Học sinh đang sống vô cảm, thiếu nhân ái
Đó là một trong những kết quả khảo sát đáng chú ý của Viện Nghiên cứu giáo dục TP.HCM (thuộc ĐH Sư phạm TP.HCM) trong hội thảo đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục đạo lý dân tộc và ý thức công dân cho học sinh (HS) THPT TP.HCM do viện tổ chức sáng 18-12.
Kết quả khảo sát được tiến hành tại 20 trường THPT ở 12 quận/huyện của TP.HCM với 1.800 phiếu. Trong đó có 12 trường công lập và tám trường ngoài công lập.
Bà Vương Thị Trúc Bạch chia sẻ quan điểm của mình về giáo dục HS tại hội thảo sáng 18-12
Gần 47% HS sống thực dụng
Theo khảo sát này, có đến 57,4% HS thiếu hiểu biết về lịch sử và truyền thống đạo lý dân tộc; 57,3% HS thiếu hiểu biết về hiến pháp và pháp luật; 49,8 % HS không thích học các môn khoa học xã hội; 42,5 % thiếu tôn trọng thầy cô giáo và nói xấu thầy cô; 34,8% HS lười làm việc và không biết làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ; 46,8% HS sống thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất và chọn nghề kiếm được nhiều tiền; 37,6% các em sống thiếu nhân ái, vô cảm; 42,9% HS thiếu ý thức trách nhiệm công dân, không tự giác chấp hành pháp luật.
Điều đáng nói trong khảo sát này có đến 75,9% HS công lập và 62,7% HS dân lập là HS khá giỏi, 92,9% HS công lập và dân lập có hạnh kiểm khá và tốt. Qua khảo sát, tỉ lệ các em hiểu biết rất rõ về đạo lý dân tộc, pháp luật chiếm tỉ lệ rất cao, từ trên 50% HS trở lên thế nhưng thực hiện những điều đó vào đời sống thực tế lại rất hạn chế.
Đánh giá về khảo sát này, PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng viện nghiên cứu này, cho hay chính độ chênh và tỉ lệ HS thiếu hiểu biết đó cho thấy việc giáo dục pháp luật, đạo đức trong nhà trường còn nhiều hạn chế và bất cập, chưa tác động đến nhận thức HS.
“Nhiều HS thậm chí không hiểu biết gì và rất thờ ơ về quyền công dân của mình. Và như thế dẫn đến thực tế là hiện nay có một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên có lối sống lệch lạc, hưởng thụ, ích kỷ, xuống cấp về đạo đức, cao hơn là tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa cũng là điều dễ hiểu và rất đáng lo lắng” - PGS-TS Ngô Minh Oanh nói.
Thiếu giáo dục về tình thương
Phân tích về vấn đề này, TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, nhìn nhận không chỉ HS mà ngay cả ý thức chấp hành pháp luật của người dân hiện nay cũng rất kém. Trách nhiệm của Nhà nước là một phần nhưng nếu người dân không ý thức tôn trọng pháp luật và hợp tác thì không thể hạn chế cái xấu được.
Theo ông Minh, nội dung giáo dục nhiều nhưng lại thiếu về giáo dục tình thương, lòng nhân ái và trách nhiệm của con người vì đây chính là cội rễ của mọi vấn đề. Từ mầm non phải dạy các em qua những câu chuyện cụ thể, dễ hiểu nhưng học cao hơn thì phải để các em tranh luận về những vấn đề thực tế trong cuộc sống để các em hiểu và thấm vào nhận thức hơn. Chúng ta phải cho HS trải nghiệm và cảm nhận chứ không thể cấp học nào các em cũng ngồi im nghe, viết bài rồi học thuộc lấy 10 điểm là xong, đến khi ra xã hội lại không vững vàng, không dám đấu tranh với cái xấu.
Để làm được điều này, theo ông Minh, ngay cả về đánh giá cũng phải thay đổi, không thể cứ cuối kỳ thi cử và kiểm tra là xong mà phải có cách đánh giá quá trình học của các em. Chúng ta phải bỏ ngay kiểu học để thi, học như chạy marathon lâu nay mà phải dạy để HS làm người thực sự.
Dạy cho học sinh những điều nhỏ nhất Bà Vương Thị Trúc Bạch, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho rằng giáo dục đạo đức, pháp luật cho HS nghe cao siêu nhưng thực ra phải xuất phát từ những việc làm nhỏ, giáo dục những điều nhỏ cho HS ngay trong lớp học và nhà trường. Cụ thể như dạy các em hiểu về lịch sử trường, tôn trọng đồng phục các em đang mặc để các em yêu quý hơn. Thượng tôn pháp luật cũng chính là các em phải tôn trọng và thực hiện nghiêm nội quy nhà trường, đi xe đến cổng trường phải xuống xe và bỏ mũ ra rồi mới vào trường. Theo bà Bạch, nhà trường và giáo viên không nên trông chờ vào sách hay chương trình mà nên tận dụng từng buổi chào cờ, từng tình huống trên mặt báo và bài học ở lớp để giáo dục các em về pháp luật, lòng yêu thương và chia sẻ. Các em làm tốt thì khen hết lời nhưng em sai hay cá biệt thì giáo viên khéo léo trao đổi riêng với phụ huynh và các em để các em tốt hơn. |