Học cách người Do Thái nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho con

Sự kiện: Dạy con

Thói quen đọc sách nếu hình thành ngay từ bé sẽ quyết định đến khả năng đọc sách trong suốt thời gian dài của cuộc sống.

Người Do Thái dạy con sự quan trọng của đọc sách như thế nào?

Từ cách đây hơn 2000 năm, 90% người Do Thái đều đã biết chữ. Cho đến hiện nay, dân tộc Do Thái là dân tộc duy nhất không có nạn mù chữ. Lý do bởi họ rất coi trọng tri thức. Hầu hết kiến thức người Do Thái có được là do đọc sách nhiều. Không chỉ thế, họ còn tạo cho con cái thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ.

Trong mỗi gia đình Do Thái luôn luôn có 1 tủ sách được truyền từ đời này sang đời khác. Tủ sách phải được đặt ở vị trí đầu giường để trẻ nhỏ dễ nhìn, dễ thấy từ khi còn nằm nôi. Để sách hấp dẫn trẻ, phụ huynh Do Thái thường nhỏ nước hoa lên sách để tạo mùi hương cho các em chú ý.

Bên cạnh đó, người Do Thái hiện vẫn sử dụng hình ảnh con l.ừa thồ sách để dạy các con mình: Nếu chỉ dừng ở việc đọc mà không biết ứng dụng thì trí tuệ đó thì chẳng có nghĩa lý gì. Để có thể ứng dụng, trẻ em Do Thái không ngừng đọc sách và tích lũy kiến thức từ nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau.

Để khuyến khích trẻ đọc sách, cha mẹ Do Thái thường xuyên dẫn trẻ đi mua sách hoặc đến thư viện. Nhờ truyền thống này mà đọc sách đã trở thành một thói quen thường nhật của người Do Thái. Ảnh minh họa

Để khuyến khích trẻ đọc sách, cha mẹ Do Thái thường xuyên dẫn trẻ đi mua sách hoặc đến thư viện. Nhờ truyền thống này mà đọc sách đã trở thành một thói quen thường nhật của người Do Thái. Ảnh minh họa

Trong gia đình người Do Thái luôn có một câu hỏi truyền thống: "Nếu có một ngày nhà của con bị cháy, hoặc tài sản của con bị cướp, con sẽ mang thứ gì theo khi chạy trốn?"

Nếu trẻ trả lời là sẽ mang theo tiền bạc hay của cải thì người mẹ sẽ tiến thêm một bước mà hỏi câu: "Có một thứ không có hình dạng, không có màu sắc, không có mùi vị nhưng quan trọng hơn cả. Con có biết là thứ gì không?"

Nếu trẻ không trả lời được, người mẹ sẽ nói: "Con à! Thứ mà con phải mang theo không phải là tiền bạc cũng không phải là của cải, mà là trí tuệ. Bởi vì, trí tuệ là thứ mà bất kể kẻ nào cướp cũng không được. Con chỉ cần sống thì trí tuệ sẽ vĩnh viễn đi theo con".

Có thể nói, những trang sách luôn chứa đựng tri thức, nếu không trau dồi hàng ngày thì bạn sẽ ngày càng lạc hậu và tụt lại phía sau. Sách là kho tàng tri thức của con người, cung cấp cho chúng ta không chỉ kiến thức, mà còn các bài học cuộc sống, kinh nghiệm sống, đồng thời cũng là phương tiện giải trí khá hiệu quả.

Vậy nên đọc sách luôn là việc mà cha mẹ Do Thái luôn khuyến khích con mình thực hiện.

Cách hướng dẫn con đọc sách đặc biệt của người Do Thái

Ai cũng biết đọc sách là vô cùng quan trọng, nhưng nếu không đọc sách liệu có sao không? Ai cũng có thể nói sách là một người bạn tốt, nhưng có bao nhiêu người đang chơi với người bạn tốt ấy hằng ngày bởi ngoài bạn ấy ra, chúng ta còn biết bao người bạn khác: game, iPad, tivi...

