Học lực loại giỏi mới được xét tuyển vào sư phạm?
Việc Bộ GD&ĐT đưa ra quy định “cứng” học sinh có học lực loại giỏi mới được xét tuyển vào đại học sư phạm; học sinh có học lực loại khá mới được xét tuyển vào các trường cao đẳng, trung cấp là có phần duy ý chí và khó khả thi.
Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lấy ý kiến dư luận là bắt đầu từ năm 2018, sẽ siết chặt đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Theo đó, học sinh có học lực loại giỏi mới được xét tuyển vào các trường đại học sư phạm; đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Theo các chuyên gia giáo dục, việc siết điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai là hết sức cần thiết, song điều này cũng sẽ rất khó khả thi nếu như chế độ đãi ngộ và bài toán đầu ra đối với sinh viên sư phạm vẫn còn bỏ ngỏ.
Nhiều ý kiến lo ngại yêu cầu đầu vào quá cao sẽ khiến các trường sư phạm thiếu nguồn tuyển. Ảnh minh họa
Chia sẻ với PV Báo CAND, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến-Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đồng tình với quan điểm của Bộ GD&ĐT chỉ xác định điểm sàn đối với ngành sư phạm, những ngành khác do trường tự xác định.
Theo ông Khuyến, lâu nay Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT nên bỏ việc quy định điểm sàn mà thay vào đó có thể áp dụng theo nguyên tắc:
Nếu học trò đã vượt qua kỳ thi THPT quốc gia thì em đó có quyền đăng ký vào các trường đại học, còn việc có trúng tuyển hay không thì nên để trường đại học đó quyết định. Riêng đối với nguồn nhân lực giáo viên, do Bộ GD&ĐT quản lý, Bộ đưa thêm tiêu chí, điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo cũng hoàn toàn phù hợp.
Tuy vậy, việc Bộ GD&ĐT đưa ra quy định “cứng” học sinh có học lực loại giỏi mới được xét tuyển vào đại học sư phạm; học sinh có học lực loại khá mới được xét tuyển vào các trường cao đẳng, trung cấp là có phần duy ý chí và khó khả thi.
“Thực tế cho thấy, muốn học sinh giỏi vào sư phạm thì nên có chính sách đãi ngộ hấp dẫn và cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp như đối với các trường Công an, Quân đội thì lúc đó tự nhiên sẽ thu hút được người giỏi, không cần phải quy định tiêu chuẩn đầu vào mới tuyển được học sinh khá, giỏi. Nếu vẫn còn tình trạng cử nhân sư phạm ra trường thậm chí thủ khoa thất nghiệp như hiện nay thì việc đặt ra tiêu chuẩn học sinh giỏi vào ngành sư phạm là rất khó khả thi”- ông Khuyến nhấn mạnh.
Cùng chung băn khoăn về quy định này, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cũng bày tỏ quan điểm: Bộ GD&ĐT cần tính toán kỹ nguồn đầu vào của ngành sư phạm, tránh tình trạng đề ra mức điểm sàn quá cao sẽ dẫn tới việc thiếu đầu vào sư phạm.
Bên cạnh đó, hiện nay đánh giá học sinh giỏi chủ yếu dựa vào 2 môn Toán - Văn, trong khi sư phạm lại đào tạo rất nhiều ngành với nhiều môn học khác nhau nên nếu quy định cứng là chỉ những học sinh tốt nghiệp THPT có học lực từ giỏi trở lên mới được vào đại học sư phạm là chưa ổn.
Thay vào đó, nếu xét theo chính môn của ngành đào tạo mà học sinh đăng ký thì phù hợp hơn. Thực tế, việc đánh giá cũng có sự chênh lệch giữa các trường phổ thông nên đưa ra quy định như vậy cũng sẽ nảy sinh những điều chưa hợp lý.
“Để giải bài toán đầu ra, đầu vào của ngành sư phạm, Bộ GD&ĐT cần phối hợp với các địa phương để tính toán quy hoạch nhân lực sư phạm một cách chuẩn xác, không thừa thiếu cục bộ, có chế độ đãi ngộ tốt, bảo đảm việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, lúc đó chắc chắn sẽ thu hút được học sinh giỏi vào sư phạm” - ông Vinh đề xuất.
Có nhiều quan điểm trái chiều trong vấn đề có nên bỏ chế độ miễn giảm học phí đối với sinh viên sư phạm trong điều...