Học sinh ném dép vào cô giáo ở Tuyên Quang: Dấu hiệu đứt gãy truyền thống 'tôn sư trọng đạo'

Trao đổi với Tiền Phong, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, sự việc học sinh nhốt, ném dép vào cô giáo ở Trường THCS Văn Phú (Tuyên Quang) có mức độ, tính chất rất nghiêm trọng, cho thấy sự xuống cấp của văn hóa học đường và dấu hiệu đứt gãy của truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Để xây dựng văn hoá học đường, chống bạo lực, cần tăng cường kỷ cương, khắc phục triệt để bệnh thành tích, hình thức, sự thiếu trung thực trong giáo dục.

SỰ VIỆC NGHIÊM TRỌNG

Thưa bà, sự việc học sinh nhốt cô giáo trong phòng học, có hành động, lời nói vi phạm đạo đức ở Tuyên Quang là việc chưa có tiền lệ về bạo lực học đường. Bà có thể lý giải thế nào về sự việc này?

Tôi nghĩ, bất luận vì lý do gì thì cũng không thể biện minh cho hành vi của trò đối với cô giáo trong vụ việc này, vì nó đã phá vỡ mọi nguyên tắc ứng xử, vượt quá mọi giới hạn cần có trong trường học, vi phạm cả về đạo lý và pháp luật. Dù chỉ là hiện tượng cá biệt, nhưng về mức độ, tính chất rất nghiêm trọng, cho thấy sự xuống cấp của văn hóa học đường và dấu hiệu đứt gãy của truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

 Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: Như Ý

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: Như Ý

Vì vậy, rất dễ hiểu khi phần đông dư luận lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành vi bạo lực đối với người thầy, nhất là hành vi ấy diễn ra ngay trong lớp học, bởi chính những học trò của mình. Vấn đề đặt ra không chỉ là câu trả lời thoả đáng từ các cơ quan chức năng về vấn đề “đúng -sai”, cũng không chỉ làm sáng tỏ trách nhiệm các bên liên quan và xử lý nghiêm minh sai phạm, mà điều quan trọng hơn là trả lại môi trường giáo dục trong lành, an toàn, hạnh phúc.

Cũng xin nói thêm, đối tượng tham gia hoạt động giáo dục hết sức đặc biệt, nên chúng ta lại cần phải rất bình tĩnh trong xem xét. Nguyên tắc là xem xét khách quan, xử lý nghiêm minh để có tính răn đe, nhưng cũng cần thận trọng, tránh tư duy “đổ lỗi”, và hơn cả, phải rất nhân văn, thấu tình đạt lý.

Truyền thống, tinh thần "Tôn sư trọng đạo", "Tiên học lễ hậu học văn" trong các nhà trường có dấu hiệu phai nhạt trong nền kinh tế thị trường, trong nhịp sống nhanh thời đại số. Theo bà, đâu là những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bạo lực học đường, trò không ra trò hiện nay?

Xác định nguyên nhân bởi tác động của nền kinh tế thị trường, của nhịp sống nhanh thời đại số thì không hẳn là sai, nhưng chưa toàn diện và chưa thật sự chính xác; vì vấn đề không nằm ở nền kinh tế thị trường hay thời đại số, mà ở chỗ chúng ta nhận thức đúng, chuẩn bị điều kiện đủ và chọn cách ứng xử phù hợp khi bước vào môi trường ấy, nhất là đối với lĩnh vực giáo dục.

Về nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bạo lực học đường đã và đang diễn ra trong các nhà trường, theo tôi, cần xét từ nhiều phía, cả nhà trường, gia đình và xã hội. Chủ yếu do kỷ luật, kỷ cương trong nhà trường chưa nghiêm, văn hoá học đường chưa được coi trọng đúng mức, việc giáo dục đạo đức dường như bị xem nhẹ so với dạy kiến thức, đạo đức nhà giáo chưa chuẩn mực, người lớn chưa thực sự nêu gương, mối quan hệ phối hợp giữa gia đình và nhà trường còn lỏng lẻo, sự tác động của môi trường mạng tới giới trẻ khá phức tạp nhưng kỹ năng thanh lọc, phân biệt tốt xấu, đúng sai chưa được trang bị đầy đủ. Rồi bệnh hình thức, bệnh thành tích, vấn đề thương mại hoá trong môi trường giáo dục đang ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ thầy trò và hình ảnh người thầy.

KHẮC PHỤC BỆNH THÀNH TÍCH

Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận nguyên nhân xuất phát từ chính ngành giáo dục, nhà quản lý giáo dục, giáo viên..., nhất là sự nêu gương của người lớn chưa tốt. Theo bà, đâu là giải pháp để thầy thực sự là thầy, trò thực sự là trò?

Chuẩn mực và nêu gương là yếu tố tiên quyết trong giáo dục, bao gồm sự nêu gương của người lớn trong gia đình, sự nêu gương của người thầy trong nhà trường. Nói phải gắn với làm. Lời nói hay phải gắn với hành vi chuẩn thì mới có sức thuyết phục; và chắc chắn, một hành động nêu gương sẽ giá trị hơn mọi lời giáo huấn suông. Suy cho cùng, trách nhiệm nêu gương, nói lời hay, làm việc đẹp chính là giá trị cốt lõi trong văn hoá học đường, phải bắt đầu từ nhà quản lý cơ sở giáo dục, nhà giáo, tạo sức lan toả sang các thế hệ học trò.

Tất nhiên, nêu gương phải đi cùng kỷ cương mới hình thành môi trường giáo dục hoàn chỉnh. Người thầy cần được làm chủ trong hoạt động giáo dục, cần được trang bị công cụ để giữ phép tắc, kỷ cương; cần được bồi dưỡng, trang bị kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm mới có thể phát sinh do những thay đổi lớn trong bản thân người học thời nay: ý thức về “cái tôi” sớm hơn, tuổi dậy thì đến nhanh hơn, cơ hội và kỹ năng tiếp cận tri thức nhiều hơn. Muốn nêu gương, trước hết, cần làm chủ được tình huống, và cần giữ được vai trò là người tổ chức, dẫn dắt.

Yêu cầu mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng, nhưng cũng cần có môi trường an toàn bảo vệ thầy cô.

Yêu cầu mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng, nhưng cũng cần có môi trường an toàn bảo vệ thầy cô.

Với thực tế đó, chúng ta cần ưu tiên những quyết sách gì trong bối cảnh trường học đang thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay?

Thứ nhất là cần đẩy mạnh xây dựng văn hoá học đường với hệ thống các chuẩn mực, giá trị; kết hợp giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là giải pháp chính, cơ bản, thường trực, lấy “xây” để “chống”. Phải có thái độ rõ ràng, xử lý nghiêm minh để răn đe kịp thời; phải kiên trì xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, nền tảng đạo đức vững chắc để đẩy lùi những tư tưởng lạc hậu, hành vi, lời lẽ thiếu chuẩn mực. Muốn vậy, cần tăng cường kỷ cương, khắc phục triệt để bệnh thành tích, hình thức, sự thiếu trung thực trong giáo dục; đưa phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” dần đi vào nề nếp, thúc đẩy nâng cao chất lượng dạy và học.

Chúng ta yêu cầu mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng, nhưng cũng đừng quên là cần có môi trường an toàn bảo vệ tấm gương sáng ấy, để người thầy được thoả sức sáng tạo, cống hiến. Phát triển phòng tư vấn học đường, tư vấn sức khoẻ tâm thần để giúp giáo viên và học sinh giảm tải áp lực.

Thứ hai là rà soát, hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử song song với xây dựng môi trường sư phạm thực sự an toàn. Đồng thời có cơ chế bảo vệ nhà giáo một cách rõ ràng. Chúng ta yêu cầu mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng, nhưng cũng đừng quên là cần có môi trường an toàn bảo vệ tấm gương sáng ấy, để người thầy được thoả sức sáng tạo, cống hiến. Phát triển phòng tư vấn học đường, tư vấn sức khoẻ tâm thần để giúp giáo viên và học sinh giảm tải áp lực.

Đối với sự việc ở Tuyên Quang, Uỷ ban Văn hoá giáo dục Quốc hội đã và đang phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng cơ quan chức năng theo dõi, nắm bắt quá trình xử lý vấn đề; lắng nghe ý kiến các bên liên quan, tổng hợp thêm các vụ việc bạo lực gần đây để đánh giá toàn diện, từ đó nghiên cứu, hoàn thiện luật pháp, chính sách về giáo dục, về văn hoá và trẻ em. Dự kiến, năm 2024, Chính phủ sẽ trình Luật Nhà giáo sang Quốc hội, chắc chắn bên cạnh những quy định về chức trách, quyền hạn, cần nghiên cứu để có quy định hợp lý về môi trường làm việc, về vấn đề bảo vệ nhà giáo.

Cảm ơn bà!

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại: Bạo hành trong chính 'ngôi đền thiêng' giáo dục

Cách đây khá lâu, nhiều chuyên gia, học giả đã bàn luận đến câu chuyện triết lí giáo dục ở Việt Nam. Qua các thời Bộ trưởng, người im lặng, người đưa ra bàn thảo nhưng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh ([Tên nguồn])
Học sinh chửi bới, lăng mạ cô giáo ở Tuyên Quang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN