Học phí tăng và bài toán chọn ngành học
Học phí đại học (ĐH) năm học 2023 - 2024 không thể không tăng. Vì thế, lựa chọn ngành/trường học phù hợp với năng lực, cơ hội việc làm và túi tiền là bài toán cân não đối với thí sinh.
Năm học 2023 - 2024, Trường ĐH Ngoại thương dự kiến mức học phí là 25 triệu đồng/năm đối với chương trình đại trà; học phí chương trình chất lượng cao, chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế là 45 triệu đồng/năm. Như vậy, so với năm học 2022-2023, học phí dự kiến tăng 5 triệu đồng/năm. Còn học phí chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng/năm, tăng 10 triệu đồng. Trường ĐH Phenikaa cho biết, học phí đối với ngành Y khoa và Răng- Hàm - Mặt lên tới 150 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, với sinh viên nhập học năm nay, mức học phí này sẽ còn 75 triệu đồng/năm. Trường ĐH Đại Nam cũng đưa ra mức học phí với ngành Y Đa khoa 96 triệu đồng/năm. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm học 2022 - 2023 học phí hệ chính quy chương trình chuẩn từ 15 - 20 triệu đồng/năm. Năm học tới, học phí được trường dự kiến từ 16 - 22 triệu đồng. Tại một số trường, những ngành có mức học phí cao trên 50 triệu đồng/năm đều thuộc chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao.
Chưa xét tuyển, nhiều thí sinh đã bắt đầu lo học phí. Ảnh Mạnh Thắng
Nguyễn Văn Tuấn, Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội, chia sẻ, em muốn tham gia phương thức xét tuyển tài năng của ĐH Bách khoa Hà Nội. ĐH này có nhiều chương trình đào tạo như chương trình chuẩn, chất lượng cao, song bằng, đào tạo quốc tế. Tuấn thích học ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo nhưng ngành này chỉ đào tạo chương trình chất lượng cao với học phí cao hơn gấp đôi chương trình chuẩn. ĐH Bách khoa Hà Nội chưa công bố dự kiến tăng học phí năm 2023. Theo học phí công bố năm 2022, chương trình chuẩn từ 24 - 30 triệu đồng/năm; chương trình chất lượng cao từ 35-40 triệu đồng/năm. Chương trình Tuấn muốn học có mức học phí 60 triệu đồng/năm. Các trường dự định tăng học phí từ năm học này, nên Tuấn càng đắn đo khi đăng ký xét tuyển.
“Bộ GD&ĐT cần đánh giá rõ tác động xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, thậm chí không thể đi học do học phí tăng, từ đó, có phương án hỗ trợ cụ thể, “bảo đảm mục tiêu nhất quán trong thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà
Học phí cũng là nỗi lo thường trực của sinh viên. Kỳ nghỉ dài 30/4 - 1/5 vừa qua, Nguyễn Tuấn Linh, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường, ở lại Hà Nội tranh thủ làm thêm, mong có khoản để dành nộp học phí. Từ năm học tới, xã em ở không còn nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ. Với nhiều người đó là tín hiệu mừng nhưng với gia đình Tuấn Linh thì chưa tìm thấy nguồn thu tăng thêm. Không còn trong diện được hưởng chính sách hỗ trợ học phí của Chính phủ, nỗi lo tăng học phí lại sầm sập kéo đến khiến Tuấn Linh sẽ càng khó khăn để theo đuổi con đường ĐH.
Theo tính toán, với mức học phí được quy định trong Nghị định 81 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được các trường áp dụng từ năm học 2023 - 2024, học phí thấp nhất với trường ĐH công lập chưa tự chủ là từ trên 13 - 27 triệu đồng/năm học. Với các trường đại học bảo đảm chi thường xuyên được thu mức tối đa bằng hai lần mức trên, khoảng 28,2 - 55,2 triệu đồng. Những trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được thu cao nhất gấp 2,5 lần, tương đương 70,5 - 138 triệu đồng/năm học. Mức học phí này còn tăng hằng năm không quá 10%. Như vậy, sau 1 khóa học, học phí và chi phí sinh hoạt của một sinh viên xa nhà lên đến con số gần nửa tỷ đến gần 1 tỷ đồng.
TS Phạm Đình Khuê, Trưởng phòng Chính trị - Công tác sinh viên, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng, thí sinh có điều kiện bình thường, hoặc khó khăn nên chọn các trường chưa tự chủ, hoặc tự chủ cấp 1, hoặc cấp 2. Ngoài ra, sinh viên có thể vay ngân hàng chính sách xã hội để chi trả. “Tăng học phí là bắt buộc với xu thế chung với tất cả các trường để đảm bảo chi thường xuyên, và sự phát triển. Ngoài ra, cũng cần tìm hiểu thêm trường thí sinh muốn vào có nhiều nguồn học bổng hỗ trợ cho sinh viên không”, TS Khuê lưu ý. Theo ông, thí sinh cũng cần tìm hiểu ngành muốn học nhu cầu xã hội như thế nào, có phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và nguồn lực phát triển của đất nước không. Thí sinh không nên lựa chọn ngành học vì thích nhàn, kiếm tiền nhanh, nhưng xã hội đang dư thừa nguồn cung lao động.
Chính phủ đồng ý tăng học phí ĐH
Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp, nghe Bộ GD&ĐT báo cáo về vấn đề học phí và sách giáo khoa năm 2023 - 2024. Về vấn đề học phí, tại cuộc họp, Bộ GD&ĐT đưa ra 2 phương án học phí đối với các trường ĐH năm học 2023 - 2024 theo hướng tăng so với 3 năm học vừa qua.
Phương án 1 là thực hiện đúng theo Nghị định 81; mức trần học phí năm học tới của các trường ĐH công lập sẽ tăng bình quân 45,7% so với năm 2022. Phương án 2 là tăng học phí theo Nghị định 81 nhưng theo lộ trình lùi lại 1 năm (nên mức tăng học phí vẫn giữ được nguyên tắc tăng bình quân không quá 12,5% năm). Như vậy, Chính phủ sẽ phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 81. Bộ GD&ĐT chọn đề xuất lên Chính phủ thực hiện phương án này.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý với đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc tăng học phí với cơ sở giáo dục công lập từ năm học tới, đồng thời cam kết không giảm ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục.
Theo khảo sát của PV, hầu hết mức học phí của các trường đại học công lập lẫn tư thục tại TPHCM năm học này đều tăng so với năm học trước từ 5-10%. |
Sau hai năm trì hoãn do dịch COVID-19, năm học mới 2023 – 2024, các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) dự kiến áp dụng mức học phí được quy định theo Nghị định 81 của Chính phủ....
Nguồn: [Link nguồn]