Hoang mang quy định xóa hệ trung cấp y dược
Từ năm 2018 sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp y dược, kỹ thuật viên y học. Từ năm 2021 các cơ sở y tế cả nước sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, nữ hộ sinh, hộ lý... thuộc hệ trung cấp. Những quy định trên mà Bộ Y tế vừa đưa ra khiến người học và người dạy hoang mang.
Sinh viên trường trung cấp Ánh Sáng trong một buổi thực tập.
Trung cấp ở ta tương đương cao đẳng các nước?
Ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng trường Trung cấp Ánh Sáng (TPHCM) cho biết, Bộ Y tế ban hành quy định một cách vội vàng, chưa đánh giá được tác động của quy định. “Bộ ban hành khi chưa có đánh giá phản biện của xã hội, ngay cả những người đang làm việc trong ngành y tế, các cơ sở y tế tuyến dưới…”, ông Sáng nói và đề xuất khi đưa ra một quy định có sức ảnh hưởng như vậy, Bộ Y tế phải có nghiên cứu, tìm hiểu để đánh giá được tác động của nó khi ban hành. Đáng ra, cần so sánh bảng mô tả công việc từng vị trí trong các cơ sở y tế với chương trình đào tạo trình độ trung cấp của ta, rồi so sánh với trình độ cao đẳng của các nước xem chúng ta tương đương đến đâu.
“Nếu có sự tìm hiểu, so sánh thì Bộ Y tế sẽ thấy xét về thời gian đào tạo cao đẳng của nhiều nước đối với đầu vào ngành này cũng chỉ 2 năm như đào tạo trung cấp của Việt Nam. Về khối lượng kiến thức, số lượng tín chỉ, thời gian thực tập ở bệnh viện… như chúng tôi đang đào tạo, tôi có thể khẳng định hệ trung cấp hoàn toàn tương đương cao đẳng của các nước”, ông Sáng nói. Theo người này, vấn đề ở chỗ là đánh giá người được đào tạo trung cấp ra có làm việc được không, có đáp ứng được các yêu cầu của ngành đối với vị trí làm việc phân công cho họ? “Học sinh của chúng ta tốt nghiệp, em nào giỏi ngoại ngữ đều được tuyển dụng đi làm việc tại Đức, tại Nhật…”- ông Sáng dẫn chứng.
Ông Lương Quang Ngọc, Hiệu trưởng trường Trung cấp Bến Thành (TPHCM) cho rằng: “Tôi đồng ý với vấn đề nâng chuẩn đội ngũ cán bộ của ngành y tế. Nhưng Bộ Y tế đã ban hành quy định sẽ không tuyển dụng người có trình độ trung cấp một cách chủ quan, thiếu thực tế”. Theo ông Ngọc, nội dung đào tạo trình độ trung cấp các ngành y dược hiện nay của Việt Nam tương đương với hệ cao đẳng ở các nước khác. “Khi ban hành quy định, Bộ Y tế có biết trình độ đào tạo cao đẳng của các nước Đông Nam Á cụ thể như thế nào chưa? So sánh với chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với đầu vào tốt nghiệp THPT của ta hiện nay thì có gì thua kém, khác biệt?...”, ông Ngọc nói.
Nhân lực vẫn thiếu cớ sao bỏ
Ông Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng trường cao đẳng Bách Việt cho biết, nhu cầu nhân lực y tế hiện nay vẫn đang còn thiếu, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa nên vai trò đào tạo nhân lực ngành y của các trường trung cấp là hết sức cần thiết. Theo ông hệ trung cấp đóng góp một nguồn lực lớn trong ngành y hiện tại. Ông Lương Quang Ngọc cho rằng trung cấp là bậc đào tạo phù hợp với nhiều đối tượng không có điều kiện học ngay lên CĐ, ĐH. Sau khi học trung cấp, đi làm một thời gian, họ có thể học liên thông lên các trình độ cao hơn. “Quy định trình độ tuyển dụng kiểu như Bộ Y tế sẽ chặn đứng cơ hội học tập và làm việc của nhiều bạn trẻ, không còn hợp lý với chủ trương học tập suốt đời…”, ông Ngọc nói.
Trước quy định này, ông Lương Quang Ngọc, cho biết: “Chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến lại để kiến nghị bởi nội dung, chương trình đào tạo của chúng tôi hiện nay nếu so sánh với đào tạo trình độ cao đẳng cùng ngành nghề của các nước Đông Nam Á là không hề thua kém”.
Trao đổi với Tiền Phong, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM - cho biết :“Vấn đề chuẩn hóa trên là hoàn toàn đúng đắn, là niềm mơ ước của tất cả bệnh viện. Tuy nhiên, tình hình thực tế tại bệnh viện cho thấy, đây là việc cực kỳ khó khăn, nặng nề cho chúng tôi. Theo bác sĩ Châu, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, hiện còn đến 70% nhân viên điều dưỡng hệ trung cấp. Kế hoạch đào tạo trong 7 năm tới của bệnh viện là phải chuẩn hóa toàn bộ số nhân viên này lên trình độ đại học, cao đẳng, mỗi nhân viên trung cấp cần đến 4 năm theo học tại các trường, lúc ấy ai sẽ làm việc khi họ đi học. Bác sĩ Châu nói thêm, nếu bệnh viện muốn tuyển điều dưỡng có trình độ đại học, cao đẳng trở lên thì rất khó do số lượng người đạt trình độ này rất hiếm hoi và “đắt hàng”.
Cần lộ trình, tránh tạo tâm lý bất ổn GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Hiện nay chức danh điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dược hạng IV yêu cầu trình độ trung cấp, nhưng để hội nhập các nước ASEAN đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và dược phải là trình độ cao đẳng, buộc mỗi viên chức phải chủ động kế hoạch học tập nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức chuyên môn y tế”. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng nhấn mạnh, để thực hiện chuẩn hóa trình độ đào tạo chức danh nghề nghiệp hạng IV là cao đẳng cần phải có lộ trình để tránh tạo tâm lý bất ổn trong viên chức. Cụ thể: từ 1/1/2021 chỉ tuyển viên chức có trình độ cao đẳng; từ 1/1/2025 số viên chức có trình độ trung cấp phải chuẩn hóa để đạt trình độ cao đẳng, đến lúc đó không có chức danh trình độ trung cấp nữa. Tại hội nghị “Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế và kế hoạch tinh giản biên chế” vừa diễn ra tại Hải Phòng, Bộ Y tế cho biết, số lượng trung cấp đang làm việc tại các cơ sở y tế khá lớn, chiếm gần 30% tổng số cán bộ toàn ngành. Vấn đề đặt ra đối với các đơn vị sự nghiệp y tế cần phải có kế hoạch đào tạo, để viên chức đã được tuyển dụng được chuẩn hóa để đạt trình độ cao đẳng. Các cơ sở đào tạo cần có kế hoạch tổ chức, đào tạo từ trung cấp lên cao đẳng và chuẩn bị cho việc từ năm 2021 các đơn vị sự nghiệp không tuyển viên chức trình độ trung cấp. Theo Bộ Y tế, hiện tại trên cả nước có 40 trường đại học, 68 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp đào tạo nhân lực y tế. Thái Hà |