Học sinh nhí đua lấy chứng chỉ tiếng anh

Càng đến thời điểm cuối năm học, những kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh Cambridge cấp độ Starters tại TP.HCM càng nhộn nhịp, rộn ràng hơn với những HS đang học lớp 2.

Cùng với đó là sự căng thẳng và lo lắng đối với phụ huynh và cả thầy cô của các em.

6g15 chủ nhật 6-5. Con đường nhỏ trước cổng Trường tiểu học Dương Minh Châu, Q.10, TP.HCM nhộn nhịp cảnh phụ huynh đưa đón con đi thi chứng chỉ tiếng Anh Cambridge cấp độ Starters.

Với 52 phòng thi, hơn 1.000 thí sinh, hầu hết là HS lớp 2 đến từ 16 trường tiểu học các quận 10, 11 và Bình Tân, lần đầu tham dự kỳ khảo sát tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Đây chỉ là một trong số những kỳ thi Starters được tổ chức hằng tuần từ tháng 3 đến cuối tháng 6.

Đủ loại phí

Con hẻm bên ngoài trường rộn ràng hẳn lên vì phụ huynh ở lại chờ con, không khác mấy so với kỳ thi ĐH. Câu chuyện của phụ huynh xoay quanh chi phí dự thi và những khoản học phí tiếng Anh để yên tâm trước kỳ thi này. Chi phí dự thi theo quy định là 19 USD/thí sinh.

Dù là chứng chỉ quốc tế nhưng lệ phí này vẫn quá cao so với số đông người lao động. Đó là chưa nói đến việc nhiều em phải thi nhiều lần. Còn việc học thêm, tùy danh tiếng trung tâm, mức học phí dao động từ 2-12 triệu đồng/khóa. Rồi chuyện đóng tiền mua giáo trình luyện thi Starters. Không chỉ có phụ huynh, những giáo viên dạy tiếng Anh lớp 2 cũng lo âu không kém. Một cô giáo tiếng Anh Q.10 bộc bạch: ngoài giáo trình chính thức, giáo viên lớp 2 còn phải rèn kỹ năng thi Starters, lo lắng cho đến ngày thi rồi hồi hộp chờ đến khi có kết quả.

Cả nhà, cả trường đi thi

Lần đầu đi thi, một thí sinh nhí được 2-3 người lớn đưa đến trường. Những HS lớp 2 được mẹ chăm chút đút cho xong bữa ăn sáng cạnh trường thi. Trước khi trẻ một mình bước qua cổng trường thi, ba mẹ níu tay con căn dặn đủ điều.

6g30, đoàn HS Trường Trương Vĩnh Ký được đưa đến cổng trường thi, xếp hàng vào cổng. Một bé trường này không tìm thấy phiếu đăng ký dự thi (có phiếu báo danh và dán ảnh), không được vào trường thi cùng các bạn. Lục tung cặp sách cũng không thấy phiếu báo danh, cô giáo phải gọi điện về nhà đề nghị phụ huynh mang đến trường thi gấp.

Chị Hồng, có con đang học trường này, cho biết sáng sớm phụ huynh đưa con tập trung đến trường để được các cô đưa cả đoàn đi thi bằng ôtô, nhưng mẹ cũng phải chạy xe máy theo đến tận cổng trường cổ động tinh thần cho trẻ.

7g20, khi hầu hết trẻ đã vào phòng thi để điểm danh, một cô bé mặc đồng phục được bố chở đến trường hớt hải bước xuống xe máy. Cô bé khóc, đôi mắt ướt đỏ hoe, gương mặt đầy âu lo, căng thẳng cầm thẻ dự thi chạy ào đến cổng. Trình thẻ dự thi xong, được giám thị giải thích em sẽ thi buổi chiều chứ không phải buổi sáng, cô bé thôi lo âu, quay ra xe ba chở về. Người cha lạnh lùng lái xe đi gấp kèm câu cằn nhằn: “Sao không chịu đọc cho kỹ vậy”.

Nỗi lo của người lớn

Một kỳ khảo sát nhẹ nhàng trở nên căng thẳng hơn trong nỗi lo của người lớn. Một phụ huynh trường Trương Vĩnh Ký nói: “Cả trường đều học tiếng Anh. Nếu con mình thi không đạt trình độ sợ sẽ không được học tiếp ở trường...”. Đối với nhiều phụ huynh có con em học lớp 2 đây là kỳ thi để giữ được cơ hội học lớp tăng cường tiếng Anh vốn được hưởng nhiều ưu đãi hơn so với các lớp thường.

Trong khi đó, anh Trần Thanh Hải - phụ huynh có con học ở Trường tiểu học An Lạc 3, quận Bình Tân dự thi ngày 6-5 - nói: “Không phải ai vào lớp tăng cường cũng để học tiếng Anh. Do thiếu phòng học, nhiều trường ưu tiên tổ chức bán trú cho các lớp tăng cường tiếng Anh. Thi rớt kỳ này tức là đứng trước nguy cơ không được học bán trú nữa, sinh hoạt gia đình rối loạn vì cha mẹ đi làm cả ngày không có ai đưa trẻ, con mình đi đâu. Bởi vậy phụ huynh căng thẳng cũng là chuyện dễ hiểu”.

Nỗi âu lo càng tăng dần khi ở thời điểm này, năm học sắp kết thúc. Kỳ thi cuối cùng dành cho HS lớp 2 (đăng ký theo trường) sẽ được tổ chức vào ngày 23-6, trước khi các trường gút danh sách HS nào sẽ được tiếp tục học tăng cường tiếng Anh lớp 3. Đây là cơ hội cuối dành cho những HS lớp 2 chưa thi hoặc đã thi nhưng chưa đạt điểm theo yêu cầu.

Dù các kỳ thi Starters tổ chức liên tục hằng tuần từ tháng 3 đến cuối tháng 6 nhưng do lượng thí sinh quá đông, nếu đăng ký vào cuối tháng 4, phải chờ đến cuối tháng 6 mới được dự thi. Đến thời điểm này, HS nhiều trường vẫn chưa thi đợt 1.

Do vậy, như anh Hải cho biết, dự thi ngày 7-5 nhưng vì quá lo nên từ tháng 4 nhiều phụ huynh đã đăng ký đóng tiền cho con thi lại lần hai vào kỳ thi trong tháng 6. Chi phí dự thi tốn kém nhân lên gấp đôi nhưng nếu không đăng ký, lỡ con mình thiếu điểm thì không còn cơ hội dự thi nữa, coi như phải ra khỏi lớp tăng cường...

Không chỉ có phụ huynh HS học tăng cường tiếng Anh âu lo với Starters. Đầu tháng 5, chị Anh Đào, phụ huynh lớp 2 Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, Tân Bình, đến Trung tâm ngoại ngữ Sở GD-ĐT TP.HCM đăng ký cho con thi Starters theo diện thí sinh tự do.

Chị cho biết: “Do muốn con tập trung học tốt các môn toán, tiếng Việt nên tôi không đăng ký cho con tăng cường tiếng Anh từ lớp 1. Từ đầu năm lớp 2, gia đình cho bé đi học tiếng Anh ở bên ngoài để đuổi kịp trình độ các bạn học tăng cường tiếng Anh ở trường”.

Học sinh nhí đua lấy chứng chỉ tiếng anh - 1

Nhiều phụ huynh cố chen đưa con vào tận nơi nhưng không được

Có thi phải có luyện

TS Lê Ngọc Điệp, trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, nói: “Việc tổ chức kỳ thi Starters nhằm chuẩn hóa trình độ tiếng Anh của HS tiểu học. Năm học 2010-2011, TP.HCM đã không còn khảo sát đầu vào lớp 1 tăng cường tiếng Anh. Thay vào đó, cuối lớp 2 các em sẽ dự thi chứng chỉ Starters, nếu đạt yêu cầu mới được học tiếp lớp 3”.

Chẳng những vậy, kết quả kỳ thi này còn là cơ sở đánh giá việc dạy tiếng Anh từng trường, từng giáo viên. Nói như chuyên viên tiếng Anh, vì “màu cờ sắc áo”, vì danh dự bản thân nên giáo viên ra sức ôn luyện cho HS rất kỹ. Ngoài việc dạy giáo trình theo quy định, GV phải ôn luyện theo sách Vui cùng Starters, bộ 7 quyển sách và đĩa Starters của Cambridge. Ôn tới ôn lui nhiều lần trước ngày thi. Nhiều GV còn mở lớp rèn kỹ năng dự thi tại nhà.

Chưa có con số thống kê kết quả Starters nhưng kết quả ở những trường, những quận huyện có đông HS dự thi từ tháng 3, tháng 4 cho thấy sự chênh lệch tỉ lệ đạt yêu cầu khá lớn. Sau kỳ thi tháng 3, tỉ lệ HS đạt yêu cầu được học tiếp tiếng Anh lớp 3 các trường ở quận Bình Thạnh đã đạt mức 80-90%. Nhiều trường ở Q.1, Q.3 tỉ lệ “qua cầu” trên 90%. Trong khi đó không ít trường số HS đủ điểm học tiếp lớp 3 chỉ khoảng 40% sau đợt thi tháng 3, tháng 4.

HS lớp 1 cũng đi thi Starters

Ngày 5-5, ban giám hiệu Trường tiểu học thực hành Phan Đình Phùng (Q.3, TP.HCM) có thông báo gửi đến tất cả phụ huynh có con đang học lớp 1 tại trường về kế hoạch xét chọn HS vào lớp 2 tăng cường tiếng Anh ở trường này. Theo đó, dự kiến năm học tới trường sẽ tuyển 3 lớp tăng cường tiếng Anh lớp 2, cơ sở xét chọn là những HS đang học lớp 1 đã qua kỳ thi Starters. Phụ huynh có nhu cầu cho con học lớp tăng cường tiếng Anh phải đăng ký và đóng tiền dự thi.

Bà Dương Thị Ngọc Thu, hiệu trưởng nhà trường, giải thích năm học 2011-2012, toàn bộ 399 HS khối 1 của trường đều đăng ký học tiếng Anh. Nhu cầu phụ huynh quá lớn trong khi nhà trường không thể tổ chức dạy tăng cường tiếng Anh cho tất cả HS, chỉ tổ chức dạy tiếng Anh tự chọn. Những phụ huynh có nhu cầu cho con học tăng cường tiếng Anh lớp 2 thì đăng ký cho con dự thi. Dựa vào số lượng và trên cơ sở kết quả thi của HS, nhà trường mới xem xét đến việc xét vào lớp 2 tăng cường tiếng Anh theo kết quả từ cao xuống thấp sau khi xin ý kiến phòng và sở.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phúc Điền ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN