Hiểm họa khôn lường từ thuốc “bổ não” nhiều mẹ Việt dùng cho trẻ tăng cường trí nhớ

Lo lắng cho sức khỏe và trí tuệ của con trước mỗi kỳ thi, không ít phụ huynh đã tích cực “nhồi” thuốc “bổ não” cho con với niềm tin sẽ tăng cường trí nhớ, giúp con “dung nạp dữ liệu” nhanh và lâu hơn (?).

Lo lắng cho sức khỏe và trí tuệ của con trước mỗi kỳ thi, không ít phụ huynh đã tích cực “nhồi” thuốc “bổ não” cho con với niềm tin sẽ tăng cường trí nhớ, giúp con “dung nạp dữ liệu” nhanh và lâu hơn (?).

Hiểm họa khôn lường từ thuốc “bổ não” nhiều mẹ Việt dùng cho trẻ tăng cường trí nhớ - 1

Không có thuốc “bổ não” nào giúp học sinh nhớ bài nhanh hơn (ảnh minh họa)

Từ chuyện các bà mẹ xứ Kim chi...

Mấy ngày qua, trên tờ KoreaTimes (Hàn Quốc) đưa thông tin nhiều bậc phụ huynh ở đất nước này đang đua nhau đưa con đi “tiêm thuốc thông minh”. Họ tin rằng mũi tiêm này sẽ kích thích trí não của con, khiến con tập trung, sáng suốt hơn. Tờ báo này cũng cho biết, đây là loại thuốc được chiết xuất từ lá bạch quả, kết hợp với nhiều loại vitamin khác. Mỗi mũi tiêm có giá từ 60.000 - 120.000 won (khoảng 1,1 - 2,3 triệu đồng Việt Nam).

Bài báo cho biết: Mẹ của một cậu bé 8 tuổi, đang chuẩn bị cho con đi thi Toán quốc gia, đưa con đến gặp bác sĩ gia đình ở Jongno-gu (Seoul, Hàn Quốc) để tiêm thuốc. Cậu bé tiêm mỗi ngày một lần, liên tục trong 3 ngày. Mẹ bé tin rằng mũi tiêm sẽ khiến bé tập trung, đạt kết quả tốt hơn cho dù cậu bé này không thích tiêm. Được biết, 7 trong số 10 phòng khám xung quanh khu Daechi-dong (nơi tập trung nhiều bệnh viện tư nhân ở Seoul) đang cung cấp mũi tiêm được truyền miệng là rất hiệu nghiệm này.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết, chưa có kết quả nào cho thấy “mũi tiêm thông minh” có tác dụng tăng cường trí não của trẻ. Họ cho rằng có thể đó chỉ là một triệu chứng giả, do tâm lý phụ huynh, bởi hầu hết các thành phần thuốc sẽ ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu, những gì còn lại hầu như không kéo dài trong một vài giờ.

Tới các bà mẹ Việt mua thuốc “bổ não” cho con

Tại Việt Nam, chuyện bố mẹ tìm mua thuốc “bổ não” để giúp con thêm thông minh, tăng trí nhớ khi con bắt đầu vào kỳ “vượt vũ môn” không phải là lạ. Hiệu quả chưa biết đến đâu và rất tốn kém, nhưng nhiều bậc phụ huynh Việt vẫn hy vọng vào những viên thuốc” thần thánh” này. Cho rằng con thiếu tập trung khi một tối ngồi ôn bài cho kỳ thi học kỳ mà con trai học lớp 9 của chị “đi tới đi lui” tới 5 - 7 lần. “Con không chịu ngồi liền tù tì nổi 2 tiếng đồng hồ mỗi tối, khi thì kiếm cớ đi vệ sinh, uống nước, ăn hoa quả... Sốt ruột, tôi tìm hiểu trên mạng, mua thuốc bổ não, vitamin bổ sung về cho con uống, dặn con là thuốc đắt tiền, giúp tăng cường trí nhớ, cố mà thi cho tốt”, chị Kiều Minh (ở Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.

Cùng với việc cho con uống thuốc “bổ não”, kỳ vọng con trai không làm bố mẹ “mất mặt”, chị Minh tận dụng tối đa mọi thời gian, bất kể giờ giấc, cho con đi ôn thi thêm. Cứ 17-19h mỗi ngày, gia sư lại tới nhà phụ đạo cho con trai chị. Hiệu quả chưa thấy đâu, chỉ biết buổi tối, con trai chị thường mất ngủ, thỉnh thoảng lại giật mình, còn ban ngày, nhiều lúc chị bắt gặp vẻ mặt thất thần, ngơ ngác của con.

GS.TS Nguyễn Văn Thông, Phó Chủ tịch Hội Thần kinh Việt Nam cho biết, nếu ban ngày làm việc quá căng thẳng, kéo dài, não bị quá tải, đến đêm, khả năng ức chế không hết được sẽ dẫn đến những điểm thức trong não khiến bạn dễ thức giấc và khó ngủ lại. Khi não không được nghỉ ngơi sẽ gây đau đầu, giảm sút trí nhớ, ảnh hưởng đến khả năng lao động của ngày hôm sau. Theo GS.TS Nguyễn Văn Thông, biện pháp quan trọng là cha mẹ không nên ép con cả ngày ngồi học, cần kết hợp nghỉ ngơi. Buổi tối sau giờ học cũng nên dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể dục để não được thư giãn, tránh dùng chất kích thích như rượu, chè, cà phê, thuốc lá...

Không có thuốc “bổ não”!

Về các loại thuốc “bổ não”, BS Lý Trần Tình – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội khẳng định, không có thuốc “bổ não” nào có tác dụng tăng cường trí nhớ cho học sinh như nhiều người quan niệm. Hiện chỉ có các thuốc điều trị trong suy giảm trí nhớ cho một số nhóm bệnh cụ thể như: Đột quỵ, chấn thương sọ não… Tất cả các thuốc này đều phải được dùng theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Một số thuốc trong nhóm thuốc “bổ não” có thể gây nghiện, hay lệ thuộc vào thuốc như ritalin, giloba… Các thuốc này có tác dụng kích thích, làm tăng hoạt động của não giúp người dùng có cảm giác hưng phấn. Khi dùng kéo dài liên tục dễ gây tình trạng phụ thuộc thuốc, thậm chí có thể dẫn đến các rối loạn tâm thần.

Cho rằng không có loại thuốc nào “bổ não”, BS Trần Thị Minh Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM khuyên: “Học sinh không nên uống thuốc mà nhiều người cho rằng có tác dụng “bổ não”. Các em cần đảm bảo đầy đủ ba bữa chính trong ngày, đặc biệt không bỏ bữa sáng. Bụng đói dễ bị hạ đường huyết, không thể tập trung học bài. Các em học đúng phương pháp, có thời gian ăn và ngủ hợp lý”.

Các chuyên gia cũng lưu ý, bản thân vitamin, acid folic mà bố mẹ hay mua cho con để bồi bổ trước các kỳ thi cũng không phải là hoàn toàn vô hại. Đơn cử, loại hoạt chất glutaminol B6 – loại vitamin nhóm B – rất quan trọng trong việc hình thành tế bào mới. Sự thiếu hụt hoạt chất này sẽ gây ra bệnh thiếu máu và có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tổn thương tế bào thần kinh. Nhưng chất này hiện chỉ mới được ghi nhận có tác dụng điều trị suy giảm trí nhớ ở người lớn tuổi.

Do đó, các chuyên gia lưu ý, khi dùng acid folic để cải thiện năng lực trí tuệ, phụ huynh cần phải cân nhắc đến nguy cơ có thể có từ chất này, bởi vì sự tăng cao của acid folic trong cơ thể đôi khi gây ra sự thiếu hụt vitamin B12 lại có tác dụng ngược lên não bộ, gây nguy cơ tổn hại thần kinh, dẫn đến tê bàn chân, bàn tay hoặc thậm chí gây mất cảm giác.

BS Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết: “Cho đến nay, chẳng có loại thuốc nào được chứng minh là tăng cường trí nhớ hay “bổ não” cả. Chỉ có những loại thuốc dùng để điều trị bệnh suy giảm trí nhớ, hoặc các vitamin, chất làm tăng thức tỉnh hoạt động của não. Những trường hợp có bệnh về não thì mới dùng thuốc cho não qua đường tiêm, còn người bình thường thì không có”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh An (Báo Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN