Học sinh 'dễ lấy điểm 7, 8' môn Văn thi tốt nghiệp
Đề thi Văn tốt nghiệp THPT quen thuộc, câu hỏi 5 điểm vào bài thơ "Đất Nước" vốn được ôn kỹ, nên thí sinh dễ lấy điểm 7, 8, theo nhiều giáo viên.
Sáng 27/6, hơn một triệu thí sinh hoàn thành bài thi Ngữ văn - môn đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Đề thi có cấu trúc tương tự các năm và đề minh họa, gồm hai phần Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm). Phần Đọc hiểu cho ngữ liệu là một đoạn trích từ tác phẩm Dòng sông và những thế hệ của nước với bốn câu hỏi.
Phần Làm văn gồm một câu nghị luận xã hội (2 điểm) yêu cầu viết 200 chữ, trình bài ý nghĩa của việc "tôn trọng cá tính". Câu nghị luận văn học đòi hỏi thí sinh phân tích đoạn đầu tác phẩm Đất Nước, nhận xét sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Các giáo viên đánh giá đề thi không thách đố. Dù vậy, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng Ngữ văn, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên, cho rằng đề có những "điểm sáng", đáng khen, như ngữ liệu phần Đọc hiểu là một văn bản hay. Câu nghị luận xã hội với chủ đề "tôn trọng cá tính" có ý nghĩa thiết thực. Đề thi tuy quen thuộc nhưng vẫn có thể phân hóa được học sinh.
"Tôi cho đây là đề Văn tốt hơn các năm trước, phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp", thầy Minh nói.
Một giáo viên ở TP HCM có nhận định tương tự. Phân tích kỹ hơn, ông cho hay câu 1 và 2 ở mức độ nhận biết cơ bản, chỉ cần dựa vào văn bản để ghi câu trả lời nên sẽ dễ dàng với thí sinh. Câu 3 ở mức độ thông hiểu, đòi hỏi thí sinh phải hiểu được hình ảnh liên tưởng trong đoạn trích và đánh giá tác dụng. Ở câu này, thí sinh nên đánh giá cả mặt hình thức nghệ thuật lẫn nội dung biểu đạt để có thể lấy điểm tối đa.
Với câu 4, thí sinh được tùy ý nêu bài học mà bản thân tâm đắc. Song, thông thường hướng dẫn chấm sẽ yêu cầu các em giải thích vắn tắt suy ngẫm tác giả và đưa ra bài học. Nhiều em quên ý này sẽ mất điểm.
Chủ đề "tôn trọng cá tính" trong câu nghị luận xã hội được thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Ngữ văn trường THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM, nhận xét phù hợp với tâm lý thí sinh, gần gũi và có tính giáo dục cao.
"Thí sinh có kỹ năng viết đoạn văn nghị luận sẽ dễ dàng giải quyết câu này vì vấn đề đặt ra đơn giản, dễ tìm ý, dẫn chứng", thầy Đức Anh nhận định.
Phần nghị luận văn học yêu cầu phân tích đoạn đầu trong bài "Đất Nước", vốn là bài được ôn tập, thực hành kỹ với học sinh lớp 12. Đoạn thơ được cho sẵn, thí sinh dễ dàng hồi tưởng lại kiến thức về tác phẩm, tác giả.
Theo cô Dương Thị Thanh Thủy, Tổ trưởng Ngữ văn, trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp, Hà Nội, yêu cầu nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm là phần phân hóa thí sinh. Để làm tốt câu này, ngoài kiến thức về tác giả, tác phẩm, thí sinh phải thành thạo kỹ năng phân tích thơ, hiểu sâu nội dung tư tưởng mà tác giả gửi gắm.
"Học sinh trung bình nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được điểm 5,5-6,6, đủ đỗ tốt nghiệp, học sinh khá có thể đạt 7-7,5", cô Thủy nói.
Trong khi đó, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh và các giáo viên ở TP HCM đều dự đoán học sinh dễ lấy điểm 7, 8, vì đề quen thuộc, không quá khó.
Thí sinh dự thi môn Ngữ văn tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP HCM, sáng 27/6. Ảnh: Quỳnh Trần
Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào ngày 26-28/6 với hơn 1 triệu thí sinh. Kết quả sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 17/7.
Năm ngoái, với số thí sinh tương tự, cả nước chỉ có một điểm 10 môn Văn. Mức điểm trung bình là 6,86. Mốc điểm nhiều thí sinh đạt được nhất là 7.
Tác phẩm "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được chọn làm ngữ liệu trong đề Văn thi tốt nghiệp THPT 2024 với câu 5 điểm.
Nguồn: [Link nguồn]