Học sinh lớp 12 hoang mang khi nghe tư vấn 'ngành học vô dụng' trên TikTok, chuyên gia giáo dục nói gì?
Mùa tuyển sinh đại học đang cận kề, việc xuất hiện tràn lan những clip tư vấn "ngành học vô dụng" mới đây trên Tiktok đã khiến cho học sinh hoang mang, rối bời khi chọn ngành nghề.
Các ngành học như: Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing, Quản trị nhân sự, bị các TikToker liệt kê là những ngành có bằng đại học vô dụng nhất. Các cá nhân đăng tải những clip khuyên bạn trẻ không nên đăng ký học những ngành này.
Nhiều nội dung mà TikToker tư vấn hỗn loạn trên tiktok như: "Ngành quản trị kinh doanh, ngành học này rất chung chung, mà ra trường thì chỉ có 2 cơ hội nghề nghiệp đó là sales và marketing, nhưng mà thực chất hiện giờ bạn muốn làm sale hay học marketing thì học bất cứ ngành nào ra làm cũng được; Ngành ngôn ngữ Anh, thời đại này không ai không biết tiếng Anh, cho nên các bạn nên học ngành khác rồi sau đó thi IELTS; Ngành marketing, thời buổi này thì không cần có bằng marketing các bạn cũng có thể ra làm marketing được, chủ yếu là các bạn có kinh nghiệm, thì sẽ có lương trong ngành thôi; Ngành quản trị nhân sự, cái ngành này thì nó thiên về sử dụng kỹ năng phần mềm là nhiều, cho nên các bạn không cần có bằng đại học thì vẫn có thể làm được".
Hoang mang trước con đường sắp chọn vì nghe tư vấn 'ngành học vô dụng' trên TikTok
Dự định đăng ký ngành Quản trị kinh doanh và Marketing trong mùa tuyển sinh đại học năm nay, Trần Tùng Lâm (học sinh lớp 12 Trường THPT Công nghiệp, Việt Trì, Phú Thọ) cho biết khi xem xong những video này trên tiktok đã có những hoang mang trước con đường chọn ngành nghề theo học.
"Em khá là hoang mang khi các tiktoker chia sẻ "ngành học này rất chung chung, mà ra trường thì chỉ có 2 cơ hội nghề nghiệp". Em và một số bạn trong lớp có cùng sở thích đang rất băn khoăn khi lựa chọn nghề nghiệp".
Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing, Quản trị nhân sự là các ngành đang được các TikToker liệt kê là "những bằng đại học vô dụng nhất"0 (Ảnh chụp màn hình)
Lo lắng và bối rối cũng là tâm trạng chung của nhiều học sinh khi xem những clip này. Nguyễn Đăng Bách (học sinh lớp 12 Trường THPT Trung Văn, Hà Nội) cho biết, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, Bách dự định đặt nguyện vọng vào ngành quản lý nhân sự. Nhưng sau khi nghe những thông tin hướng nghiệp lệch lạc trên mạng xã hội rằng: "Ngành quản trị nhân sự, cái ngành này thì nó thiên về sử dụng kỹ năng phần mềm là nhiều, cho nên các bạn không cần có bằng đại học thì vẫn có thể làm được"... khiến lựa chọn của Đăng Bách bị lung lay.
Bách cho biết: "Em đang phân vân không biết có nên thay đổi sang ngành học khác không, bởi qua clip hướng nghiệp đó thì ngành học này không cần bằng đại học cũng có thể làm được, em sợ tấm bằng của mình sẽ "vô dụng" như lời phỏng đoán".
Học sinh hãy chủ động tránh xa mạng xã hội để giữ tinh thần tốt nhất cho mình
Sau khi xem những video đó trên Tiktok, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương nêu quan điểm: "Sau khi nghe chuyện các bạn tiktoker nói những bằng đại học vô dụng, tôi đã bật cười. Mấy câu nói của các bạn không chính xác. Tôi không học 4 nhóm ngành các bạn liệt kê. Tôi học ngành khác và học đến bậc tiến sĩ. Thế nhưng, tôi không làm nghề liên quan đến ngành học mà lại làm nghề liên quan đến tâm lý học, giáo dục học.
Nói chính xác, tôi chưa bao giờ ngồi vào một lớp nào có tên là tâm lý học cả mà học vài tiết giáo dục học đại học. Vậy hóa ra bằng tâm lý học, giáo dục học cũng là vô ích? Tôi khẳng định, không có một giờ học nào trên giảng được là vô ích cả. Nếu các bạn nghĩ ở trường đại học người ta chỉ dạy các bạn nội dung của đúng mấy chuyên ngành đó thì các bạn sai hoàn toàn rồi. ới tư cách 1 giảng viên đại học 20 năm, tôi khẳng định: Trường đại học dạy các bạn nhiều hơn thế rất nhiều lần".
Là một giáo viên đang dạy môn Toán cho học sinh cuối cấp, cô Nguyễn Dung cho rằng, đó hoàn toàn là những thông tin hướng nghiệp "độc hại", chỉ dựa trên quan điểm cảm tính cá nhân mà không có sự xác thực nào.
Theo cô Dung, các thông tin độc hại này sẽ khiến các bạn học sinh đang trong quá trình chọn ngành hoặc cả những bạn sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng cảm thấy mông lung về lựa chọn của mình, từ đó rơi vào trạng thái chán chường, hoài nghi và dần dần có thể từ bỏ bê việc học.
"Thời gian này, các em học sinh lớp 12 nên tập trung mọi lúc để ôn luyện, chủ động tránh xa mạng xã hội để giữ tinh thần tốt nhất cho mình, không nên mất thời gian vào việc xem những video lệch lạc như vậy bởi chúng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của em", cô Dung có lời khuyên với học sinh.
Cần có sự kiểm soát đối với các nội dung thông tin từ "chuyên gia nghiệp dư" trên các trang mạng xã hội
Theo ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế tài chính TPHCM, việc các "chuyên gia nghiệp dư" đưa ra những thông tin tràn lan, thiếu căn cứ sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc chọn lựa ngành học của thí sinh.
"Trước mạng lưới thông tin đa chiều thí sinh cần tỉnh táo, bình tĩnh chọn lọc kênh thông tin, nội dung thông tin. Thí sinh nên theo dõi và tìm hiểu thông tin từ các kênh chính thống như website các trường, các tờ báo uy tín, đài truyền hình, đài phát thanh..." – ThS.Nguyên chia sẻ.
Ngoài ra, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế tài chính TPHCM cho rằng, các thầy cô ở bậc THPT nên tư vấn, định hướng, giới thiệu cho học sinh những kênh thông tin chính thống, uy tín. Các trường THPT nên phối hợp với các trường đại học, cao đẳng và mời các chuyên gia uy tín để tổ chức các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giúp học sinh hiểu đúng và đầy đủ về những yêu cầu tố chất phù hợp với ngành nghề cũng như cơ hội nghề nghiệp, thị trường lao động...
Từng tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin và hiện cũng đang làm quản lý tại một công ty về công nghệ viễn thông, anh Trần Anh Tuấn (40 tuổi, Hà Nội) cho rằng, TikTok có ưu điểm là truyền đạt thông tin nhanh, phù hợp với giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, để thực hiện tư vấn hướng nghiệp và tìm hiểu thông tin tư vấn hướng nghiệp trên Tiktok cần phải lưu ý nhiều vấn đề.
Theo anh Tuấn, thời lượng trên TikTok thường ngắn nên không thể truyền tải đầy đủ và đúng nội dung tư vấn; Thời điểm xem tin trên TikTok khó xác định, dễ gây hiểu nhầm, hiểu sai thông tin, so với thời điểm viết bài. Ngoài ra, người viết nội dung trên Tiktok không kiểm chứng nội dung, không chịu trách nhiệm về nội dung do vậy những điều này có thể gây hiểu nhầm cho học sinh. Các em học sinh nên nghe, tiếp thu thông tin có chọn lọc, tránh những nội dung mang tính giật gân, gây sốc, câu view, câu like... "Các cơ quan quản lý cũng cần có sự kiểm soát đối với các nội dung thông tin từ "chuyên gia nghiệp dư" trên các trang mạng xã hội này", anh Tuấn đề xuất.
Ngôn ngữ Anh là một ngành học nghiên cứu, sử dụng tiếng Anh để giúp cho các sinh viên có thể làm chủ, giao tiếp được tiếng Anh một cách thành thạo. Khi học ngành này, bạn...
Nguồn: [Link nguồn]