Học sinh nghỉ học… đi làm rẫy
Nhiều trường THCS ở tỉnh Gia Lai lo sốt vó trước việc học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số không được phụ huynh cho đến lớp để… đi làm rẫy, chăn trâu.
Trong buổi học sáng 4-4, lớp 7B Trường THCS Đắk Jơ Ta (xã Đắk Jơ Ta, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) chỉ có 8/24 học sinh (HS) tới lớp. Tình hình HS bỏ học ở trường này diễn ra từ nhiều ngày qua.
Nghỉ học… thời vụ!
Cô Trần Thị Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Đắk Jơ Ta, cho biết toàn trường có 214 HS nhưng mỗi ngày có trên dưới 50 HS nghỉ học, chủ yếu ở các khối lớp 8 và 9. Những ngày trong làng có lễ hội, số HS bỏ học còn nhiều hơn.
Theo cô Minh, 80% HS bỏ học là người dân tộc thiểu số. “Khi đến mùa làm nương rẫy, cha mẹ bắt con ở nhà đi làm, chăn trâu. Các em nghỉ học chỉ là… thời vụ, nghỉ vài ba ngày rồi đi học lại. Em nào nghỉ nhiều chừng khoảng một tuần” - cô Minh nói.
Lớp 7B Trường THCS Đắk Jơ Ta có 24 học sinh nhưng vắng 16 em trong buổi học sáng 4-4
Làng Đê Btứk, xã Đắk Jơ Ta có 52 HS đang theo học tại 4 khối lớp ở Trường THCS Đắk Jơ Ta nhưng hằng ngày, phân nửa trong số này vắng Em Đân - dân tộc Ba Na, HS lớp 9 - tâm sự: “Em rất muốn đến lớp nhưng bố mẹ thường xuyên bắt em lên rẫy phụ giúp gia đình”.
Không chỉ tại Trường THCS xã Đắk Jơ Ta, các trường khác trên địa bàn huyện K’Bang, huyện Ia Pa, huyện Kon Chro… của tỉnh Gia Lai, tình trạng HS người dân tộc thiểu số bỏ học theo cha mẹ đi làm rẫy cũng rất phổ biến.
Vất vả vận động
Trước việc HS bỏ học đi làm gia tăng, nhiều trường THCS ở Gia Lai không còn cách nào khác phải tổ chức các buổi phụ đạo nhằm bồi dưỡng kiến thức cho số HS này.
Tại Trường THCS Đắk Jơ Ta, để khuyến khích các em đến lớp đều đặn, vào tối thứ hai và thứ năm hằng tuần, các thầy cô của trường đến từng nhà vận động phụ huynh cho HS đi học.
Cái khó là nhiều phụ huynh chỉ muốn cho con ở nhà giúp việc gia đình và vì sợ cha mẹ, nhiều em phải lánh mặt thầy cô. Thầy Bùi Trung Kì, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đắk Jơ Ta, kể lại việc nhiều lần đến vận động HS ra lớp, thấy thầy cô cửa trước là các em chạy trốn ra cửa sau. “Nhiều hôm phải đi 2 người, một người chặn đằng trước, một đuổi đằng sau mới “bắt” được HS để đưa tới lớp” - thầy Kì bộc bạch.
Ông Hồ Văn Điệp, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mang Yang, cho rằng phần lớn HS bỏ học là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống lại nghèo khó, ít quan tâm đến việc học của con cái nên việc vận động con em đến lớp rất vất vả.
Trước tình hình này, bà Trần Thị Thu Hà, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, cho biết dự kiến ngày 6-4, sở tổ chức hội nghị để bàn biện pháp khắc phục.
Dụ dỗ học sinh bỏ học vào TP HCM làm UBND xã Ngọc Bay, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum ngày 4-4 cho biết 5 HS bị dụ dỗ đi lao động ở TP HCM đã được đưa về gia đình và đã đến lớp trở lại. Trước đó, sáng 15-3, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (xã Ngọc Bay) báo tin 2 nữ HS người dân tộc thiểu số học lớp 5 trong lúc đến trường thì bị một phụ nữ lạ mặt đưa đi nơi khác. Qua điều tra, Công an xã Ngọc Bay thông báo đã tìm thấy 2 em này cùng 3 nữ HS khác của Trường THCS Hàm Nghi (xã Ngọc Bay) tại nhà của bà Y Mói ở tận thôn 8, xã Đắk La, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum. Các em khai nhận bà Y Mói lôi kéo, dụ dỗ vào TP HCM để làm công việc sắp xếp quần áo, cơm ăn ngày 3 bữa, mỗi tháng được nhận lương 2,5 triệu đồng. G.Thu |