Học sinh nghỉ dài ngày do dịch virus corona: Các trường thích ứng thế nào?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Dự kiến, nhiều địa phương sẽ tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 16/2. Để thích ứng với việc học sinh nghỉ dài ngày, nhiều trường bậc phổ thông ở các thành phố lớn đã triển khai học online cho học sinh.

Học sinh Hà Nội phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp ảnh: Mạnh Thắng

Học sinh Hà Nội phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp ảnh: Mạnh Thắng

Gấp rút xây dựng đề cương ôn tập 

Tại Hà Nội, kỳ thi vượt cấp lên THPT năm nào cũng căng thẳng vì chỉ có khoảng 60% học sinh đỗ suất học trường công. Theo kế hoạch, học sinh được biết 3 môn thi chính thức gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ đầu năm học, còn 1 môn thi sở GD&ĐT sẽ công bố vào tháng 3. Vì thế, trong đợt nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh lần này, các giáo viên, hiệu trưởng đều bày tỏ sự lo lắng sẽ ảnh hưởng đến tinh thần, chất lượng học tập của học sinh.

Bà Đỗ Thị Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình, Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, ngay sau khi có thông tin được nghỉ học, nhà trường chỉ đạo giáo viên giao bài tập cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 để củng cố kiến thức. Đặc biệt, với học sinh lớp 9, giáo viên phải soạn đề cương 3 môn trọng tâm để các em ôn tập. Bà Việt Hiền nói rằng, nghỉ học là điều bắt buộc vì trường học là nơi dễ lây lan dịch bệnh tuy nhiên nhà trường lo lắng chất lượng học tập của học sinh. 

Còn ông Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Quan (Hà Nội) cũng cho rằng, không quá lo lắng về chương trình vì với việc nghỉ học đồng loạt, quy mô lớn như hiện nay, Bộ sẽ có kế hoạch cho học sinh học bù. Tuy nhiên, nghỉ học kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tinh thần, nề nếp học sinh. “Trong tuần tới học sinh tiếp tục nghỉ, nhà trường sẽ yêu cầu giáo viên có kế hoạch soạn đề cương, bộ đề cho học sinh ôn tập qua mạng, tránh xao nhãng kiến thức. Để làm được việc này, giáo viên sẽ rất vất vả nhưng cũng phải thực hiện”, ông Dũng nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, chưa biết dịch bệnh kéo dài bao lâu, giả sử sẽ có địa phương nghỉ học  đến 1 tháng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình. Còn phía học sinh cũng không tránh được tâm lý, ảnh hưởng kết quả học tập. Tuy Bộ GD&ĐT có kế hoạch học bù, lùi thời gian nghỉ hè, thậm chí lùi thời gian thi nhưng rõ ràng, các kỳ thi sẽ bị ảnh hưởng.

Bà Hoàng Thị Lý, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho rằng, hiện tại địa phương mới cho học sinh nghỉ học 1 tuần. Kế hoạch tiếp theo sẽ được sớm thông báo tới phụ huynh và học sinh vì địa phương có nhiều khách du lịch, học sinh đi học các nhà quản lý vô cùng lo lắng. 

Với việc nghỉ học kéo dài, chắc chắn Sở GD&ĐT sẽ thay đổi khung chương trình, lùi thời gian kiểm tra, tổng kết học kỳ, lùi thời gian nghỉ hè cũng như thay đổi thời gian thi tuyển sinh lớp 10 muộn hơn mọi năm. Trước mắt, nghỉ học là giải pháp cần thiết, còn sau khi đi học trở lại, các nhà trường sẽ không được phép cắt xén chương trình, để giáo viên có đủ thời gian để dạy và ôn tập kiến thức cho học sinh.

Cũng theo bà Lý, hiện địa phương đã lùi, huỷ nhiều chương trình liên quan văn hoá, văn nghệ. Học sinh nghỉ học được quán triệt không lang thang ngoài đường, giáo viên không gom học sinh dạy thêm, học nhóm đảm bảo dịch bệnh không lây lan. 

Sở GD&ĐT Lai Châu đã tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh cho phép học sinh tiếp tục nghỉ học từ ngày 10/2 tới cho đến khi có thông báo mới để thực hiện công tác phòng chống dịch.  Trong khi đó TPHCM, Quảng Ngãi chính thức cho học sinh nghỉ học kéo dài đến ngày 16/2. Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, ngành giáo dục có thể lùi thời gian kết thúc năm học nếu cần thiết.

______________

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN