Học sinh lớp 1 thích điểm 10 hơn "khen suông"

Đầu năm học mới, nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội thực hiện quy định bỏ chấm điểm đối với học sinh lớp 1, giáo viên chỉ nhận xét năng lực học tập của các em. Tuy nhiên, qua khảo sát, phần lớn các em học sinh thích cô giáo cho điểm hơn là khen.

Theo hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học 2013-2014 của Bộ GD-ĐT ban hành, kể từ năm hoc mới, đối với học sinh lớp 1, khuyến khích giáo viên chỉ nhận xét, không chấm điểm học sinh. Nếu chấm điểm, giáo viên không nên thông báo điểm số cho gia đình học sinh. Giáo viên tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào.

Học sinh thích điểm 10 hơn lời khen

Cô Trần Bích Hậu, giáo viên chủ nhiệm lớp 1, trường Tiểu học Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho hay, quy định không chấm điểm đối với học sinh lớp 1 được nhà trường triển khai từ đầu năm học 2013-2014. Qua hơn 2 tuần thực hiện, giáo viên nhận thấy nhiều học sinh không thích thú với việc nhận xét bài viết bằng lời khen bởi tâm lý, các em vẫn thích được cô giáo cho điểm hơn.

“Năm học 2012, khi chúng tôi còn thực hiện việc cho điểm cho học sinh lớp 1, học sinh khi được cô giáo cho điểm 9, điểm 10 đều ồ lên vì vui, tinh thần học tập của lớp rất sôi nổi. Còn kể từ năm học mới này, khi trường bỏ quy định chấm điểm thay vào đó bằng nhận xét, học sinh làm bài tốt được cô giáo khen cũng chỉ nhích môi cười nhẹ, lớp học kém sôi động hơn”, cô giáo Hậu chia sẻ.

Học sinh lớp 1 thích điểm 10 hơn "khen suông" - 1

Lời nhận xét tốt của cô giáo dành cho học sinh lớp 1

Việc nhận xét bài của học sinh khiến giáo viên mất nhiều thời gian bởi khi nhận xét bài thầy cô phải viết nắn nót từng chữ trên vở học sinh. Đặc biệt, nhiều cô giáo gặp khó khăn trong việc nhận xét nhiều bài của học sinh trong cùng một thời điểm.

“Nếu như còn quy định cho điểm học sinh, trong giờ lên lớp chúng tôi vừa dậy học vừa có thể chấm điểm cho học sinh được. Khi đó, thấy bài em nào sai ở lỗi nào chúng tôi sẽ nói ngay để học sinh hiểu, sửa chữa. Còn giờ nhận xét bài mất nhiều thời gian hơn, tôi lại phải chọn thời gian ra chơi hoặc về nhà để nhận xét bài của các em. Những lúc ấy có muốn góp ý cái sai sót của học sinh thì các em học sinh lại không ở bên”, cô Hậu cho hay.

Theo cô Hậu, việc nhận xét bài đối các em học sinh cũng là “bài toán khó” đối với các cô giáo giảng dạy. Nếu như học sinh có học lực tốt cô giáo dễ dàng hơn trong việc nhận xét, còn đối với học sinh có học lực yếu thì thầy cô lại phải đưa ra lời nhận xét khéo léo để các em học sinh không cảm thấy bị tự ti và tiếp tục phấn đấu học tập trong giờ học sau.

“Trong quá trình dạy học cũng có những em học sinh viết chữ rất xấu. Khi xem bài tôi đã không dám nhận xét ngay là nét chữ quá tệ mà thay vào đó cô giáo vẫn phải nhận xét học sinh theo hướng tích cực, chữ viết có tiến bộ học sinh cần viết nắn nót hơn ở bài lần sau”, cô Hậu nói

Tuy nhiên, theo cô Hậu việc nhận xét bài cho học sinh cũng có nhiều điểm lợi đối với phụ huynh học sinh. Khi cha mẹ các em xem những nhận xét tốt, chưa tốt của giáo viên, họ sẽ căn cứ vào đó để động viên thưởng cho con hoặc kèm cặp con hàng ngày để các em học tập được tốt hơn.

“Dù các em con nhỏ chưa hiểu được hết tầm quan trọng của việc cho điểm nhưng về cơ bản việc chuyển sang nhận xét bài của học sinh là hướng đi tốt. Bởi khi các em không bị áp lực trong chuyện học tập, các em sẽ hào hứng hơn khi đến trường” cô Hậu chia sẻ.

