Học sinh Hà Nội không phải đóng những khoản tiền trường nào?
Theo quy định của Hà Nội, trong năm học 2018 - 2019 các trường công lập sẽ không được phép thu một số khoản như: bảo vệ cơ sở vật chất, an ninh nhà trường, trông xe, khen thưởng giáo viên, cơ sở vật chất...
UBND TP.Hà Nội vừa có Công văn số 3464/UBND-KGVX về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo năm học 2018 - 2019 gửi các Sở: GD&ĐT, Tài chính, LĐ-TB&XH và UBND các quận, huyện, thị xã.
Theo đó, thành phố yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc theo phân cấp: Công khai mức thu học phí; tăng cường công tác nâng cao chất lượng dạy và học, không để xảy ra việc lạm thu và tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định; công tác thu, chi tài chính phải công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích.
Bước vào năm học mới, Hà Nội cũng đã áp dụng học phí mới được nâng lên so với năm học trước. Cụ thể, học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, GDTX công lập năm học 2018 - 2019, áp dụng tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành thị là 155.000 đồng/tháng/học sinh; địa bàn nông thôn 75.000 đồng/tháng/học sinh; địa bàn các xã miền núi 19.000 đồng/tháng/học sinh.
Năm học 2018 - 2019, Hà Nội tiếp tục thực hiện không thu một số loại tiền tại trường công lập. Ảnh: Q.A
Theo quy định của Sở GD&ĐT&ĐT Hà Nội, năm học 2018 - 2019, tại các trường học với các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị, Sở yêu cầu các trường thực hiện theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh.
Phụ huynh không được gắn bất kỳ điều kiện ràng buộc nào về đặc quyền, đặc lợi trong việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ tài sản, kinh phí đã đóng góp cho nhà trường.
Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của học sinh hoặc gia đình học sinh các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Hội cha mẹ học sinh, như: bảo vệ cơ sở vật chất, an ninh nhà trường, trông coi xe, vệ sinh trường lớp, khen thưởng giáo viên, mua sắm trang thiết bị dạy học, sửa chữa, xây mới các công trình của nhà trường.
Ngoài ra, các trường công lập cũng được phép thu các khoản thu hộ bao gồm: Bảo hiểm thân thể, Bảo hiểm y tế, Quỹ đội. Các trường thu 4 khoản được phép thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh, bao gồm: Khoản thu phục vụ bán trú, trong đó bao gồm: tiền ăn (thu theo thỏa thuận với phụ huynh); tiền chăm sóc bán trú; tiền trang thiết bị phục vụ bán trú. khoản thu học 2 buổi/ngày. Học phẩm (chỉ áp dụng với mầm non). Khoản thu nước uống tinh khiết cho học sinh, áp dụng cho tất cả các cấp học từ mầm non tới THPT.
Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ ban hành mức trần của các khoản thu thỏa thuận. Trên cơ sở mức trần quy định, các cơ sở giáo dục căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị xây dựng dự toán chi làm căn cứ tính toán mức thu. Có văn bản thỏa thuận đến từng cha mẹ học sinh về nội dung chi, mức thu với nguyên tắc thu đủ chi trên tinh thần tự nguyện và có sự thống nhất trong Ban giám hiệu nhà trường.
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trong năm học 2018 - 2019, sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn và xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu.
Bên cạnh tăng học phí, người dân mong muốn chất lượng giáo dục phải tăng theo và triệt để xử lý nạn lạm thu