Học nghề dễ có việc làm hơn đại học
Ông Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề cho rằng, tỷ lệ học sinh chọn chỉ thi tốt nghiệp ngày càng cao thể hiện đã có sự thay đổi trong tư duy hướng nghiệp. Thực tiễn đã chứng minh, học nghề dễ có việc làm thậm chí thu nhập cao hơn học đại học.
Nghề hàn bậc cao đang có thu nhập cao. Ảnh: Phong Cầm.
Nhận thức về nghề nghiệp đang thay đổi
Theo khảo sát của các Sở GD&ĐT, năm nay nhiều địa phương, trường học có tỉ lệ thí sinh đăng ký chỉ nhằm xét tốt nghiệp khá cao so với kỳ thi THPT quốc gia 2015. Có những địa phương như Hà Giang, Hòa Bình…số lượng học sinh đăng ký dự thi cụm địa phương chiếm hơn 70%. Ngoài ra, các địa phương như Yên Bái, Bắc Kạn, Điện Biên...cũng có lượng học sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp chiếm khoảng 55%. Tương tự, Kon Tum có 35% thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp.
Không riêng các tỉnh miền núi, Hà Nội năm nay tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi cụm địa phương cũng tăng đáng kể. Cụ thể, năm nay trong tổng số 66.006 thí sinh dự thi có 14.716 thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp. Trong khi năm 2015, có khoảng 84.000 thí sinh dự thi, lượng thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp là 11.000. Ông Ngô Văn Chất, Trưởng Phòng quản lý thi và Kiểm định chất lượng Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Có nhiều trường có tỉ lệ học sinh đăng ký thi cụm địa phương cao hơn 70% như THPT Anhxtanh, THPT Mạc Đĩnh Chi 90%”.
Theo ông Quách Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Sào Báy, huyện Kim Bôi (Hòa Bình), năm nay có tới 90% số học sinh đăng ký thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp. Tỷ lệ cử nhân thất nghiệp cao đã tác động nhiều đến tâm lý học sinh. Theo ông Sơn, chỉ riêng chuyện xin việc của các thầy cô giáo ròng rã nhiều năm mới được vào dạy hợp đồng, nhận mức lương thấp cũng khiến học sinh chùn bước.
Trần Văn Hải, học sinh Trường THPT Kỳ Anh (Hà Tĩnh) năm nay quyết định chỉ đăng ký thi xét tốt nghiệp dù học lực của Hải thuộc hàng khá trong lớp. Chia sẻ lý do, Hải cho biết: “Nhiều người học đại học ra vẫn thất nghiệp, nên em sẽ đi học nghề hoặc xuất khẩu lao động”. Hải kể, chị gái phải thi đến năm thứ 3 mới đỗ ĐH Sư phạm Huế, khoa Lịch sử. Tốt nghiệp năm 2012, thất nghiệp ở nhà 2 năm, hiện chị đã mở một cửa hàng thời trang ở thị xã để kiếm sống.
Học nghề, 70% có việc làm ngay
Ông Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề cho rằng, tỷ lệ học sinh chọn thi tốt nghiệp cao là xu hướng rất rõ thể hiện việc chính thực tiễn đã hướng nghiệp các em. Bởi học nghề chi phí thấp, học viên được hỗ trợ 50% kinh phí, ra trường có ngay việc làm. Theo thống kê của Tổng cục dạy nghề, trên toàn quốc lượng học viên, sinh viên học nghề ra trường có tới 70% có ngay việc làm, trong đó có những nghề, những trường đảm bảo 100% có việc làm. Có những ngành hot, doanh nghiệp vào tuyển dụng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. “Khi đi khảo sát thực tế trong các khu công nghiệp, có những nghề hiện thu nhập 100 triệu đồng/ tháng như nghề thợ hàn bậc cao 6G”, ông Sâm nói.
Ông Sâm cho biết, học nghề ngày càng có nhiều lợi thế bởi thị phần việc làm cho những người học nghề ngày càng cao. Các doanh nghiệp đang tăng cường sử dụng công nghệ quản lý, sản xuất hiện đại, vì thế lực lượng lao động gián tiếp chỉ chiếm tỉ lệ từ 5-6%, còn lại là lao động đã qua đào tạo nghề. Chưa kể, hội nhập ASEAN, những người được đào tạo nghề có cơ hội làm việc cho nhiều quốc gia khác với mức lương hấp dẫn cả nghìn đô la. Ông Sâm cũng cho rằng, khi đã có tay nghề, học sinh có nhiều con đường để lập nghiệp hơn. Ví dụ, nếu không làm thuê cho các doanh nghiệp, một thợ hàn, thợ cắt tóc, thợ làm móng tay…có thể ra mở tiệm làm riêng. Khi đã có chút vốn khá, muốn học nâng cao tay nghề, có thể dễ dàng tiếp tục học lên CĐ, ĐH nghề.
Tổng cục dạy nghề thông tin thêm, những năm gần đây hệ thống trường nghề được nhà nước đầu tư biến mỗi trường nghề thành một công xưởng sản xuất. Cùng với chính sách liên kết với doanh nghiệp, khi học nghề học sinh chủ yếu học thực hành kỹ năng vì thế khi ra trường đa số đã thạo nghề, dễ thích ứng công việc. Điều đáng buồn là dù các trường nghề được đầu tư nhưng những năm trước, học sinh vẫn chạy theo cuộc đua vào ĐH nên nhiều trường nghề đành “đắp chiếu”.
Hiện nay, cả nước có khoảng 190 trường CĐ nghề đào tạo 310 nghề, 245 trường trung cấp nghề đào tạo hơn 300 nghề. Năm 2015, hệ thống trường nghề tuyển sinh hơn 2 triệu học viên, sinh viên. Những nghề thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ làm đẹp, công nghệ thông tin, xây dựng, hàn… đang là những nghề hot hiện nay. |