc cha mẹ quan tâm. Tuy nhiên, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ mức học phí và các khoản thu khác sao cho phù hợp với năng lực tài chính của gia đình"- hiệu trưởng này nhìn nhận.
Trường ngoài công lập tuyệt đối không tổ chức thi tuyển
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, các trường ngoài công lập tại thành phố không được tổ chức thi tuyển vào lớp 10 dưới bất kỳ hình thức nào. Việc tuyển sinh vào lớp 10 phải thực hiện theo phương thức xét tuyển.
Đối tượng xét tuyển là những HS đang học tại các trường THCS hoặc trung tâm GDNN-GDTX, cơ sở GDTX tại TP HCM hoặc các tỉnh, thành khác (ưu tiên nhận HS tốt nghiệp THCS tại TP HCM) có hồ sơ hợp lệ và có đủ các điều kiện, như: Tốt nghiệp THCS; tuổi vào học lớp 10 là 15. Tuyệt đối không nhận HS không đủ điều kiện xét tuyển hoặc hồ sơ không hợp lệ. Các trường phải chịu trách nhiệm về điều kiện xét tuyển và hồ sơ hợp lệ trước Sở GD-ĐT TP HCM và cha mẹ HS.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 năm nay có 4 ngày (từ 23-26/5) để kiểm tra lại thông tin cá nhân, nguyện vọng đăng ký, điểm ưu tiên…, mọi sai sót có...