Học sinh mong Bộ GD&ĐT tăng chỉ tiêu xét tuyển sớm
Nghe tin Bộ GD&ĐT dự kiến siết xét tuyển sớm, học sinh (HS) bất ngờ, lo lắng. Nhiều người cho rằng sự thay đổi quá đột ngột gây áp lực cho các em.
Những ngày này, Khánh Chi, HS lớp 12 Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh rất quan tâm đến dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025 đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến.
Ai cũng sốc!
Nhiều HS cho rằng việc Bộ GD&ĐT siết xét tuyển sớm sẽ tăng áp lực cho các em. Trong ảnh, HS lớp 12 Trường THPT Hồ Thị Bi, huyện Hóc Môn trong 1 giờ học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
“Các bạn đều chia sẻ thông tin về dự thảo. Việc dự kiến siết xét tuyển sớm của Bộ GD&ĐT, ai cũng sốc” – Chi bày tỏ.
Trong nhiều năm qua, xét tuyển sớm là đợt tuyển sinh trước khi Bộ GD&ĐT tổ chức xét tuyển trên hệ thống chung. Các trường chủ yếu xét học bạ, điểm từ các kỳ thi riêng (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…), xét kết hợp nhiều tiêu chí như giải học sinh giỏi quốc gia, điểm chứng chỉ quốc tế.
Ban đầu, Chi dự định thi lấy chứng chỉ IELTS trước Tết, tuy nhiên do chưa sẵn sàng nên em dời qua tháng 2 - 2025. Do bản thân đã đạt giải ba HS giỏi quốc gia nên Chi đặt mục tiêu đạt 7.0 IELTS trong khi đó nhiều bạn có mục tiêu 8.0 IELTS mới chắc suất vào đại học.
Chi dự định xét tuyển sớm vào ngành truyền thông đa phương tiện và một số ngành kinh tế của các trường đại học.
Chi kể, nhiều bạn học của em theo học đội tuyển quốc gia phải đầu tư rất nhiều cho kỳ thi, ít có thời gian chuyên tâm việc học ở trường. Có những bạn còn học để thi IELTS với mục đích nếu không có giải học sinh giỏi quốc gia thì còn xét học bạ bằng giải nhất TP và chứng chỉ ngoại ngữ vào những trường mong muốn.
“Tuy nhiên, với dự thảo quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm không quá 20% đồng nghĩa tỉ lệ cạnh tranh các phương thức này sẽ tăng lên, rất áp lực, cơ hội sẽ thu hẹp. Để đỗ đại học vào trường mong muốn, chúng em sẽ phải vừa luyện IELTS, vừa ôn học sinh giỏi, vừa đi học thêm để đáp ứng được kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới” – Chi bộc bạch.
Khi nghe thông tin trên, nhiều bạn đã bỏ thời gian luyện thi IELTS để chuyển hướng đi luyện thi tốt nghiệp. Rồi có bạn đang học IELTS cũng bỏ để chạy đi ôn đánh giá năng lực với hy vọng cơ hội vào đại học sẽ rộng mở hơn.
"Học kỳ I đã gần kết thúc, nếu dự thảo được thông qua thì quá gấp gáp. Mọi thứ thay đổi quá đột ngột khiến chúng em rất hoang mang bởi đa phần đã có kế hoạch từ trước đó. Do đó, em mong quy chế tuyển sinh giữ nguyên như mọi năm, nếu có điều chỉnh nên từ năm sau để các bạn có sự chuẩn bị” – Khánh Chi nói.
Khánh Linh, HS Trường THPT Phú Nhuận, quận Phú Nhuận cho rằng việc siết xét tuyển sớm ảnh hưởng rất lớn đối với HS.
Một tiết học của cô trò lớp 12 Trường THPT Phú Nhuận, quận Phú Nhuận. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Việc quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm không quá 20% là quá ít vì nhiều bạn đã nỗ lực rất nhiều trong thời gian qua để luyện thi IELTS, để có học bạ đẹp. Trong khi kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới có nhiều điểm mới khiến chúng em bối rối. Do đó, Linh vẫn hy vọng Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển sớm lên 40%.
Dù đạt 8.0 IELTS trong lần thi đầu tiên, Hồng Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Qúy Đôn, quận 3 nhìn nhận khi chỉ tiêu xét tuyển sớm giảm cơ hội vào đại học sẽ khó hơn. Như vậy mọi người sẽ phải tập trung hơn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
“Xét tuyển sớm luôn được nhiều bạn chọn lựa trong nhiều năm qua vì giảm áp lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Em vẫn nghĩ Bộ GD&ĐT sẽ có những điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh đại học cho năm nay nhưng không ngờ chỉ tiêu xét tuyển sớm lại bị điều chỉnh giảm mạnh như vậy” – Hồng Anh nói.
Từng có trường hợp đậu đại học nhưng trượt tốt nghiệp
Việc siết xét tuyển sớm trong năm học này là quá đột ngột, học sinh đề xuất nếu có thay đổi nên áp dụng từ năm tới để có sự chuẩn bị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý đánh giá việc Bộ GD&ĐT siết xét tuyển sớm phần nào tăng thêm áp lực cho HS. Tuy nhiên, ở góc độ trường học, điều này là cần thiết.
Đồng ý với việc siết xét tuyển sớm, thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, lý giải: “Điều này giúp HS tập trung học cho đến khi thi tốt nghiệp, hạn chế tình trạng chưa thi tốt nghiệp đã đậu đại học ở các trường và tránh tình trạng điểm học bạ cao nhưng điểm thi tốt nghiệp thấp” – thầy Thịnh nói.
Ông Võ Nu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn cho biết mấy năm trước do biết kết quả đậu đại học sớm nên HS lơ là việc học chương trình phổ thông, ảnh hướng đến kết quả cuối cùng.
“Vì vậy, việc siết xét tuyển sớm tại các trường khiến các em tập trung hơn cho việc học. Bởi thực tế, tại một số trường đã xuất hiện trường hợp HS đỗ đại học nhưng do chủ quan nên rớt tốt nghiệp”- ông Võ Nu nêu quan điểm.
Theo bà Đỗ Thị Việt Phương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, một trong những lý do để bộ đưa ra chỉ tiêu trên là hiện các trường đại học đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển sớm.
“HS cùng lúc chọn lựa nhiều phương thức xét tuyển đồng nghĩa ngoài học ở trường, các em còn phải đi luyện bên ngoài để đáp ứng, gây áp lực” – bà Phương nói.
Bà Phương cho biết năm học vừa rồi, trường rất khó khăn khi tổ chức ôn tập cho HS thi tốt nghiệp. Lý do nhiều em biết đỗ đại học, nên sau khi kết thúc chương trình lớp 12, không đăng ký học ôn.
“Nhiều bạn dù chưa trúng tuyển phương thức nào nhưng khi thấy bạn cùng lớp nghỉ với tâm lý đám đông cũng xin nghỉ. Năm ngoái chỉ có khoảng 50% HS lớp 12 học ôn. Các trường khác trên địa bàn cũng tương tự. Do đó, việc siết xét tuyển sớm giúp các em không lơ là việc học, trường học dễ quản lý, tổ chức ôn tập từ đó đánh giá được chất lượng của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Về phía HS, do đã quen việc nhiều trường xét tuyển sớm, đa dạng phương thức, dồi dào chỉ tiêu nên khi bị giới hạn sẽ thấy lo lắng và tăng áp lực. Còn các trường đại học sẽ gặp khó vì chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% là quá ít. Chưa kể các ngành nghề đặc thù nó đòi hỏi các tiêu chí xét tuyển khác nhau nên sẽ khó cho các trường khi bị giới hạn như vậy"- bà Phương nói.
Cần điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển sớm Việc đưa ra giới hạn như vậy gây khó cho các trường. Cả nước có số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học rất lớn. Nếu giảm tỉ lệ xét tuyển sớm còn 20%, thì 80% sẽ phụ thuộc trong đợt xét tuyển chung dựa vào kỳ thi tốt nghiệp, sẽ gây quá tải. Hơn nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chỉ gồm 4 môn trong đó Văn – Toán bắt buộc và 2 môn tự chọn. Có những ngành nghề đặc thù đòi hỏi xét tuyển với các tiêu chí khác nhau, 2 môn tự chọn khó đáp ứng. Ông HUỲNH THANH PHÚ, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 |
Nguồn: [Link nguồn]
Việc giảm quy mô xét tuyển sớm không những không gây khó khăn, mà còn tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và cho thí sinh. Đã đến...