Học phí trường công có thể lên tới gần 6,6 triệu đồng/tháng: Phụ huynh lo lắng
Phụ huynh Hà Nội bày tỏ lo lắng, băn khoăn trước đề xuất 24 trường công lập chất lượng cao và tự chủ tài chính dự kiến thu học phí từ 300.000 đồng đến 6,57 triệu đồng/tháng.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản về việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập tự chủ tài chính, cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn TP Hà Nội năm học 2024-2025.
Hà Nội đề xuất tăng học phí của nhiều trường chất lượng cao và tự chủ tài chính. Ảnh minh họa: TT
Theo dự thảo, 24 trường công lập chất lượng cao, công lập tự chủ tài chính dự kiến thu học phí từ 300.000 - 6,57 triệu đồng/tháng.
Chi tiết học phí dự kiến năm học 2024-2025 của 24 trường công lập chất lượng cao và tự chủ tài chính như sau:
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định mức thu học phí trong trường hợp học trực tuyến bằng 75% mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp. Nếu học trực tiếp và trực tuyến trong cùng tháng, hình thức học nào trên 14 ngày thì thu học phí theo hình thức đó.
Tổng thời gian thu học phí không vượt quá 9 tháng trong một năm học.
Phụ huynh lo
Trước đề xuất về mức thu học phí đối với các trường công lập tự chủ tài chính và công lập chất lượng cao trên địa bàn TP Hà Nội năm học 2024-2025, nhiều phụ huynh có con đang theo học tại các trường này tỏ ra lo lắng.
“Trường THCS Cầu Giấy dự kiến tăng học phí từ hơn 3 triệu lên 3,9 triệu/tháng. Tôi nghĩ đây là một mức tăng cao, sẽ ảnh hưởng đến tính toán trong phân chia thu nhập của gia đình.
Năm nay, con gái tôi sẽ lên lớp 9, gia đình có thể cố được nốt một năm này. Nhưng đối với nhiều gia đình khác có con học ở các lớp dưới, tôi nghĩ mức tăng này sẽ gây bất cập” - anh Đỗ Thành H chia sẻ.
Đồng quan điểm, phụ huynh Lê Ngọc Sơn, có con đang theo học tại trường Tiểu học Nam Từ Liêm, cho biết: “Lương của cha mẹ thì không tăng hoặc tăng ít, trong khi học phí tăng nhanh quá. Tôi biết nếu đã chọn hệ chất lượng cao cho con thì phụ huynh nên chuẩn bị kỹ khả năng tài chính và tâm lý, nhưng dù sao vẫn thấy rất lo lắng nếu học phí tăng như vậy".
Cũng theo anh Sơn, nếu tăng mức học phí, các trường nên có những thông tin cụ thể về nguyên nhân tăng, kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy - học… để phụ huynh hiểu mà tiếp tục đồng hành cùng nhà trường.
Tương tự, chị Lê Ngọc A, phụ huynh có con đang học tại trường Tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục, bày tỏ: “Trong bối cảnh kinh tế và thu nhập mặt bằng chung hiện nay còn nhiều khó khăn, việc dự kiến tăng mức học phí như vậy có thể dẫn đến tác động thêm vào sự phân hoá ngày càng sâu, cũng có thể khiến nhiều học sinh giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn không thể theo học tại các trường công lập chất lượng cao”.
Trong khi đó, phụ huynh Nguyễn Văn Anh lại cho rằng việc tăng học phí của các trường công lập chất lượng cao là cần thiết nhằm giúp các trường nâng cao chất lượng, cải cách phương pháp giảng dạy, góp phần hoàn trả xã hội những “sản phẩm của giáo dục” có giá trị cao.
“Mặt khác, các trường chất lượng cao cũng cần có cơ sở, nguồn lực tài chính để thu hút và giữ chân các giáo viên giỏi, có trình độ cao, bởi tôi có người quen đang công tác tại các trường này và biết là mức lương của những giáo viên rất giỏi tại đó chưa thực sự tương xứng với khả năng của họ” - anh Văn Anh nói thêm.
Đồng quan điểm với anh Văn Anh, anh Nguyễn Minh H. có con đang học tại trường THCS Thanh Xuân, nêu ý kiến: “Việc các trường công lập chất lượng cao có học phí cao cũng là cần thiết và hợp lý, càng không nên so sánh học phí của các trường công lập bình thường với trường chất lượng cao, cũng không nên bắt trường chất lượng cao phải ‘chờ’ trường bình thường trong việc nâng học phí, bởi thực tế cho thấy vẫn có nhiều người sẵn sàng chi trả cao hơn để đầu tư môi trường giáo dục tốt hơn cho con em”.
Học sinh trong kỳ thi vào trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: PHI HÙNG
Giáo viên đồng tình
Trước đề xuất điều chỉnh mức học phí đối với các trường công lập chất lượng cao và tự chủ tài chính, giáo viên trường THCS Giảng Võ (Ba Đình), một trường không nằm trong danh sách tăng học phí, nêu quan điểm: “Việc tăng mức thu học phí luôn được kiểm soát chặt chẽ bởi các cấp quản lý, có tính toán, kế hoạch lâu dài, tất cả chỉ để hướng đến mục tiêu cuối cùng là làm sao để đảm bảo được chất lượng dạy, học và có những sản phẩm đầu ra tốt nhất”.
Cũng theo giáo viên này, việc các bậc phụ huynh có phản ứng lo lắng khi học phí tăng là dễ hiểu, tuy nhiên cần nhìn nhận rằng thủ đô có rất nhiều trường với nhiều mức học phí khác nhau để phụ huynh và học sinh có thể cân nhắc, lựa chọn theo học mà vẫn được đảm bảo chất lượng học tập.
Các trường dự kiến tăng học phí đợt này đều là trường chất lượng cao và tự chủ tài chính, như vậy việc điều chỉnh mức học phí nhằm để đảm bảo chi phí thực tế của các trường, trong đó bao gồm việc cải thiện chế độ đãi ngộ cho giáo viên. Mặc dù vậy, thu nhập của giáo viên từ trường thường vẫn chưa phải là mức cao trong mặt bằng chung của xã hội.
Đại diện của một trường THCS nằm trong danh sách các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao dự kiến tăng học phí, cho biết: “Học sinh Hà Nội hiện có rất nhiều lựa chọn về môi trường học tập, phù hợp với khả năng của mình và khả năng tài chính của gia đình.
Riêng đối với các trường chất lượng cao, tỉ lệ chọi hàng năm luôn rất cao. Đơn cử, năm nay trường THCS Cầu Giấy có 2.700 thí sinh đăng ký vào lớp 6, trong khi đó trường này chỉ tuyển 440 em. Nói vậy để thấy vẫn có hàng nghìn gia đình, học sinh có nhu cầu và nguyện vọng được học tập tại đây”.
Cũng theo vị này, để việc học tập không phải là áp lực đối với con, cũng không phải là gánh nặng đối với cha mẹ, các phụ huynh khi chọn trường nên cân nhắc nhiều yếu tố như văn hóa học tập, truyền thống và thành tích của trường, định hướng gia đình, yếu tố học phí, khoảng cách di chuyển… Bởi việc học là quá trình lâu dài, cần đầu tư nhiều cả về thời gian, tâm lý và chi phí.
Còn theo một giáo viên trường THPT chuyên Ngoại ngữ, một trong những thách thức lớn nhất của ngành giáo dục hiện nay là giữ chân giáo viên. Việc thiếu giáo viên ở nhiều cấp học liên tiếp xảy ra trong những năm gần đây, một trong những nguyên nhân lớn nhất lương không đủ sống.
"Tất nhiên là việc tăng học phí không phải chỉ để phục vụ tăng lương cho giáo viên, mà phần lớn nhằm tăng đầu tư cơ sở vật chất để cả người dạy và người học thấy xứng đáng và hài lòng. Khi các trường thu học phí tăng thì chắc chắn phải hoàn trả cho người học quyền lợi, chất lượng dạy và học tương ứng" - giáo viên trường THPT chuyên Ngoại ngữ nêu ý kiến.
Tại văn bản lấy ý kiến về đề xuất quy định mức thu học phí của các trường công lập chất lượng cao và tự chủ tài chính, Sở GD&ĐT nêu rõ: "Trên cơ sở các ý kiến góp ý, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp, phân tích, lựa chọn nội dung để bổ sung hoặc hiệu chỉnh nhằm hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết, đồng thời vẫn phải đảm bảo đúng với các quy định hiện hành và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, giáo dục Thủ đô".
Theo hướng dẫn, trước ngày 30-7, các đơn vị tổng hợp ý kiến góp ý, gửi về Sở GD&ĐT.
Hà Nội hiện có 23 trường chất lượng cao, gồm 17 trường công lập, còn lại là tư thục. Mức trần học phí với trường công chất lượng cao hiện từ 5,1-6,1 triệu đồng/tháng. Dựa vào mức trần và điều kiện thực tế, các trường xây dựng và đề xuất mức học phí, trình Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội phê duyệt. Các trường tự chủ tài chính trên địa bàn thành phố được thu gấp đôi mức trần học phí theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ, tức từ 600.000-1,3 triệu đồng/tháng. Nếu đạt kiểm định chất lượng, các trường được tự xác định học phí. Hiện, học phí với trường công lập bình thường ở Hà Nội là từ 19.000 đến 217.000 đồng/tháng, duy trì từ năm học 2021-2022 đến nay. Thành phố chưa ban hành dự thảo học phí năm học tới. |
Nguồn: [Link nguồn]
Các trường THPT tư thục ở Hà Nội năm học 2024 - 2025 có mức học phí dao động 25 đến hàng trăm triệu đồng/năm học.