Hiệu trưởng nói gì về thông tin không nộp tiền bảo dưỡng điều hòa sẽ bị chia lớp?
Bà Trần Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Chung (Đông Anh, TP Hà Nội) đã phản hồi về thông tin học sinh nào không đóng "tiền bảo dưỡng điều hoà, 200 ngàn đồng/học sinh/5 năm" sẽ bị chia lớp.
Phản ánh đến Báo Người Lao Động, một phụ huynh có con đang theo học lớp 2xx tại Trường tiểu học Kim Chung (huyện Đông Anh, TP Hà Nội), cho biết đang rất băn khoăn với khoản thu "tiền bảo dưỡng điều hoà, 200 ngàn đồng/học sinh/4 năm" đã được nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất thu.
Trường tiểu học Kim Chung
Theo phụ huynh này, việc đóng tiền dựa trên tinh thần tự nguyện của các phụ huynh nhưng có thành viên trong Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp này liên tục đốc thúc thu tiền, người này cũng cho biết "cô hiệu trưởng cho biết nếu chỉ một học sinh không đóng thì cả lớp đều không được sử dụng điều hoà, ai thắc mắc thì lên gặp nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh".
Trả lời về vấn đề này, bà Trần Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Chung, cho biết năm 2021, do dịch COVID-19, học sinh chỉ đến trường được vài tháng nên thống nhất không thu phí "bảo dưỡng điều hoà". Năm nay, các học sinh đi học trở lại, tại lớp 2xx được nêu trên, các phụ huynh học sinh của lớp 5 cũ tặng lại điều hoà cho lớp 2 này. Đầu năm học, Ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất sẽ thu mỗi học sinh 200 ngàn đồng để "bảo dưỡng điều hoà" trong 4 năm còn lại.
Bà Hằng cho hay khối 2 của trường có 8 lớp, trung bình mỗi lớp có khoảng 40 học sinh. Cả trường không phải khối nào cũng đóng khoản phí này, tinh thần các năm các phụ huynh đều thống nhất đóng tiền "bảo dưỡng điều hoà" cho cả khoá học chứ không đóng theo hàng năm.
"Không có việc nhà trường bắt các học sinh phải sử dụng điều hoà, hoàn toàn không có việc bắt buộc ở đây. Nhà trường cũng không thu tiền của học sinh. Trường đã làm việc với các phụ huynh và thống nhất nếu phụ huynh muốn học sinh được sử dụng điều hoà thì phải bảo trì, bảo dưỡng điều hoà để khi hỏng thì sữa chữa hoặc thay thế, còn nếu phụ huynh không muốn sử dụng điều hoà thì không phải đóng góp bất kỳ khoản nào, các học sinh vẫn được sử dụng quạt mát, ánh sáng như bình thường. Đến thời điểm hiện tại thì 100% phụ huynh học sinh lớp 2 nói trên đều đã đóng khoản tiền này, kể cả những phụ huynh có ý kiến trước đó" - bà Hằng nói.
Bà Hằng cũng cho rằng khoản thu này do hội phụ huynh học sinh thu và quản lý, sử dụng, nhà trường không can thiệp vào vấn đề này.
Còn theo đại diện Ban đại diện phụ huynh học sinh lớp 2xx nêu trên, trước khi thống nhất với nhà trường để thu "tiền bảo dưỡng điều hoà, 200 ngàn đồng/học sinh/5 năm", các phụ huynh cũng đều thống nhất trước nhưng không hiểu vì lý do gì mà sau đó một số phụ huynh vẫn có ý kiến trái chiều. Khoản phí này hoàn toàn do các phụ huynh tự nguyện, hoàn toàn không liên quan đến nhà trường và hiệu trưởng.
"Chúng tôi đã thống nhất từ trước, sau khi các phụ huynh có ý kiến, chúng tôi thống nhất sẽ mời lên gặp nhà trường và các bên liên quan để giải đáp thắc mắc nhưng sau đó các phụ huynh cũng đã đều tự nguyện nộp hết. Tôi đã hoàn thiện, gửi toàn bộ khoản thu này lên Ban đại diện ban phụ huynh học sinh quản lý" - vị đại diện nói.
Liên quan đến thông tin cho rằng trong nhóm trò chuyện của các phụ huynh, một thành viên trong Ban đại diện phụ huynh học sinh lớp 2xx nêu trên nói "cô hiệu trưởng bảo những học sinh nào không đóng (đóng khoản phí 200 ngàn đồng) cho ngồi riêng 1 lớp không điều hoà... Lớp 2xx chia ra 1 lớp có 8 bạn và 1 lớp 40 bạn... 40 bạn kia sẽ chia đều ghép vào lớp còn lại... còn 8 bạn kia riêng lớp 2xx", bà Trần Thị Hằng cho rằng đây là thông tin sai sự thật, không chính xác. "Nói như vậy là đặt điều cho tôi" - bà Hằng nói.
Theo đại diện Ban đại diện phụ huynh học sinh lớp 2xx nêu trên, thông tin này chỉ là lời nói đùa giữa các phụ huynh với nhau, hoàn toàn không phải do cô hiệu trưởng phát ngôn như vậy.
Trước đó, tháng 10-2014, một tờ báo phản ánh thông tin cho rằng "hiệu trưởng trường Kim Chung bị tố ăn phần trăm lắp điều hòa, máy chiếu".
Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu 7 khoản
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết đơn vị vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ sở giáo dục trực thuộc hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2022-2023. Văn bản hướng dẫn chi tiết việc tổ chức thu các khoản thu để bảo đảm minh bạch, đúng quy định, trong đó nêu rõ: Nhà trường không được thu các khoản ngoài quy định. Đây cũng là nội dung đang được gia đình người học và dư luận xã hội rất quan tâm.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lưu ý, đối với kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Các nhà trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại thông tư này.
Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, không được thu 7 khoản gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Nguồn: [Link nguồn]
Muốn đến trường, vào học lớp 1, lớp 2, học sinh tại một trường tiểu học ở Hà Tĩnh sẽ phải “cõng” các khoản mua bàn ghế, bảng… Dù là những khoản thu vô lý nhưng đã...