Học sinh, sinh viên trường nghề phấn khởi học trực tiếp

Sự kiện: Giáo dục

Ngày 14-2, học sinh, sinh viên, học viên nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội phấn khởi trở lại trường để học tập trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến. Hoạt động dạy và học diễn ra thuận lợi, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội học tập nghiêm túc trong ngày đầu trở lại học trực tiếp.

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội học tập nghiêm túc trong ngày đầu trở lại học trực tiếp.

Niềm vui đến trường

Mong muốn gặp bạn bè, thầy cô là tâm lý chung của bất cứ ai đang đi học sau thời gian dài không đến trường, không học trực tiếp. Học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng vậy. 

Từ sáng sớm, gần 3.000 học sinh, sinh viên, học viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) náo nức đến trường. Tất cả đều thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19 như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn, vào lớp học theo luồng để tránh tập trung quá đông cùng một chỗ vào một thời điểm.

Là sinh viên năm nhất, lần đầu đến trường, Lê Trần Trung Kiên, Khoa Ô tô, chia sẻ: “Đến trường được giao tiếp với bạn bè, tương tác với thầy cô, thực hành tại nhà xưởng nên mỗi tiết học trôi qua rất thú vị. Việc tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn”.

Tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy), sau khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, học sinh, sinh viên, học viên vui vẻ bước vào lớp học. Nhờ chuẩn bị tốt, việc dạy và học diễn ra khá thuận lợi.

Tại lớp Thiết kế đồ họa, Khoa Công nghệ thông tin K15, cô và trò nhanh chóng khởi động máy vi tính để bắt đầu giờ học thực hành. Còn lớp Điện công nghiệp có chuyên gia ngành điện của Avestos Đức Ronny Bretfeld giám sát việc dạy và học, bảo đảm giờ học diễn ra chất lượng theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến. 

Cùng ngày, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội (phường Thái Thịnh, quận Đống Đa) đón gần 2.000 học sinh, sinh viên trở lại học tập trực tiếp. Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Huy cho biết, học sinh, sinh viên nhà trường được học tập trong môi trường an toàn, cơ sở vật chất khang trang. Bởi trước đó, nhà trường đã tổ chức tổng vệ sinh, phun khử khuẩn, trang bị bàn ghế mới cho 20 phòng học, kiểm tra các phòng máy tính...

Còn tại Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ), gần 400 học sinh năm cuối háo hức trở lại trường. Cơ sở này đặt máy tự động đo thân nhiệt, phun khử khuẩn tay, ATM khẩu trang tự chế tạo ở những vị trí quan trọng, giúp học sinh dễ dàng thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19...

Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi đón học sinh đến trường.

Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi đón học sinh đến trường.

Bảo đảm chất lượng dạy học song hành với chống dịch

Song hành với nhiệm vụ đón học sinh trở lại trường học tập an toàn trong bối cảnh có dịch COVID-19, các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo trong từng tiết học.

Thầy Trần Xuân Quỳnh, giảng viên Khoa Ô tô, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ: “Đặc thù của học nghề là học lý thuyết đi đôi với thực hành trên thiết bị máy. Vì thế, khi học trực tiếp, chúng tôi chú trọng hướng dẫn thực hành để người học vững tay nghề”.

Ngoài sự chủ động của giáo viên, thời điểm này, các nhà trường tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nghề, duy trì mô hình “nhà trường trong doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nhà trường”, giúp người học vững vàng tay nghề sau khi tốt nghiệp.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đang phối hợp với hàng nghìn doanh nghiệp, liên kết với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài để tổ chức đào tạo nghề theo hướng hiện đại, phù hợp với chuẩn khu vực, quốc tế.

Với vai trò quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, sở đã hướng dẫn các nhà trường tổ chức giảng dạy theo hướng linh hoạt, phù hợp với bối cảnh có dịch COVID-19. Theo đó, các nhà trường chủ động tổ chức giảng dạy song song hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, bảo đảm 100% học sinh, sinh viên có thể theo học. Giáo viên chưa tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 chỉ tham gia giảng dạy trực tuyến, không giảng dạy trực tiếp. Về phía người học, những trường hợp thuộc đối tượng F0 bắt buộc học theo hình thức trực tuyến.

Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức các đoàn kiểm tra để kiểm tra việc dạy và học song hành với công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm người học được học tập trong môi trường an toàn. 

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hoạt động giáo dục nghề nghiệp với hơn 120.000 học sinh, sinh viên, học viên theo học. Các nhà trường được phép chủ động tổ chức đón học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trực tiếp.

Ghi nhận trong ngày đầu tiên cho thấy, một số cơ sở chưa tổ chức đón học sinh trở lại để có sự chuẩn bị tốt hơn. Đối với các trường đã đón học sinh, sinh viên, số người đến trường học trực tiếp đạt khoảng 90%. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực của học sinh, sinh viên, học viên cùng Ban giám hiệu các trường nghề trong quá trình đào tạo nghề thích ứng với bối cảnh có dịch COVID-19.

Nguồn: [Link nguồn]

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đưa phương án xử trí khi lớp học có F0

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, xử lý F0 trong trường học phải bài bản, phù hợp từng hoàn cảnh, thực hiện linh hoạt hơn nữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Vũ ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN