Học sinh phải nghỉ học do dịch nCoV: Xem xét điều chỉnh thời gian năm học
Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể xem xét lùi thời gian kết thúc năm học sau khi học sinh phải nghỉ học nhiều ngày để phòng chống dịch bệnh do virus corona
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nCoV của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa họp và thống nhất đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh/TP căn cứ tình hình thực tế tiếp tục cho học sinh (HS) nghỉ học, nhằm bảo đảm mục tiêu cao nhất là vì sự an toàn của HS và cộng đồng. Nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã cho HS nghỉ học kéo dài đến ngày 16-2. Việc nghỉ học kéo dài đang khiến không ít phụ huynh lo lắng sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của con em mình.
Có thể điều chỉnh thời gian thi lớp 10
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết sở sẽ dựa vào chỉ đạo của Bộ GD-ĐT trong việc điều chỉnh khung thời gian của năm học 2019-2020 để xác định thời gian thi vào lớp 10 cho phù hợp. Nếu thời gian học kéo dài đến tháng 6, khả năng sẽ điều chỉnh thời gian thi vào lớp 10 để không gấp rút.
Vì thời gian nghỉ kéo dài gần 1 tháng nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ học tập, kiến thức của HS. Sở đã có những văn bản hướng dẫn các trường thực hiện thay đổi, điều chỉnh thời gian học, lịch học bù để bổ sung lại kiến thức đã bị hụt trong thời gian nghỉ. Tuy nhiên, sở chỉ khuyến khích các trường dùng phương pháp học trực tuyến để ra bài ôn tập, củng cố kiến thức cũ chứ không được giảng dạy bài mới. Việc triển khai bài mới sẽ được thực hiện ngay sau khi HS quay lại trường.
Học sinh ở TP HCM học trực tuyến tại nhà sau khi TP cho học sinh nghỉ học đến ngày 16-2 Ảnh: QUANG LIÊM
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho rằng vì còn thời gian nghỉ hè nên có thể lùi thời điểm kết thúc năm học và các kỳ thi. Thực tế, việc nghỉ học thêm 2 tuần để phòng dịch bệnh rất cần thiết, không ảnh hưởng đến chương trình học và kiến thức của HS, chỉ cần hiệu chỉnh một chút để bảo đảm chất lượng. Có thể tận dụng thời gian buổi 2, thời gian hè để dạy bù những kiến thức thiếu trong thời gian nghỉ.
Ngoài ra, thầy cô dạy theo phương án cuốn chiếu chương trình bằng cách dạy tích hợp, dạy chủ đề, tăng cường công tác luyện tập. Đặc biệt, lớp 12 thầy cô sẽ tăng tốc luyện tập cho các em nhưng tất cả phương án được thực hiện hiệu quả chỉ khi phụ huynh giám sát, động viên các em khi thầy cô ở trường giao bài về. Đây là khoảng thời gian nhà trường phải nhờ đến sự giúp đỡ của phụ huynh, để các em ôn tập một cách tốt nhất, không quên kiến thức cũ, hạn chế thời gian rảnh.
"Tuần này, tổ trưởng bộ môn của nhà trường tiếp tục soạn bài ôn tập gửi cho HS qua website của nhà trường, Facebook, Zalo, phần mềm 789.vn. Đồng thời, cho biết nội dung bài học của tuần theo khung chương trình, HS sẽ đọc trước bài trong sách giáo khoa, chắc chắn các em sẽ theo kịp bài sau khi trở lại trường học" - thầy Phú nói.
Theo thầy Phan Hồ Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Gò Vấp (quận Gò Vấp), các năm về trước, sau khi kiểm tra học kỳ xong thì còn khoảng thời gian trống, dành để bổ sung kiến thức thiếu cho HS. Năm nay, khoảng thời gian đó sẽ không còn nên tập trung ôn tập ngay sau khi các em kiểm tra học kỳ xong nhưng vẫn sẽ bảo đảm kiến thức theo quy định của Bộ GD-ĐT. Các HS, phụ huynh không nên quá lo lắng, đặc biệt là các em khối lớp 12 sẽ được ôn tập tích cực 6 môn của kỳ thi THPT quốc gia vào buổi 2.
Trường ĐH ít chịu tác động
Khác với các trường phổ thông, các trường ĐH tự chủ động xây dựng kế hoạch năm học cho riêng mình. Ngoài ra, các trường luôn có các tuần dự trữ trong năm học và triển khai dạy học online nên kéo dài thời gian nghỉ để phòng chống dịch đều không ảnh hưởng đến chương trình.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết khác với bậc phổ thông, các trường ĐH, CĐ không chịu nhiều tác động khi kéo dài thời gian cho sinh viên nghỉ học để chống dịch. Bởi thực tế, các trường ĐH đã trang bị hạ tầng để học online nên dù không đến trường, sinh viên vẫn có thể ngồi ở nhà học. Ngoài ra, các trường vẫn có thể sử dụng tuần dự trữ trong học kỳ để giảng dạy. Đối với các trường tổ chức 3 học kỳ trong năm (sử dụng thời gian hè) thì chịu tác động nhiều hơn.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho hay các trường có kế hoạch năm học riêng nên hoàn toàn chủ động. Trong năm học luôn có các tuần dự trữ nên khi nghỉ 2 tuần, thậm chí nhiều hơn để chống dịch corona thì sau khi trở lại học, các trường sẽ dùng các tuần dự trữ để dạy học. Ngoài ra, học online cũng hóa giải được các khó khăn khi có những tuần nghỉ ngoài kế hoạch.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, khẳng định trường có 3 tuần dự trữ trong năm, gồm 2 tuần dự trữ giữa 2 học kỳ và 1 tuần dự trữ thi nên ngay cả khi nghỉ thêm 1 tuần nữa cũng không ảnh hưởng đến chương trình đào tạo.
Các phương án của Bộ GD-ĐT
Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT - cho hay trong khung kế hoạch thời gian năm học của bộ, mỗi học kỳ đều có 1 tuần đệm, như là tuần dự phòng, để bảo đảm linh hoạt trong xây dựng kế hoạch thời gian năm học tại địa phương. Do đó, ở các địa phương, nhà trường có thể sử dụng quỹ thời gian này để bố trí học bù. Ngày 31-5 là kết thúc năm học 2019-2020 nhưng nếu trong trường hợp bất khả kháng, có thể lùi sang tuần đầu của tháng 6.
Trong tình huống bất khả kháng nữa, Bộ GD-ĐT sẽ có kế hoạch điều chỉnh khung thời gian năm học để thực hiện đầy đủ khung thời gian chương trình, đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cho HS. Nếu thời gian nghỉ vẫn đủ trong khung kế hoạch năm học của Bộ GD-ĐT, các địa phương chủ động bố trí thời gian học bù cho HS, vào các tuần đệm hoặc có thể vào những khung thời gian phù hợp với điều kiện, cơ sở vật chất của nhà trường.
Thêm nhiều địa phương cho nghỉ học đến ngày 16-2
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ngày 7-2 đã quyết định đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT về việc cho HS thủ đô nghỉ học đến hết ngày 16-2. Như vậy, khoảng 2 triệu HS ở Hà Nội sẽ tiếp tục nghỉ học để phòng chống nCoV.
Sáng 7-2, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT tiếp tục cho HS, sinh viên nghỉ học hết ngày 16-2. Sau tỉnh Đồng Tháp, Sở GD-ĐT các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và TP Cần Thơ ngày 7-2 đã ra thông báo tiếp tục cho HS, sinh viên, học viên nghỉ học đến ngày 16-2. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long thông báo sinh viên của trường nghỉ đến hết ngày 8-3.
Đến nay đã có 61 tỉnh/thành phố báo cáo Bộ GD&ĐT về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh thêm một tuần.
Nguồn: [Link nguồn]