Học sinh kiệt sức vì bài tập về nhà

Sự kiện: Giáo dục

Mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được đánh giá là giảm tải cho học sinh nhưng thực tế các em phải… "vắt chân lên cổ mà chạy", phờ phạc vì lịch học dày đặc, thức khuya làm bài tập về nhà

Bài tập về nhà, các chuyên đề, dự án dù được xem là biện pháp giúp học sinh (HS) ôn luyện, củng cố kiến thức, đổi mới phương pháp dạy học truyền thống nhưng chính điều này đang gây áp lực lớn lên HS. Tình trạng HS vật lộn với việc học đang diễn ra ở hầu hết các khối, lớp tại TP HCM.

Nửa đêm làm không hết bài tập

Chị Ngô Hồng, ngụ TP Thủ Đức, cho biết con chị học lớp 7, thường phải thức dậy lúc 5 giờ sáng để kịp hoàn thành bài tập về nhà vì tối làm không kịp. "Xót con, tôi nói cháu cố gắng hoàn thành vào buổi tối để sáng ngủ được đủ giấc nhưng tối con thức không nổi, vừa làm bài vừa ngủ gật. Không hiểu chương trình thế nào, đã học 2 buổi ở trường mà con làm bài tập đến nửa đêm vẫn chưa hết bài" - chị Hồng nói.

Em L.T., HS một trường THCS tại quận 1, cho hay mới 2 tuần học đầu của lớp 8, em gần như kiệt sức do học 2 buổi ở trường, tối phải làm nhiều bài tập. "Cô giáo yêu cầu làm dự án, chuyên đề. Muốn làm dự án, chúng em phải đi thực tế, quay clip, thiết kế bài sau đó thuyết trình, mà hầu như môn nào cũng có chuyên đề. Nhiều môn học đồng loạt làm chuyên đề, từ nghiên cứu khoa học, sản phẩm của STEM, hoạt động trải nghiệm tiếng Anh… Năm sau vào lớp 9, em muốn tập trung học 3 môn để thi lớp 10 nhưng hầu như không còn thời gian học thêm nữa" - em L.T. bày tỏ.

Bậc THCS đã vậy, THPT càng áp lực hơn. Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, ngụ huyện Hóc Môn, nói con gái chị năm nay học lớp 12, phải "chạy học" như… chạy sô. "Ngoài 2 buổi đến trường, ngày nào cháu cũng phải đi học thêm các môn toán, vật lý, tiếng Anh, tối phải làm bài tập cho kịp các tiết học của hôm sau. Gần như đêm nào cháu cũng ngủ sau 24 giờ, không có nhiều thời gian ngủ, nghỉ" - chị Oanh than thở.

Theo thầy Võ Kim Bảo, giáo viên (GV) Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), thường thì GV nào cũng giao bài tập về nhà cho HS nhưng tùy mỗi thầy cô sẽ có cách giao bài khác nhau. Nếu việc giao bài tập về nhà không khoa học, phù hợp sẽ tạo áp lực, khiến HS xem đó là cực hình. "Tôi thường giao bài tập nhưng cho các em một tuần, thậm chí 2 tuần để chuẩn bị, không giao theo ngày. Hoặc cũng có thể lên lớp làm bài tập theo dạng đề mở, HS được thoải mái dùng tài liệu, các em không phải học văn mẫu và cách đánh giá cũng nhẹ nhàng để HS không cảm thấy áp lực" - thầy Bảo nói về cách giao bài tập của mình.

Một dự án mini môn lịch sử được thực hiện trong vòng 15 phút tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM) Ảnh: Tuấn Quỳnh

Một dự án mini môn lịch sử được thực hiện trong vòng 15 phút tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM) Ảnh: Tuấn Quỳnh

Cái gì cũng yêu cầu làm dự án!

Mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được đánh giá là giảm tải cho HS, dạy học theo hướng phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất nhưng có một thực tế là hầu hết HS phải…. vắt chân lên cổ mà chạy. Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), khẳng định nếu mang chương trình cũ ra so sánh sẽ thấy chương trình mới đã giảm tải nhiều, đầu tiên là giảm số môn học. Tuy nhiên, nhiều GV bị áp lực đổi mới phương pháp nên cái gì cũng yêu cầu làm dự án.

Từ thực tế là người thường xuyên tổ chức các dự án để HS thực hành, trải nghiệm, theo thầy Du, đối với các dự án, chuyên đề có thể tích hợp nhiều môn, một đề tài, một sản phẩm lấy điểm nhiều môn, như vậy sẽ không gây áp lực cho HS. Nguyên tắc khi giao HS thực hiện dự án là bảo đảm tính vừa sức, thời gian yêu cầu hoàn thành 1-2 tuần cho HS chuẩn bị. Hình thức bài tập mới mẻ, vận dụng nhiều phương pháp, không bắt HS học thuộc lòng.

Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, đối với các trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày từ bậc THCS, theo quy định, hạn chế giao bài tập về nhà cho HS. Còn ở bậc tiểu học, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là chương trình 2 buổi/ngày, quy định không giao bài tập về nhà cho HS, mọi kiến thức, bài tập được giải quyết trên lớp. Riêng đối với việc yêu cầu làm dự án ở các trường, theo ông Minh, GV phải giao nhiệm vụ cụ thể. Ông Minh lưu ý: "Trong kế hoạch của nhà trường, GV phải có kế hoạch cụ thể theo kế hoạch chuyên môn của tổ chuyên môn. Cái nào dự án, cái nào chuyên đề phải phù hợp với đối tượng HS. Làm cái gì, làm như thế nào, HS có nhiệm vụ gì, yêu cầu sản phẩm thế nào phải thông báo rõ".

Ông Minh cũng nhìn nhận áp lực của HS là rất lớn do phải đi học thêm. Nhiều phụ huynh hiện còn tâm lý phải cho con đi học thêm, học đến 17 giờ ở trường xong còn cho con đi học thêm nhiều môn khác, đến khuya chưa về đến nhà nên không còn thời gian chuẩn bị bài cho ngày hôm sau. 

Giáo viên cũng than quá tải

Không những HS quá tải, nhiều GV cũng đang kêu trời vì khối lượng công việc quá nhiều, phải kiêm thêm nhiệm vụ. "GV ngữ văn phải kiêm thêm nhiệm vụ dạy tiết giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, chuyên đề sinh hoạt dưới cờ. Hơn nữa, kể từ khi có quy định ít nhất 35% khối lượng bài giảng của GV giao qua hệ thống học tập trực tuyến LMS để HS tự học thì GV càng thêm quá tải.

"Không phải chỉ một môn, trong tình hình thiếu GV, mỗi thầy cô phải làm thêm phần việc của môn học khác, thứ bảy, chủ nhật cũng phải làm, khối lượng công việc là 135% chứ không phải 100% nữa" - GV một trường tại quận 1 cho biết.

Nguồn: [Link nguồn]

Khi trẻ nói ”con không muốn làm bài tập về nhà”, câu trả lời của cha mẹ rất quan trọng

Nếu không xử lý đúng cách khi con chán học, cha mẹ có thể vô tình khiến con mình ngày càng buông xuôi, lười học hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐẶNG TRINH ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN