Học kỹ năng sống: Hào hứng học rồi… quên sạch
Sau nhiều khóa học kỹ năng sống tốn kém, khi về nhà, nhiều em nhỏ đã quên sạch bài học hoặc ứng dụng một cách rất… thiếu kỹ năng.
Một trong nhiều khóa học kỹ năng, giáo viên dạy các em học sinh giúp cha mẹ làm việc nhà, thể hiện tình cảm với gia đình. Hiệu quả tích cực thấy rõ nhưng chỉ duy trì được vài ngày.
NTH (12 tuổi, quận Bình Thạnh) tham gia học kỳ quân đội. Trong thời gian “tại ngũ”, em viết thư về nhà cho cha mẹ với những lời bày tỏ tình cảm thiết tha. “Xuất ngũ” về nhà, H. biết phụ cha mẹ làm việc nhà. Mỗi sáng H. dậy sớm gấp chăn màn phẳng phiu, không cần ai nhắc nhở. Gặp người lớn, H. biết chào hỏi lễ phép. Cha mẹ của H. rất vui và tự hào khoe với mọi người H. đã trưởng thành lên thấy rõ.
Kỹ năng mai một bởi “khuôn” của cha mẹ
Nhưng chỉ sau hai tuần, H. quay trở lại nếp sống của một cô bé ngang bướng như trước: Làm việc nhà qua loa và thích cãi cha mẹ.
Mẹ của H. đã bày tỏ với chuyên gia tư vấn là TS xã hội học-ThS tâm lý học Phạm Thị Thúy câu chuyện của con mình. Bà gửi con đến học kỳ quân đội bởi mong con học được tính kỷ luật và biết tự lo cho mình. Trước đó bà cũng đọc được lời giới thiệu về những khóa học này và xúc động bởi nhiều học sinh đã khóc vì được học về giá trị lao động, thấu hiểu được sự vất vả của cha mẹ. Các em được khuyến khích bày tỏ tình cảm với đấng sinh thành và cách cư xử lễ phép. Nhưng cũng như một số khóa học kỹ năng khác, H. chỉ duy trì được sự tích cực trong một thời gian ngắn.
Mẹ của H. cho rằng hiện nay con chưa ngoan bởi mỗi khi gặp ông bà, chú bác trong gia đình, con không chào hỏi vui vẻ, cũng không bày tỏ sự mừng rỡ khi gặp lại họ dù cha mẹ đã cố góp ý, thậm chí nặng lời nhiều lần. Ngay cả với cha mẹ, H. cũng ít khi trò chuyện nhưng lại thích cãi bướng.
Qua trò chuyện, chuyên gia tư vấn biết được mẹ H. luôn muốn con gái phải giỏi việc nhà, phải biết đối nhân xử thế vừa lòng mọi người như cách bà được giáo dục xưa kia. TS Phạm Thị Thúy đã phân tích cho mẹ H. hiểu: Tính của con trầm lắng, ít nói, hãy chấp nhận cách bày tỏ tình cảm ít nồng nhiệt của con thay vì bắt con phải khoanh tay chào hỏi, vồn vã với mọi người. Khi con làm việc nhà, nên động viên và hướng dẫn con thay vì chỉ giám sát, yêu cầu và chê trách.
Một buổi học ngoại khóa của Trường THCS Phan Tây Hồ, quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN
Đừng cố bắt con thay đổi hành vi
Theo TS Phạm Thị Thúy, nhiều cha mẹ cố uốn nắn con thay đổi hành vi mà không nhận ra rằng điều quan trọng nhất là cha mẹ phải giúp con xây dựng nền tảng giá trị sống. Điều này dẫn đến việc cha mẹ tạo ra khuôn rồi ép con vào khuôn, khi không được thấu hiểu và tôn trọng, con trẻ sẽ dễ phản ứng ngầm và bị gán nhãn ngang bướng, hư hỗn.
Khi gửi con đến các lớp học kỹ năng, cha mẹ tiếp tục mong con thay đổi hành vi theo ý mình muốn. TS Thúy nói: “Những lớp học, khóa học kỹ năng cùng những bài học Hạt giống tâm hồn chỉ có tác dụng ngắn hạn, do cảm xúc bị tác động tức thì nên các con tạm thay đổi hành vi. Các con có thể bật khóc nức nở khi được nghe một câu chuyện cảm động về công ơn cha mẹ, sẽ ngay lập tức viết thư cho cha mẹ và hứa hẹn những điều rất cao cả. Nhưng khi quay lại cuộc sống thường ngày, những cảm xúc này sẽ nhanh chóng phai nhạt, rất có thể chuyện lại đâu vào đấy”.
Theo TS Thúy, nhiều cha mẹ khi gửi trẻ đến những khóa học giao tiếp cũng chỉ chú trọng dạy trẻ cách ăn nói, đi đứng, cư xử khéo léo. Nhưng điều quan trọng hơn rất nhiều, là cần dạy con giao tiếp phải dựa vào hai giá trị là tự trọng và tôn trọng. Thấm được giá trị, trẻ ắt sẽ thay đổi hành vi phù hợp.
58 cơ sở dạy kỹ năng sống ở TP.HCM Mới đây, Sở GD&ĐT TP.HCM đã thẩm định và công bố danh sách 58 đơn vị giảng dạy kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa để phụ huynh tham khảo. Theo đó, Sở công bố thông tin của 58 trung tâm với các nội dung như cơ sở, vị trí hoạt động, mục tiêu, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, Sở còn công bố cụ thể thời gian được cấp phép hoạt động. Lãnh đạo Sở cho biết những đơn vị này đã được Sở thẩm định trên cơ sở tham mưu UBND TP.HCM ra quyết định thủ tục hành chính cấp phép và những quy định của Bộ GD&ĐT về các điều kiện đảm bảo hoạt động. Qua công bố này, phụ huynh có cơ sở để tham khảo, tìm hiểu trước khi đăng ký cho con em theo học các lớp kỹ năng sống, một nhu cầu ngày càng phát triển. Đồng thời qua đó giúp các trường học nắm bắt được thông tin khi lựa chọn các đơn vị phối hợp đảm bảo an toàn, chất lượng trong môi trường học đường. Phụ huynh có thể vào đường link dưới đây để nắm thông tin chi tiết về các trung tâm: http://edu.hochiminhcity.gov.vn Người lớn cần học kỹ năng sống trước Dạy kỹ năng dựa trên giá trị sống là cần một quá trình, không thể chỉ học một, hai tuần là các con có kỹ năng sống được. Cha mẹ phải làm gương cho con, phải kiên trì dạy con từ khi sinh con ra. Nhiều phụ huynh giao tiếp với con vẫn vi phạm nguyên tắc tự trọng và tôn trọng. Nhiều bé nhỏ ở mẫu giáo vẫn hay bị các cô giáo dọa nạt: Con phải làm thế này cô mới thương, nếu không cô bỏ đói, cô cho ra rìa. Cha mẹ cũng hay nói với con cái như thế hoặc có thể đánh mắng con. Như vậy không những không dạy được cho con kỹ năng sống mà ngược lại còn bị tác dụng ngược. Người lớn cần học kỹ năng sống cấp bách hơn con trẻ. TS Phạm Thị Thúy |
Cư dân mạng xôn xao tranh cãi về dịch vụ spa cho trẻ tại một nhóm lớp mầm non tại Tp. Hồ Chí Minh.