Học sinh Hà Nội đến trường sau một năm học ở nhà, phụ huynh cần chuẩn bị những gì?
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình Sơn, Hội tâm lý học Giáo dục Hà Nội cho rằng sau gần một năm học sinh Hà Nội ở nhà, học trực tuyến, cha mẹ cần hỗ trợ tâm lý cho con trước ngày đi học trực tiếp.
Theo ông Sơn, sau khi Hà Nội thông báo từ ngày 8/2, học sinh lớp 7-12 cho học sinh đi học trực tiếp sau gần 1 năm các em ở nhà, học trực tuyến, Hội Tâm lý học Giáo dục Hà Nội, đã tổ chức thảo luận khoa học và đưa ra một số “Hỗ trợ tâm lý học đường trong đại dịch”, trợ giúp cha mẹ cùng thầy cô phòng ngừa và bảo vệ học sinh về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Các chuyên gia khẳng định, đối với học sinh, giáo viên việc trở lại trường học luôn là điều được mong chờ. Tuy nhiên, trong khi vẫn còn dịch COVID-19 mà các em đi học, cha mẹ học sinh và các em sẽ cảm thấy lo lắng hơn bình thường. Các em sẽ đối diện với nhiều cảm xúc lẫn lộn, vừa vui mừng vừa lo lắng, nhất là việc thiết lập lại các thói quen mới như dậy sớm đi học, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, áp lực học tập.... Thậm chí, ở nhà lâu ngày, việc chia tách môi trường gia đình cũng khiến một số em cảm thấy không an toàn, ngại đi học.
Ông Sơn khuyến cáo, cha mẹ nên chuẩn bị tâm lý cũng như thiết lập cho con những thói quen như: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang trong giờ học; tuân thủ 5K... Nói với con việc quay lại trường lần này vẫn sẽ bị hạn chế các hoạt động tập trung đông đúc bạn bè, tránh việc con kỳ vọng quá mức sẽ được tham gia nhiều hoạt động vui chơi sau thời gian dài ở nhà nhưng không được như vậy sẽ thất vọng.
Một số tình huống phụ huynh cần trao đổi với con để phòng ngừa như: Bạo lực học đường có thể xảy ra sau một thời gian dài không tương tác bạn bè; Áp lực gây căng thẳng trong học kỳ đầu tiên trở lại trường; Kỷ luật tích cực lỏng lẻo do ở nhà quá lâu; Kết quả học tập sụt giảm...
Cha mẹ truyền thái độ tích cực, giảm lo lắng
Chuyên gia khẳng định, trường học sẽ an toàn nếu được quản trị rủi ro một cách an toàn. Mọi người cần làm việc cùng nhau để giảm sự lây truyền dịch bệnh trong cộng đồng và bảo vệ con cái.
Để đảm bảo thêm, cha mẹ cần tìm hiểu cách giúp con kiểm soát sự lo lắng có thể phát sinh từ việc trở lại trường học trong thời kỳ đại dịch chưa kết thúc. Vậy cha mẹ có thể làm gì giúp các con?
Đầu tiên cần đảm bảo học sinh từ 12 tuổi trở lên đều đã được tiêm phòng. Cha mẹ cũng cần đảm bảo đã tiêm phòng đủ các mũi. Chúng ta càng có thể giảm mức độ lây truyền trong cộng đồng của mình thông qua tăng cường hệ miễn dịch, các con cũng ít bị ảnh hưởng. Cách bảo vệ tốt nhất cho các em là sự bảo vệ từ cộng đồng xung quanh.
Cha mẹ cần thảo luận với các con về việc đeo khẩu trang đúng cách, cần thay trong trường hợp cần thiết. Đến trường cũng đồng nghĩa với tinh thần sẵn sàng chấp nhận tình huống bạn hoặc bản thân là F0 nhưng con không phải bối rối, hoảng hốt vì sẽ có thầy cô, bác sĩ hỗ trợ.
Tuần trước khi đi học, cha mẹ nên giúp con giảm bớt thách thức trong giai đoạn chuyển đổi môi trường học, cách học và trấn an nếu con lo lắng.
Cha mẹ cũng nên có thái độ tích cực, đồng thời nhắc nhở con trẻ rằng thầy cô đều đang làm việc để giữ an toàn cho các con khi được quay trở lại trường học. Mặc dù không thể hứa với trẻ rằng các con sẽ không bị bệnh nhưng chúng ta có thể cho chúng thấy chúng ta tin tưởng vào các biện pháp phòng ngừa mà trường học đang thực hiện. Cha mẹ cũng có thể cùng con xem xét những cách gia đình đã thực hành an toàn ở nhà và nơi công cộng, chẳng hạn như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và duy trì quy tắc giãn cách xã hội.
Thiết lập quy trình và mô hình hỗ trợ tại gia đình và nhà trường. Những ngày đầu, cha mẹ hỗ trợ nhắc nhở trẻ về lịch học hàng ngày, sách vở và dụng cụ học tập. Nhắc con có thể không ôm và nắm tay bạn như trước nhưng có thể cười nhiều hơn và vẫn có thể chơi vui mà không cần quá sát bên nhau.
Khi trẻ đến trường, đối diện với các tình huống như lớp học có F0 hay các vấn đề khiến trẻ lo lắng, áp lực, thầy cô nên hướng dẫn cho các em "mẹo bỏ túi" như: hít thở sâu; bình tĩnh đếm từ 1 đến 100; sử dụng các câu "thần chú" tích cực, nhờ sự tư vấn của thầy cô....
Về phía các trường học, khi đón học sinh đi học trở lại cũng cần khởi động mô hình Phòng tư vấn tâm lý học đường để hỗ trợ học sinh một cách hiệu quả nhất.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo Bộ GD-ĐT, đã có 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp bắt đầu trong khoảng...