Học đọc chính là học một kỹ năng sống
Từ nhiều thế kỷ trước, văn hóa đọc và kỹ năng đọc đã được chú trọng ở những nước phát triển. Học đọc được coi là học một kỹ năng sống.
Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng đọc của trẻ.
Có không ít định nghĩa hay cách hiểu khác nhau về văn hóa đọc nhưng nhìn chung, nói đến văn hóa đọc là nói đến ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của cá nhân và cộng đồng. Hàng chục năm qua, các nhà giáo dục đã chú ý đến sự cần thiết của các chương trình giúp việc đọc diễn ra một cách hiệu quả trong các trường học. Mục đích của chương trình là phát triển khả năng của trẻ để nắm bắt ý nghĩa của những gì được đọc, bằng cách dạy trẻ cách phân tích chuỗi ý tưởng và đưa ra kết luận hợp lý.
Có khá nhiều ý kiến khác nhau về thời gian bắt đầu cho trẻ học kỹ năng đọc. Những người theo xu hướng truyền thống thường cho rằng, trước lứa tuổi mẫu giáo, trí tuệ của trẻ em chưa đủ phát triển để có thể xử lý thông tin phức tạp. Vì vậy, việc dạy kỹ năng đọc trong giai đoạn này sẽ không hiệu quả, có thể làm bộ não mệt mỏi. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, những trẻ được đọc cho nghe và học các kỹ năng đọc cơ bản trước khi đi mẫu giáo sẽ có mối liên hệ tích cực hơn với sách và đạt được những thành tựu đáng kể trong học tập khi chúng phát triển đầy đủ khả năng đọc, viết.
Dù còn những quan điểm chưa đồng thuận về thời gian bắt đầu cho trẻ học kỹ năng đọc, song các nhà giáo dục đều thống nhất rằng, đọc không chỉ là công cụ quan trọng để hiểu văn bản mà còn là cơ sở cho tất cả các khía cạnh của quá trình học tập. Rất khó để đạt được học lực cao và thành công nếu không có khả năng đọc. Đọc một cách có ý thức sẽ tác động tích cực tới trình độ ngôn ngữ cũng như tư duy của học sinh. Do đó, học sinh cần trau dồi kỹ năng đọc để đạt kết quả học tập tốt. Bên cạnh đó, khả năng đọc sẽ giúp trẻ em cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong cuộc sống; bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, tâm hồn cho học sinh.
Trong cuốn Hướng dẫn giảng dạy kỹ năng đọc cấp tiểu học được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) giới thiệu, Giáo sư Ngôn ngữ học người Mỹ Kemba A. N’Namdi cho rằng, vai trò của việc đọc sách quan trọng như một công cụ cho cuộc sống và ảnh hưởng không nhỏ tới mức độ thành công của một người. Để hướng dẫn học sinh phát triển kỹ năng đọc, giáo viên phải đưa ra các mục tiêu học tập rõ ràng. Phạm vi và trình tự của một chương trình đọc nên đáp ứng nhu cầu, khả năng và sở thích của học sinh. Điều này có thể thấy được qua thái độ tích cực của học sinh trong quá trình đọc.
Ở cấp tiểu học, tất cả giáo viên đều phải được đào tạo kiến thức dạy đọc. Hiện tại, chất lượng đào tạo nhân lực và sự đa dạng của tài liệu đọc dành cho trẻ em ở nhiều nước đang phát triển cần được cải thiện. Mới đây, kết quả khảo sát do Hiệp hội Phát triển giáo dục ở châu Phi (ADEA) với sự tham gia của 2.000 học sinh cho thấy có một khối lượng lớn sách giáo khoa cần được chỉnh sửa. Điều này khó có thể được thực hiện trong một sớm một chiều, song, giáo viên có thể được đào tạo để tự chuẩn bị giáo trình và tài liệu đọc phù hợp với học sinh của họ.
Nói một cách khác, giáo viên là những người chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc xây dựng và áp dụng các giáo trình giảng dạy cũng như phát triển khả năng đọc hiểu của trẻ. Vì vậy, trong quá trình lên lớp, giáo viên cần nắm được khả năng tiếp thu của từng học sinh để đưa ra cách tiếp cận phù hợp. Trong quá trình học tập, các bài kiểm tra được cho là thước đo cần thiết để đánh giá sự tiến bộ của học sinh, qua đó, giáo viên có thể điều chỉnh phương pháp, tốc độ bài giảng của mình.
Theo kinh nghiệm của các chuyên gia giáo dục quốc tế, môi trường học tập, sự quan tâm và động viên của giáo viên là những yếu tố có tác động tích cực tới sự phát triển kỹ năng đọc của trẻ. Việc giảng dạy kỹ năng đọc không chỉ được triển khai ở bậc tiểu học mà ngay cả các trường trung học, bộ môn này cũng được nhiều quốc gia chú ý. Nếu như ở bậc tiểu học, trọng tâm rèn luyện kỹ năng đọc cho học sinh tập trung vào hướng dẫn cách nhận biết chữ và ý nghĩa của từ, câu, thì ở bậc trung học, học sinh được khuyến khích phân tích bề sâu của tài liệu. Ví dụ như trong các trường trung học tại Anh, khi đưa ra một câu chuyện, giáo viên sẽ yêu cầu các em nêu ý kiến về ý nghĩa tác phẩm, đánh giá các nhân vật trong truyện, thông điệp của tác giả... Ở mức độ cao hơn nữa, giáo viên sẽ động viên các em đánh giá, phê bình tác phẩm nhằm nâng cao tư duy phản biện. Giáo viên cũng thường xuyên đề nghị học sinh tìm sự liên kết giữa nội dung trong văn bản với các chủ đề ngoài cuộc sống hoặc đọc 2 văn bản có nội dung trái chiều rồi trình bày quan điểm riêng của mình.
Một cuốn sách hay sẽ mở ra cánh cửa bước vào thế giới rộng lớn. Các em sẽ được gặp gỡ trực tiếp nhân vật tới từ những khoảng thời gian, những địa điểm và những nền văn hóa khác nhau. Đọc sách cũng là đồng thời học cách diễn đạt ý kiến và cảm xúc, sử dụng trí tưởng tượng và giải thích những gì đã được học. Quan trọng hơn, học đọc chính là học một kỹ năng sống.
Nguồn: [Link nguồn]
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ chán học, lười học. Việc đầu tiên cha mẹ cần làm là tìm hiểu chính xác nguyên nhân...