Ở Việt Nam trung bình bao nhiêu gia đình có một tủ sách? Hy vọng rằng số lượng tủ sách sẽ không nhỏ hơn con số các tủ rượu đang tồn tại trong các gia đình mà những người sở hữu dường như rất tự hào khi có bất kỳ ai ghé thăm.

Theo con số thống kê của Tổ chức NOP World Culture Score, mỗi tuần người Ấn Độ đọc sách 10,7 giờ; Thái Lan 9,4 giờ; Trung Quốc 8 giờ; Nga 7,1 giờ; Australia 6,3 giờ; Mỹ 5,7 giờ; Anh 5,3 giờ; Nhật Bản 4,1 giờ; Hàn Quốc 3,1 giờ, còn người Việt Nam chỉ đọc trung bình mỗi năm 0,8 quyển sách.

Để hình thành thói quen đọc sách là việc làm không khó nhưng cũng không phải dễ. Thói quen này nếu hình thành ngay từ bé sẽ quyết định đến khả năng đọc sách trong suốt thời gian dài của cuộc sống.

Ở Do Thái, trong quá trình mang thai, các bà mẹ thường nghe nhạc, chơi nhạc cụ, giải toán... để phát triển trí thông minh cho con ngay từ khi còn ở trong bụng. Cho đến khi ra đời, còn là một đứa bé còn ẵm ngửa, trẻ em Do Thái đã được tiếp xúc với sách - kho tàng tri thức của cả thế giới theo cách rất đặc biệt.

Vậy rốt cục mẹ Do Thái đã làm gì? Bí quyết chính là những giọt mật ong ngọt lịm.

Bằng cách nhỏ lên sách vài giọt mật và cho bé liếm, mẹ Do Thái đã hình thành trong nhận thức non nớt của đứa trẻ rằng sách là một "món ăn ngọt ngào". Từ đó, khi nhìn thấy sách trẻ sẽ tìm cách lân la lại gần, lâu dần sách sẽ trở thành người bạn luôn đồng hành với chúng.

Mỗi gia đình Do Thái đều có một tủ sách, được truyền qua nhiều thế hệ. Truyền thống này giúp cho Israel trở thành đất nước có số lượng sách xuất bản theo đầu người cao nhất thế giới và số người trẻ đọc sách cao nhất thế giới. Ảnh minh họa

Mỗi gia đình Do Thái đều có một tủ sách, được truyền qua nhiều thế hệ. Truyền thống này giúp cho Israel trở thành đất nước có số lượng sách xuất bản theo đầu người cao nhất thế giới và số người trẻ đọc sách cao nhất thế giới. Ảnh minh họa

Người Do Thái luôn xem tri thức là một loại vốn đặc biệt vì nó có thể sinh ra vốn và tài sản, lại chẳng bị ai cướp đoạt nên sách là tài sản duy nhất bố mẹ muốn để lại cho con.

Không chỉ khuyến khích con yêu sách, bố mẹ Do Thái còn có cách dạy con đọc sách không kém phần đặc biệt. Theo họ, đọc 101 lần sẽ tốt hơn 100 lần vì vậy với một cuốn sách, trẻ được dạy đọc tuần tự theo các bước sau:

- Lần 1: Đọc để hiểu nội dung cuốn sách.

- Lần 2: Đọc để nắm ý chính của từng phần.

- Lần 3: Đọc để hiểu rõ hơn nội dung.

- Lần 4: Đọc để rút ra điều tinh túy nhất của cuốn sách.

Đó là cách bố mẹ Do Thái nuôi dưỡng tình yêu với sách cho con, thế còn bố mẹ Việt thì sao?

Cách hình thành niềm yêu thích đọc sách cho con của người Do Thái

1. Tiếp cận một cách hứng khởi

Trước tiên, người Do Thái không giảng giải với con cái sách bổ ích như thế nào, họ chỉ làm một việc đơn giản là bôi ít mật ngọt vào đầu quyển sách. Khi ngửi và nếm nó, bọn trẻ sẽ lân la chơi với sách cả ngày dài một cách say sưa. Đó là một trong những mẹo đơn giản nhưng hiệu quả.

Đồng thời, trẻ cũng được dạy rằng sách rất ngọt ngào. Chúng ta đều biết rằng ấn tượng ban đầu rất quan trọng và có thể theo chúng ta suốt cuộc đời. Do đó, đứa bé khi cảm nhận được sự thơm ngọt của sách qua những giọt mật, chúng đã cảm thấy yêu sách và sách giống như sinh mệnh vậy. Từ đó, tình yêu với sách sẽ lớn dần lên trong chúng.

Với người dân Do Thái, đọc sách là để áp dụng vào thực tế cuộc sống. Điều này phản ánh rõ nhất thông qua câu ngạn ngữ "Đừng là con lừa cõng trên lưng nhiều sách". Ảnh minh họa

Với người dân Do Thái, đọc sách là để áp dụng vào thực tế cuộc sống. Điều này phản ánh rõ nhất thông qua câu ngạn ngữ "Đừng là con lừa cõng trên lưng nhiều sách". Ảnh minh họa

2. Đối xử với sách như người bạn thân

Đừng sợ làm hỏng sách mà ngăn cấm trẻ tiếp xúc, chơi với sách từ thuở nhỏ. Thậm chí, bố mẹ có thể tận dụng sách để cùng chơi trò xếp hình với trẻ hằng ngày. Điều này giúp trẻ làm quen với những cuốn sách, chơi cả buổi mà vẫn say sưa.

Sách cũng nên được đặt ở nơi mà trẻ dễ tiếp cận và gần gũi nhất, để bé có thể lấy ra một cách dễ dàng. Cha mẹ cũng nên xếp cho trẻ một tủ sách riêng, đặt gần chỗ ngủ. Như vậy, các con sẽ nhìn thấy sách hằng ngày và cha mẹ cũng có thể tiện tay đọc sách bất cứ khi nào mình thích.

Tại quê hương của những người Do Thái, họ có hơn 1000 thư viện công cộng và trong mỗi gia đình đều có ít nhất một tủ sách. Cha mẹ luôn luôn đặt tủ sách ở đầu giường cho con và coi đây chính là di sản quý giá để lại cho thế hệ sau này.

3. Cha mẹ hãy là tấm gương đọc sách cho con trẻ

Chúng sẽ lớn lên cùng sách, sẽ hình thành nhân cách ngay từ giai đoạn đầu của cuộc đời. Chúng sẽ coi cha mẹ như một tấm gương và bắt chước làm theo những hình ảnh mà chúng thấy hằng ngày. Chúng sẽ tự tìm hiểu xem cha mẹ đang làm gì mà say sưa và chăm chú vậy. Hãy giải thích rằng bạn đang chơi một trò chơi rất thú vị và hỏi chúng có muốn chơi cùng không. Bạn hãy cùng con đọc sách và bạn đọc sách cho con nghe.

Tuy nhiên trong giai đoạn này, bạn chỉ nên đọc ít ít để trẻ hình thành thói quen. Một món ăn mà hơi ít thì chúng cảm thấy thiếu thiếu và muốn ăn thêm mỗi ngày là bạn đã thành công rồi đấy.

4. Thảo luận về nội dung sách

Những cuốn sách dành cho trẻ con thường có nội dung rất đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu với người lớn. Nhưng đối với trẻ con, đó vẫn là một thế giới rất mới lạ. Cha mẹ nên thường xuyên trao đổi với con về nội dung mà chúng đã đọc sau khi kết thúc mỗi cuốn sách.

Chẳng hạn, bạn có thể đặt ra những câu hỏi đơn giản như: "Theo con thì nhân vật này có điểm gì tốt?", "Nhân vật kia nên làm gì nếu gặp trường hợp này"... Đây là những câu hỏi giúp trẻ tư duy, hỗ trợ phát huy trí não, phát triển về ngôn ngữ và cách diễn đạt.

Thời điểm vừa đọc xong, trẻ đang rất hứng thú và muốn được sẻ chia nên sẽ hăng hái trình bày với bạn về những gì chúng nghĩ. Bạn cũng có thể thông qua những gì trẻ diễn đạt để hiểu hơn về tính cách của trẻ, qua đó đặt ra những câu hỏi để hướng đến những bài học tốt đẹp. Đây cũng là cơ hội để đưa những kiến thức mà trẻ đã đọc được từ sách vào áp dụng thực tế.

Nếu nội dung câu chuyện về lòng hiếu thảo, bạn có thể đố trẻ rằng "Để hiếu thảo với ông bà, cha mẹ thì con nên làm gì?". Đồng thời, hãy khuyến khích trẻ áp dụng những kiến thức chúng đã được hấp thụ từ sách vào thực tế bằng những lời tán thưởng thích hợp.

Người Do Thái luôn khuyến khích trẻ em trao đổi và thảo luận những vấn đề học tập trong sách vở với người lớn. Nhờ được trao đổi kiến thức cởi mở từ nhỏ, người Do Thái luôn nổi tiếng với tài hùng biện của mình. Ảnh minh họa

Người Do Thái luôn khuyến khích trẻ em trao đổi và thảo luận những vấn đề học tập trong sách vở với người lớn. Nhờ được trao đổi kiến thức cởi mở từ nhỏ, người Do Thái luôn nổi tiếng với tài hùng biện của mình. Ảnh minh họa

5. Biến sách thành những câu chuyện vui, hài hước, hóm hỉnh

Trẻ không thể hình dung việc đọc sách quan trọng như thế nào chính vì vậy bạn hãy biến sách thành những câu chuyện càng vui nhộn, càng hóm hỉnh thì càng dễ đi vào tâm trí của trẻ.

Hãy biến sách càng gần gũi với đời sống hằng ngày thông qua việc tương tác với trẻ bằng những nhân vật mà chúng thích. Khi đọc sách bạn có thể minh họa bằng những thú nhồi bông trong nhà bạn hay đơn giản là bạn hóa thân vào nhân vật trong sách, khi trẻ cảm thấy hứng thú với những nhân vật ấy, chúng sẽ chủ động tìm những điểm hay trong sách.

6. Đặt mục tiêu và động lực đọc sách cho con

Trong những ngày nghỉ, trẻ con thường muốn dùng phần lớn thời gian để vui chơi. Cha mẹ nên là người đưa việc đọc sách vào thời gian biểu của con. Chẳng hạn như tạo ra một số thách thức, cột mốc để chúng phấn đấu đạt tới, "nếu con đọc xong quyển sách này trong ngày hôm nay, con sẽ được cộng 2 điểm, nếu con được 10 điểm con sẽ có một món quà". Lúc này chính là lúc bạn tặng cho trẻ những món quà mà chúng đang mong muốn sở hữu.

7. Khuyến khích trẻ tìm kiến thức từ sách

Khi trẻ hỏi bạn về một vấn đề nào đó, bạn có thể giải thích cơ bản cho chúng về vấn đề mà chúng đang quan tâm. Khi giải thích xong bạn khuyến khích chúng tìm thêm kiến thức đó từ quyển sách nào đó. Khi căn nhà của bạn đã có nhiều sách, văn hóa đọc sách sẽ lớn dần lên cùng với trẻ và việc đọc sách sẽ diễn ra một cách tự nhiên như cách chúng lớn vậy.

Hãy khuyến khích trẻ đọc một quyển sách nhiều lần vì mỗi lần chúng sẽ cảm nhận một cách khác nhau. Quan điểm đọc 101 lần tốt hơn đọc 100 lần cũng chính từ đây mà ra.

Nhiều cha mẹ hiểu rõ tác dụng của việc đọc sách đối với tương lai của trẻ. Vì thế, từ khi còn nhỏ, họ tìm cách giúp con yêu thích việc đọc sách. Tuy nhiên, trái ngược với sự kỳ vọng đó, trẻ thường không có hứng thú với thói quen này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tường Vy ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN