Học sinh dân tộc nội trú chen chúc trong ký túc xá tạm

Sự kiện: Giáo dục

Dự án xây dựng ký túc xá mới bị ngưng trệ do vướng phần đất cho giáo viên mượn chưa chịu trả, gần 800 học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An đang phải ở ghép, sống chen chúc trong những căn phòng ký túc xá tạm chật hẹp.

Các em học sinh ở trong khu ký túc xá chật chội, quần áo giăng kín lối đi.

Các em học sinh ở trong khu ký túc xá chật chội, quần áo giăng kín lối đi.

Nhiều tháng nay, gần 800 học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An phải ở ghép, sống chen chúc trong những phòng ký túc xá tạm. Mỗi phòng ký túc xá ở đây rộng chưa tới 20m2, theo quy chuẩn sẽ có 8 người ở chung một phòng nhưng hiện tại mỗi phòng phải ghép 12 - 14 học sinh. Các học sinh phải ngủ hai người trên một giường đơn, rộng chưa tới 90cm. Đồ dùng sinh hoạt cá nhân các em xếp chồng lên nhau, quần áo giăng kín chiếm gần hết lối đi ở các tầng.

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An được xây dựng từ năm 1984. Sau hàng chục năm đưa vào sử dụng, khu nhà ở ký túc xá cùng nhiều trang thiết bị phục vụ học tập, sinh hoạt cho học sinh đã xuống cấp . Ngày 27/12/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng một số hạng mục Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư hơn 62 tỷ đồng, được trích từ nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2024, đúng dịp kỷ niệm 40 năm thành lập trường. Tuy nhiên, dự án đang bị gián đoạn, nhiều hạng mục đình trệ do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Theo tìm hiểu, năm 2006, Hiệu trưởng nhà trường lúc đó là ông Nguyễn Đậu Trương đã ký hợp đồng cho 5 thầy cô mượn nhà ở khu tập thể cán bộ giáo viên do các thầy cô có thời gian công tác lâu năm, nhưng khó khăn về nhà ở. Trong hợp đồng ghi rõ các điều khoản như: kinh phí xây dựng nơi ở gia đình tự bỏ tiền, không cơi nới quá khu vực quy định, thời gian sử dụng đến khi nào nhà trường có nhu cầu báo trước ít nhất 12 tháng để các hộ gia đình tìm chỗ ở mới… Tuy nhiên, khi có chủ trương xây dựng ký túc xá mới cho học sinh, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An đã làm việc với các hộ gia đình mượn đất, nhà tập thể và đề nghị họ chuyển đi để lấy mặt bằng. Trong đó, một hộ không có ý kiến gì, các hộ còn lại xin thời gian 3 năm để chuyển đi và nhà trường đồng ý. Đến năm 2023, khi công trình khởi công, các hộ này vẫn chưa chịu di dời và có đơn thư gửi các cấp với nội dung xem xét việc hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng. Họ cho rằng, diện tích đất cấp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An chồng lấn lên đất ở cá nhân.

“Phòng chúng em đang ở có 14 người, phải ngủ 2 người/giường đơn rất chật chội, nóng bức. Thầy cô cũng động viên chúng em chia sẻ với nhà trường trong thời gian chờ xây ký túc xá mới. Chúng em rất mong công trình sớm hoàn thành”.

Một nữ sinh lớp 11 chia sẻ

Không đủ điều kiện được bồi thường

Thời gian qua, các hộ gia đình này đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại lên UBND tỉnh Nghệ An. Qua nhiều cuộc vận động, đối thoại, có 3 hộ gia đình đồng ý chuyển đi, còn 2 hộ dân Nguyễn Văn Kỳ và Sầm Thị Sơn chưa bàn giao mặt bằng và tiếp tục có khiếu nại, kiến nghị.

Tại buổi tiếp công dân định kỳ tháng 2/2024 của UBND tỉnh Nghệ An, ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An cho hay, khu tập thể Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh là một phần diện tích của khu đất được UBND tỉnh cho phép trường sử dụng có nguồn gốc từ năm 1984, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích hơn 11.200m2. Căn cứ quy định của Luật Đất đai năm 2013 và kết quả kiểm tra, xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân, khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới một số hạng mục công trình của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh thì Nhà nước không thực hiện thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

UBND tỉnh Nghệ An cho rằng các nội dung khiếu nại, kiến nghị của công dân đã được UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành có liên quan và UBND TP Vinh kiểm tra, rà soát và đã có kết luận, trả lời “không có căn cứ để giải quyết và không đủ điều kiện để được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định pháp luật”. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của công dân, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giao Thanh tra tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, UBND TP Vinh thành lập tổ công tác để kiểm tra, rà soát lại toàn bộ nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của các hộ dân tại khu tập thể và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An năm 2019, xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Nguồn: [Link nguồn]

Những thầy cô đặc biệt ở những lớp học đặc biệt đã miệt mài truyền thụ con chữ, kiến thức, kỹ năng... để các em học sinh có thể bước đi vững chãi hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hiền ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN