Hiểu đúng quy định cấm dùng điện thoại trong lớp học
Giáo viên sẽ là người quyết định việc học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học.
Trong việc cấm học sinh (HS) sử dụng điện thoại trong giờ học, Bộ GD&ĐT từng ra quy định điều chỉnh từ năm 2007 và sau một lần thay đổi thì nay có quy định mới để các trường thực hiện vào đầu tháng 11 tới.
Từng có quy định cấm hoàn toàn
Cụ thể, theo khoản 4 Điều 37 Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (ban hành theo Thông tư 32/2020, có hiệu lực từ ngày 1-11), HS không được “sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên (GV) cho phép”.
Nếu so sánh với các quy định cũ cùng về điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học thì có thể thấy Bộ GD&ĐT đã có sự nới lỏng trong việc cấm HS sử dụng điện thoại trong giờ học. Tức không còn cấm hoàn toàn như lúc trước mà sẽ là cấm dùng vào việc riêng, ngoài chuyện học hành, không được GV đồng ý.
Hiểu theo cách này cũng được: Theo quy định của Thông tư 32/2020 của Bộ GD&ĐT, HS được dùng điện thoại trong lớp học cho mục đích học tập và khi được GV chấp thuận.
Nới lỏng này nhằm để phù hợp với chủ trương “khuyến khích GV, HS sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học” như lời giải thích của ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), với báo chí.
Chi tiết về sự nới lỏng trên như sau: Năm 2007, Quyết định 07 của Bộ GD&ĐT không cho HS nghe, trả lời bằng điện thoại di động. Nguyên văn quy định là: HS không được “làm việc khác; nghe, trả lời bằng điện thoại di động… trong giờ học, khi đang tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường”.
Sau đó, khi điện thoại di động có thêm nhiều chức năng sử dụng chứ không còn đơn thuần là nghe, gọi, Thông tư 12/2011 của Bộ GD&ĐT đã gia tăng mức độ cấm đoán ở chỗ không cho sử dụng bằng bất cứ hình thức nào và trong bất kỳ trường hợp nào. Nguyên văn quy định là: HS không được “làm việc khác; sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học”.
Nay với Thông tư 32/2020 (thay thế Thông tư 12/2011) thì như đã nêu ở trên, các HS sẽ bị cấm sử dụng điện thoại di động trong lớp học khi không phải để phục vụ cho việc học tập và khi GV không cho phép.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du sử dụng điện thoại trong một tiết học trên lớp. Ảnh: HUỲNH PHÚ
Trường cấm, trường cho
Tại Trường THCS An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM), nhiều năm qua nhà trường cấm HS sử dụng điện thoại trong trường học. Điều này đã được ghi vào nội quy của nhà trường và nhận được sự đồng tình cao từ phụ huynh HS.
Bà Huỳnh Thái Giang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đầu năm học nhà trường đều thông báo số điện thoại của trường, của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giám thị và tổng phụ trách đội để phụ huynh nắm khi có việc cần liên hệ. Còn HS nếu có việc muốn gọi điện thoại cho gia đình, trường sẽ hỗ trợ gọi điện thoại miễn phí.
Với quy định trong Thông tư 32 về việc HS có thể sử dụng điện thoại trong giờ học nếu GV cho phép, trường có thông báo và lấy ý kiến phụ huynh. Tuy nhiên, hầu hết phụ huynh đều phản đối việc này.
“Dù vậy, nhà trường vẫn phải thực hiện theo thông tư, nếu tiết học nào GV cho phép, HS sẽ được sử dụng điện thoại trong một khoảng thời gian nhất định. GV phải kiểm soát được việc HS sử dụng điện thoại. Nếu cần thiết, nhà trường sẽ lắp camera để giám sát” - bà Giang nói.
Tại Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), ông Trần Công Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay từ nhiều năm nay nhà trường đã có quy định cấm HS sử dụng điện thoại trong giờ học. Nếu HS vi phạm, giám thị sẽ tịch thu điện thoại, sau đó mời phụ huynh đến làm việc.
“Với Thông tư 32 sắp có hiệu lực, những tiết học nào GV thấy cần thiết phải sử dụng điện thoại để bổ sung kiến thức, HS sẽ được phép sử dụng. Tuy nhiên, GV phải quy định giờ HS sử dụng. Mặt khác, GV phải sắp xếp lớp học làm sao để dễ quản lý HS trong việc sử dụng điện thoại” - thầy Tuấn nhấn mạnh.
Tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), hai năm qua trường đã cho HS mang điện thoại vào lớp nhưng có quy định hết sức nghiêm ngặt.
ThS Nguyễn Viết Đăng Du, GV môn sử Trường THPT Lê Quý Đôn, cho hay nếu HS sử dụng điện thoại trong khi GV không cho phép sẽ bị tịch thu điện thoại, hạ hạnh kiểm, bản thân GV cũng bị trừ điểm thi đua. Vì thế, với những tiết học cần phải sử dụng điện thoại, thầy sẽ ghi lên bảng “HS được sử dụng điện thoại” để giám thị nắm.
Thầy Du cho biết đối với môn sử, thầy thường cho HS học theo chuyên đề, theo dự án, do đó điện thoại rất cần để các em có thể tra cứu, tìm hiểu thông tin. Mặt khác, thầy cũng thường cho HS kiểm tra bằng Google Forms nên HS không thể không sử dụng điện thoại.
“Để HS không làm việc riêng khi sử dụng điện thoại, tôi thường đi xung quanh lớp để kiểm tra, xem các nhóm làm việc. Em nào không tập trung là tôi biết ngay. Đối với bài kiểm tra trên điện thoại, em nào xong trước sẽ ra khỏi phòng và phải nộp luôn điện thoại, hết giờ nhận lại” - thầy Du nói thêm.
Về cơ bản, học sinh vẫn không được dùng điện thoại
Nếu điều lệ ban hành kèm Thông tư 12/2011 quy định một trong những hành vi HS không được làm là “Sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học” thì nội dung này được thay đổi tại điều lệ ban hành kèm Thông tư 32 là “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được GV cho phép”.
Quy định này, về cơ bản, HS vẫn không được sử dụng điện thoại. Các em chỉ được sử dụng thiết bị điện thoại di động khi nào GV thấy thực sự cần thiết và cho phép. Như vậy, Bộ GD&ĐT không cấm hoàn toàn việc dùng điện thoại trong lớp nhưng cũng không có nghĩa là được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát.
Việc cho HS dùng hay không dùng điện thoại trong giờ học do GV quyết định. Trong hoạt động đó, thầy cô phải theo dõi, quan sát HS xem có khó khăn, vướng mắc gì để hỗ trợ các em thực hiện hoạt động này. Tất nhiên, khoảng thời gian sử dụng điện thoại chỉ phục vụ cho hoạt động giáo dục nào đó, trong thời gian nhất định mà thôi.
Dù ở lớp có đông HS (quy định trong điều lệ, sĩ số HS không quá 45 em), trong giờ học, GV vẫn phải có trách nhiệm hướng dẫn HS học tập. Chúng ta đã có yêu cầu không để HS nào bị bỏ quên nên khi tổ chức các hoạt động học, thầy cô phải quan sát HS. Do đó, không cần phải nói đến sử dụng điện thoại, mà HS làm việc riêng khi GV đang tổ chức hoạt động học nào đó thì đều phát hiện được.
Ông NGUYỄN XUÂN THÀNH, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT
Ý kiến trái chiều về quy định cấm dùng điện thoại trong lớp học
Thông tư 32 mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.
ThS NGUYỄN HỒ THỤY ANH, giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers:
Khiến học sinh bị phụ thuộc công nghệ
Nguy hiểm nhất cho trẻ trong độ tuổi vị thành niên khi sử dụng điện thoại là gì? Hãy tưởng tượng một đứa trẻ với một chiếc điện thoại di động, nó bắt đầu bằng lướt Facebook, Instagram, TikTok, YouTube, tin tức mời gọi… Cứ như thế, trẻ đắm chìm vào thế giới đủ mọi tin tức thượng vàng hạ cám. Trẻ trượt dài trong rừng thông tin, lướt hết trang này đến trang kia, hết sử dụng app này đến app khác. Có đôi lúc trẻ bắt đầu bằng một nhiệm vụ rất cụ thể truy tìm thông tin để phục vụ mục đích học tập. Trong quá trình tìm thông tin phục vụ mục đích học tập, trẻ bắt gặp những thông tin gây tò mò, cuốn hút sự chú ý và trẻ lướt vào trong rừng thông tin đó, dần quên mất mục tiêu ban đầu…
Điện thoại cuốn trẻ vào việc sử dụng công nghệ mà dần quên hết mọi thứ xung quanh. Điện thoại không như laptop, gấp máy tính lại là dứt, là ngưng sử dụng; càng không giống như đọc sách, gấp trang sách lại là thôi. Điện thoại không có dấu hiệu ngừng. Điện thoại có thể biến trẻ từ người chủ sử dụng công nghệ thành người nô lệ cho công nghệ. Để luôn là người làm chủ công nghệ thông tin, trẻ phải chủ động tạo ra dấu hiệu ngưng. Để làm được điều này, người sử dụng điện thoại phải rất độc lập, phải có khả năng tự điều chỉnh, tự kỷ luật bản thân.
Trong một nền giáo dục một chiều, ít phản biện, ít có những bài học về việc phát triển bản thân, hy vọng trẻ phải độc lập, phải có khả năng tự điều chỉnh, phải tự kỷ luật bản thân để tạo ra dấu hiệu ngừng, để dứt chúng ra khỏi việc sử dụng điện thoại là điều không khả thi.
Ta trao trách nhiệm cho thầy cô, thầy cô sẽ là những cá nhân giúp trẻ tạo dấu hiệu ngừng. Lại một lần nữa, ta làm gánh nặng dạy dỗ nặng nề hơn với thầy cô, bởi chưa kịp hiểu, chưa kịp ngấm, vẫn còn loay hoay với việc chuyển đổi dạy học theo kiểu truyền thống sang “dạy học theo kiểu phát triển năng lực” trong một lớp gần 50 học sinh (HS) lại gánh thêm nhiệm vụ canh chừng xem trẻ có xài điện thoại đúng chỗ, đúng thời điểm không… Mà khi HS mê điện thoại, chúng có trăm ngàn cách để qua mặt thầy cô.
Giáo viên Trường THPT số 2 Bảo Thắng (Lào Cai) hướng dẫn học sinh tìm tài nguyên học tập trên smartphone. Ảnh: GD TĐ
Ông PHẠM PHÚC THỊNH, Hiệu trưởng khối liên cấp Tuệ Đức, TP.HCM:
Quan trọng là cách kiểm soát học sinh sử dụng điện thoại
Điều 37 “Các hành vi HS không được làm” trong Thông tư 32 nêu rõ: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên (GV) cho phép”. Như vậy, HS sẽ không được sử dụng điện thoại khi không được GV cho phép. GV sẽ quyết định việc HS sử dụng hay không. Đây là một quy định rất hay của Bộ GD&ĐT. Điều này giúp GV có quyền cho HS sử dụng các thiết bị thông tin (máy tính, tablet, điện thoại di động) để phục vụ học tập theo yêu cầu của GV. Sau khi sử dụng, HS phải nộp điện thoại lên bàn GV.
Để việc sử dụng điện thoại đạt đúng mục đích, cần có quy định rõ ràng. Thứ nhất, HS được phép mang điện thoại đến trường. Vào đầu giờ học, HS sẽ đặt điện thoại của mình vào chiếc hộp trên bàn GV. Khi cần sử dụng và được GV cho phép, lớp học sẽ được chia thành từng nhóm. Mỗi nhóm sẽ được lấy một chiếc điện thoại của nhóm trong hộp ra sử dụng để trả lời câu hỏi, tra cứu thông tin. Như vậy, một lớp học chỉ có tầm 10 chiếc điện thoại, GV sẽ dễ quản lý.
Thầy NGUYỄN ĐĂNG KHOA, GV Trường THCS Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM:
Chỉ nên cho học sinh THPT sử dụng điện thoại trong giờ học
Hiện trường tôi có quy định cấm HS sử dụng điện thoại cảm ứng trong trường học. Muốn liên lạc với gia đình, các em chỉ được sử dụng loại điện thoại truyền thống chỉ có chức năng nhắn tin và gọi.
Do đó, với Thông tư 32 quy định nếu GV cho phép HS bậc THCS có thể sử dụng điện thoại trong trường học là không phù hợp. Bởi các em còn ít tuổi nên nói dùng điện thoại để truy cập tài liệu là không hiệu quả. Hơn nữa, HS cũng chưa cần thiết phải truy cập Internet để tìm tài liệu học tập trên lớp bởi chủ yếu kiến thức các em được học là căn bản.
Vì thế, việc sử dụng chỉ thích hợp với HS THPT nhưng GV cần phải có hướng dẫn và quy định giờ giấc cụ thể.
Nguồn: [Link nguồn]
Điện thoại smartphone góp phần tạo ra một môi trường giáo dục hoàn toàn mới, trường học online, hay lớp học online.