Cô Hậu cho biết, đối với những học sinh có học lực yếu, cô giáo sẽ nhận xét bài viết và góp ý ngay trên lớp và trao đổi với phụ huynh kèm cặp các em thêm khi về nhà. Hàng ngày, hàng tuần, giáo viên gặp cha mẹ học sinh để trao đổi thêm về tình hình học tập của các em trên lớp.

Học sinh lớp 1 thích điểm 10 hơn "khen suông" - 2

Lời nhận xét bài chưa tốt, học sinh cần cố gắng

Là trường triển khai quy định bỏ chấm điểm đối với học sinh lớp 1, bà Nguyễn Thị Hưởng, Hiệu trưởng trưởng Tiểu học An Khánh B, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, nhà trường triển khai quy định không chấm điểm cho học sinh lớp 1 từ đầu năm học mới. Dù mới triển khai được gần 3 tuần, nhưng phần lớn các em học sinh không mấy hào hứng với việc nhận xét bài của giáo viên.

“Trong giờ học, chúng tôi thấy các em học sinh vẫn thích được cô giáo chấm điểm tốt để về khoe với gia đình. Đặc biệt, khi thấy bạn cùng lớp có điểm, học sinh có học lực kém cũng muốn giơ tay phát biểu để được điểm cho bằng bạn, bằng bè”, bà Hưởng kể.

Bà Hưởng cho biết thêm, khi nhận xét bài của học sinh cô giáo trong trường phải khá linh hoạt, mềm dẻo đối với từng em. Học sinh học có bài viết tốt, cô giáo thường nhận xét kỹ để học sinh thấy được điểm mạnh để phát huy. Còn những bài viết yếu cô giáo sẽ nhận xét trên tinh thần xây dựng và động viên các em học tập.

Muốn con thoải mái khi đến trường!

Chị Nguyễn Thị Linh, 37 tuổi, ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, có con học lớp 1 ở trường tiểu học Đại Kim cho hay, về mặt tâm lý thì cả phụ huynh và học sinh cũng rất cần cô giáo cho điểm. Đôi khi điểm cô giáo cho học sinh cũng là động lực để các em phấn đấu và là điều kiện để bố mẹ có những phần thưởng bất ngờ cho con. Tuy nhiên, nếu gia đình vì điểm mà gây áp lực cho cái thì dễ gây cho trẻ tâm lý mệt mỏi chán nản.

“Tôi cho rằng việc cô giáo không chấm điểm chuyển sang hình thức nhận xét cũng là một cách làm hay. Ở lứa tuổi nhỏ, các con đang dần hoàn thiện về mặt nhận thức, ý thức học hành nên việc các em không bị áp lực học tập cũng là một việc làm cần thiết. Cô giáo nhận xét bài viết, dù các con không hào hứng bằng việc cho điểm nhưng các con sẽ thấy thoải mái hơn”, chị Linh chia sẻ.

Chị Phạm Thị Hoa, ở quận Đống Đa, có con học tại trường tiểu học Thái Thịnh cho biết, những năm học trước, con lớn nhà chị đi học gia đình chị thường động viên con bằng việc thưởng quần áo mới hay cho con đi chơi công viên mỗi khi con đi học về khoe đạt điểm 10. Còn năm học mới này, đứa thứ 2 bước vào lớp 1, cô giáo không chấm điểm mà chuyển sang nhận xét bài viết thì gia đình chị lại căn cứ vào lời khen của cô giáo để động viên con.

“Mới bước vào học lớp 1 các con chưa hiểu và quan tâm nhiều đến thành tích học tập. Do vậy, chúng tôi cũng không đòi hỏi con phải đạt điểm cao khi đến lớp. Cái chúng tôi quan tâm hơn hết chính là việc các con có được tâm lý thoải mái khi đến trường”, chị Hoa nói.

Anh Nguyễn Thành Chung ở phố Phương Mai, Quận Hoàng Mai, Hà Nội có con theo học lớp 1 tại trường tiểu học Phương Mai kể, mấy tuần đầu con đi học, về nhà gia đình anh có hỏi con đi học có được điểm tốt không, con chỉ nói là hôm nay cô giáo chỉ khen chứ không cho điểm.

“Vẻ mặt của con lúc ấy tuy không mấy hào hứng nhưng chúng tôi vẫn phải khen để con thấy việc cô giáo khen tức là con đã học tập tốt rồi”, anh Chung tâm sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN